Thời sự những đôi chân

Thời sự những đôi chân
TP - Liên tiếp xảy ra hai vụ ồn ào liên quan đến đôi chân. Cô bé 16 tuổi ở Đắk Lắk bị cắt một chân do sự vô cảm đến lạnh lùng của bác sĩ trong ca bó bột đơn giản. Một phụ nữ 47 tuổi ở Đà Nẵng thậm chí còn kém may mắn hơn, thiệt mạng sau ca mổ gãy chân thông thường.

Hôm qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến tận nhà nữ sinh bị cắt chân ở xã Ea Blhok, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk để trực tiếp xin lỗi người nhà bệnh nhân. Rồi bà bay tiếp vào Bệnh viện Chợ Rẫy trò chuyện an ủi cô bé đang điều trị tại đây. Bà Bộ trưởng cuối nhiệm kỳ của mình, có lẽ không cần phải PR thêm nữa, mà cho thấy sự xót xa, thương cảm thực lòng của một bác sĩ, cũng là người mẹ, người bà. Trong khi đó, giám đốc Sở Y tế tỉnh này - chủ quản của kíp bác sĩ vô trách nhiệm, lại chỉ tổ chức xin lỗi… vọng, xin lỗi vắng mặt người bị hại từ xa, thông qua một cuộc họp báo rình rang. Gia đình nạn nhân không hề hay biết.

Báo vừa đăng, một phạm nhân 41 tuổi ở tỉnh Hải Dương đang thụ án tù giam về tội tổ chức đánh bạc, bỗng được phát hiện treo cổ chết… tại nhà riêng! Vợ phạm nhân kể đêm hôm trước thấy chồng đi taxi về nhà và ngồi chơi điện tử một mình. Đến rạng sáng thì phát hiện chồng treo cổ nên báo công an.

Đôi chân, chức năng từ thời nguyên thủy đến nay là để đi và đến. Trong vụ cô bé bị cắt chân oan ức, đôi chân của lãnh đạo Sở Y tế chắc chắn gần gia đình bệnh nhân cũng là nạn nhân hơn bà Bộ trưởng. Thế nhưng đã diễn ra điều ngược lại. 

Với việc một người đang ngồi tù nhưng có thể về nhà để tự tử, nhiều câu hỏi cần phải được trả lời. Và cũng liên quan đến đôi chân. Ai đã thả cho đôi chân ấy được thênh thang tự do đến vậy, để có thể làm việc tày trời?

Cô bé cần đi tiếp trên đời này, dù chỉ với một chân còn lại. Lãnh đạo Bộ Y tế bước đầu đem lại chỗ dựa đầy hy vọng cho cô bé, khi hứa sẽ hỗ trợ việc học hành trong ngành y cũng như việc làm phù hợp sau khi học xong.

Lời hứa hẹn còn cần thời gian để chứng thực. Nhưng xã hội không thể chờ đợi thêm được nữa, trước thói vô cảm, lạnh lùng chưa thấy thuyên giảm, trong một ngành rất cần từ tâm như y tế.

Nguyễn Quang Thạch, chàng trai chỉ còn nhìn được với một con mắt, đã đi bộ xuyên Việt để quyên góp sách dành cho Chương trình “Sách hóa nông thôn” mà anh khởi xướng và theo đuổi suốt những năm qua. Với mục tiêu 300.000 tủ sách trên toàn quốc vào năm 2017, giúp 10 triệu học sinh nông thôn không còn đói sách. Bằng tâm niệm “Để trẻ em thiếu sách là tạo tội ác cho xã hội”. Anh đang dự định sẽ xuyên Việt lần thứ hai để tiếp tục thức tỉnh con người bằng sách.

Giúp thức tỉnh những cái đầu và trái tim cằn khô lạnh lẽo, nhiều khi nhờ vào đôi chân gầy yếu như vậy.

MỚI - NÓNG