Việt Nam chia sẻ trách nhiệm ứng phó biến đổi khí hậu

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Phiên toàn thể COP 21. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Phiên toàn thể COP 21. Ảnh: TTXVN
TP - Trong bài phát biểu quan trọng tại COP 21 ở Paris sáng 1/12 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết, dù còn khó khăn, Việt Nam vẫn sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016 - 2020.

Phát biểu quan trọng tại Phiên toàn thể của Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP 21), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi nội dung Thỏa thuận toàn cầu mới về khí hậu (dự kiến được thông qua tại COP 21) cần bảo đảm sự đóng góp công bằng giữa các quốc gia và sự cân bằng giữa các nội dung về giảm nhẹ, thích ứng, tài chính, phát triển, chuyển giao công nghệ. Thủ tướng nhấn mạnh, các nước phát triển cần đi đầu trong việc thực hiện cam kết, đồng thời tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nước đang phát triển để cùng nhau thực hiện thành công thỏa thuận.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, từ nay đến năm 2020, dù khó khăn về nguồn lực, nhưng Việt Nam vẫn sẽ tích cực triển khai chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực với các biện pháp thiết thực. Việt Nam khẳng định thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ trong Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto… Thủ tướng cũng nêu rõ, trong giai đoạn sau năm 2020, dù phải đương đầu nhiều khó khăn và chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.

Phát biểu tại phiên đối thoại cấp cao “Việt Nam chung tay cùng các đối tác quốc tế ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng, Đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam đang chịu các tác động kép do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và do các hoạt động xây đập, khai thác, sử dụng nước không bền vững tại các khu vực thượng nguồn sông Mekong. Nếu không có giải pháp ứng phó phù hợp thì dự báo đến cuối thế kỷ này, nước biển dâng cao 1m sẽ gây ngập tới 40% diện tích và ảnh hưởng tới sinh kế của gần 55% dân số Đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam - nơi đang xuất khẩu khoảng 1/5 tổng lượng gạo thương mại trên toàn cầu.

Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Laura Tusk nói rằng, Chính phủ Việt Nam đã chứng tỏ với cộng đồng thế giới thấy rõ sự cam kết mạnh mẽ cũng như quyết tâm đề ra các biện pháp hiệu quả để ứng phó biến đổi khí hậu. Bà Laura Tusk khẳng định, WB cam kết sẽ tăng khoản tài chính 29 tỷ USD hằng năm hỗ trợ các nước ứng phó tác động của biến đổi khí hậu. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đề nghị, với vai trò là quốc gia đi đầu trong khu vực về ứng phó biến đổi khí hậu, Việt Nam nên hành động mạnh mẽ hơn nữa. Ông khẳng định, Hà Lan sẵn sàng làm tất cả để hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này. Kết thúc phiên đối thoại, các bên đã ra Tuyên bố chung giữa Việt Nam, Hà Lan và WB về việc ủng hộ và kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Tăng cường quan hệ Việt - Pháp

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng Pháp Manuel Valls tại Paris, nhân dịp dự Hội nghị COP21. Hai bên thống nhất các phương hướng, biện pháp lớn thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, các vấn đề quốc tế và khu vực… Hai bên nhấn mạnh, cần tăng cường hợp tác trong các dự án trọng điểm về giao thông vận tải, năng lượng, hàng không vũ trụ, nông nghiệp, dược phẩm…

Thủ tướng Manuel Valls cam kết, Pháp tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với Liên minh châu Âu, nhất là về kinh tế và thương mại. Ông nêu rõ, Pháp rất quan tâm yêu cầu của Việt Nam trong việc ứng phó biến đổi khí hậu, nhất trí hai bên cần hỗ trợ nhau trong nỗ lực đạt mục tiêu giảm phát khí thải nhà kính; sẵn sàng khuyến khích doanh nghiệp Pháp tham gia tích cực vào các dự án “phát triển xanh” tại Việt Nam.

Thủ tướng Pháp đánh giá cao chính sách và thành tựu hội nhập quốc tế của Việt Nam, vai trò của Việt Nam trong giữ gìn hòa bình, an ninh, ổn định tại khu vực. Hai bên nhất trí rằng, mọi tranh chấp ở biển Đông cần phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982…

Tiếp xúc song phương với lãnh đạo 24 nước

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, chiều 1/12 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới thăm trụ sở UNESCO và tiếp Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova. Trước đó, Thủ tướng tiếp Chủ tịch WB Jim Yong Kim, Tổng Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Quỹ Môi trường toàn cầu Naoko Ishii, Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc KimYoung-mok. Cùng ngày, Thủ tướng có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo của 24 nước, gồm Anh, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Brazil, Hà Lan, Áo, Na Uy, Phần Lan, Chile, Iran, Cuba, Thái Lan, Campuchia, Philippines, Ukraine, Slovenia, Algeria, Bulgaria, Italy, Panama, New Zealand và Latvia.

Chiều 1/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần lượt hội kiến Chủ tịch Thượng viện Pháp Gerard Larcher và Chủ tịch Hạ viện Claude Bartelone. Đêm 1/12, Thủ tướng cùng đoàn đại biểu Việt Nam rời Paris, kết thúc tốt đẹp chuyến dự COP 21, bắt đầu chuyến thăm làm việc tại Bỉ và Liên minh châu Âu.

MỚI - NÓNG