Thỏa thuận Paris: Cơ hội cứu hành tinh

Thỏa thuận Paris: Cơ hội cứu hành tinh
TP - Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đạt được tại Pháp hôm 12/12, theo đó, các nước đang phát triển mỗi năm sẽ nhận được 100 tỷ USD. Việt Nam và nhiều nước lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận được coi là cơ hội cứu hành tinh này.

Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP 21) hôm 12/12 (giờ Pháp) nhất trí thông qua Thỏa thuận Paris. 

Ngày 13/12, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, Việt Nam vui mừng và hoan nghênh thỏa thuận này, cho rằng đây là bước mở đầu cho một giai đoạn mới về ứng phó biến đổi khí hậu và là một bước tiến hết sức quan trọng trong nỗ lực chung  nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu - một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất trong thế kỷ 21.

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nhiều năm qua, Việt Nam đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, chủ động đưa ra các cam kết trong lĩnh vực này, đồng thời tham gia tích cực và thực chất vào tiến trình đàm phán Thỏa thuận Paris, cùng với các nước nỗ lực vì mục tiêu chung, đồng thời bảo vệ các lợi ích chính đáng của Việt Nam, ông Bình khẳng định.

“Việt Nam cho rằng, cộng đồng quốc tế cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ và hợp tác hiệu quả  nhằm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Thỏa thuận Paris, trong đó, các nước phát triển cần đi đầu trong thực hiện cam kết về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hỗ trợ và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển để cùng nhau thực hiện thành công thỏa thuận này”, ông Bình nói.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi Thỏa thuận Paris là “bước chuyển của cả thế giới” và là “cơ hội tốt nhất chúng ta có được để cứu hành tinh”. Cho rằng thỏa thuận không hoàn hảo, nhưng ông Obama dự đoán văn kiện này sẽ thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch và giảm lượng phát thải carbon làm tăng nhiệt độ toàn cầu.

Đại diện gần 200 quốc gia đã tham gia vào những cuộc đàm phán căng thẳng tại thủ đô của Pháp trong suốt hơn 2 tuần, và cuối cùng nhất trí một thỏa thuận mà tất cả các quốc gia phải cắt giảm khí phát thải. Thỏa thuận một phần có tính ràng buộc pháp lý này sẽ được thực hiện từ năm 2020.

Vẫn còn nghi ngại

Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc Xie Zhenhua cho rằng, kế hoạch Paris không lý tưởng, nhưng “không ngăn chúng ta tiến những bước đi lịch sử về phía trước”. 

Một số nhà hoạt động cho rằng, Trung Quốc, nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới, sẽ không hành động đủ nhiều để bảo vệ hành tinh. BBC dẫn lời ông Giza Gaspar Martins, trưởng nhóm các quốc gia nghèo nhất thế giới, nói rằng, đây là “kết quả tốt nhất mà chúng tôi có thể hy vọng, không chỉ cho các nước kém phát triển nhất thế giới, mà cho mọi công dân trên toàn cầu”.

Thỏa thuận Paris: Cơ hội cứu hành tinh ảnh 1

Các nhà lãnh đạo thế giới vui mừng sau khi nhất trí Thỏa thuận Paris mang tính lịch sử. Ảnh: Xinhua

Nỗ lực áp đặt mục tiêu phát thải cho các quốc gia là một trong những lý do chính khiến hội nghị về biến đổi khí hậu tại Copenhagen (Đan Mạch) năm 2009 thất bại. 

Các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi… không sẵn sàng ký thỏa thuận, bao gồm điều kiện mà họ cho là sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế của mình. 

Thỏa thuận Paris tránh bế tắc đó bằng cách tạo ra Quyết tâm đóng góp quốc gia dự kiến (INDC). Theo đó, các nước đưa ra kế hoạch của mình để giảm phát thải từ sau năm 2020.

Ông Nick Dearden, giám đốc phong trào Global Justice Now, cho rằng, thật “thái quá khi thỏa thuận vẫn ở trên bàn mà lại được ca ngợi là một thành công trong khi ảnh hưởng quyền của những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất thế giới và gần như không có tính ràng buộc để bảo đảm một khí hậu an toàn và sống được cho các thế hệ tương lai”. 

Một số khía cạnh của thỏa thuận sẽ có tính ràng buộc pháp lý, như việc các nước phải trình mục tiêu giảm phát thải của mình và thường xuyên đánh giá xem có đạt được mục tiêu đó không. Nhưng những mục tiêu do các nước tự đặt và không bắt buộc theo Thỏa thuận Paris.

Những điểm chính của Thỏa thuận Paris

lĐạt mức phát thải lớn nhất càng sớm càng tốt và hạ thấp mức phát thải vào nửa sau của thế kỷ này

lGiữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C và nỗ lực giới hạn mức tăng ở mức 1,5 độ C

lĐánh giá quá trình thực hiện 5 năm một lần

lĐến năm 2020, cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển và cam kết tiếp tục hỗ trợ trong tương lai.


MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.