Thợ trẻ giỏi, bắt đầu từ những điều giản dị

Lê Phước Hưng (SN 1989) kiểm tra nguồn nước thải tại Công ty CP Thực phẩm Cholimex.
Lê Phước Hưng (SN 1989) kiểm tra nguồn nước thải tại Công ty CP Thực phẩm Cholimex.
TP - Với niềm đam mê, trách nhiệm trong công việc, 2 bạn trẻ Lê Phước Hưng và Nhữ Thị Trang trở thành những người thợ tài năng, đóng góp nhiều sáng kiến vì cộng đồng. Họ là 2 trong số 65 người trẻ điển hình vinh dự được tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ IX năm 2018.

“Bắt mạch” nước ô nhiễm

Gặp Lê Phước Hưng (SN 1989) tại Công ty CP Thực phẩm Cholimex khi anh đang mải mê kiểm tra chất lượng nước. Hưng thành thạo từng khâu trong xử lý nước thải. Cậu “bắt mạch”, “khám bệnh” từng dòng nước bẩn để xứ lý tốt nhất trước khi xả ra môi trường. Hưng cho biết, cậu lớn lên trong một gia đình nghèo ở Long An. Không có ruộng, bố mẹ Hưng phải đi làm thuê làm mướn khắp nơi. Cuộc sống khó khăn của gia đình đã tạo cho Hưng tính tự lập từ nhỏ. Năm lên lớp 9, thấy ba mẹ ngày càng già yếu, Hưng quyết định đi làm thuê để trang trải việc học tập. Cuối năm 2012, Hưng tốt nghiệp chuyên ngành báo chí tại Trường Cao đẳng Phát thanh truyền hình II (TPHCM). Sau đó, anh làm việc trái nghề, làm công nhân tại Công ty CP Thực phẩm Cholimex.

Vào công ty, ban đầu Hưng làm công việc bảo quản nhân bánh. Một năm sau, khi biết bên bộ phận vận hành hệ thống xử lý nước thải của công ty thiếu người, Hưng chủ động xin qua thử sức. Chuyển qua công việc xử lý nước thải, Hưng cho ra đời ngay sáng kiến thay thế nước sau xử lý để làm giảm chi phí sản xuất. Đến năm 2016, trong quá trình vận hành, Hưng phát hiện hiện tượng chết vi sinh do nhiễm mỡ đầu vào, bùn nổi nhiều. Để chủ động cung cấp vi sinh trở lại được kịp thời, Hưng đề xuất với cán bộ quản lý ủ sẵn vi sinh để thay thế cho lượng vi sinh đã chết.

Sau đó, Hưng tiếp tục cho ra đời sáng kiến cải tiến dùng bùn vi sinh bỏ đi thay thế bùn vi sinh yếu và chết. Trước đây, phần lớn nước thải của công ty có lẫn dầu mỡ. Trong quy trình xử lý nước thải, lượng dầu mỡ này làm chậm quá trình phát triển của vi sinh. Từ đó quy trình xử lý nước bị gián đoạn, nước đầu ra đục và có mùi hôi không đạt tiêu chuẩn theo quy định về nước thải xử lý của khu công nghiệp. Sau nhiều lần thử nghiệm đạt kết quả tốt, Hưng đề xuất Ban quản lý và được sự đồng ý thực hiện cải tiến dùng bùn vi sinh bỏ đi thay thế bùn vi sinh yếu và chết. Chỉ riêng với sáng kiến này, Hưng đã làm lợi cho công ty hơn 1 tỷ đồng/năm. 

Những sáng kiến của Hưng vừa giúp tiết kiệm được chi phí xử lý vừa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định về nước thải xử lý của khu công nghiệp. “Mình không nghĩ nó là điều gì to tát, đơn giản là thấy cái gì chưa đạt là phải nghĩ cách khắc phục. Mình cũng luôn ý thức không ngừng học hỏi để phát triển và hoàn thiện bản thân hơn”, Hưng nói.

Với những nỗ lực vươn lên trong công việc, Lê Phước Hưng được tặng Danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017; Bằng khen Chủ tịch UBND TPHCM năm 2017; Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi 2017; Được tuyên dương Tuổi trẻ khối doanh nghiệp tiêu biểu làm theo lời Bác năm 2017. 

Yêu nghề mới giỏi nghề

Nhìn cô gái trẻ, có nụ cười tươi Nhữ Thị Trang (SN 1995), ít ai biết được Trang là chủ hệ thống Spa, chăm sóc sắc đẹp ở Hà Nội. Trang sinh ra và lớn lên ở Đắk Lắk, tốt nghiệp cấp 3 cô không lựa chọn đại học mà ra Hà Nội học ngành Chăm sóc sắc đẹp (Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội).

Thợ trẻ giỏi, bắt đầu từ những điều giản dị ảnh 1 Nhữ Thị Trang.

Trang chia sẻ, ngày ra Hà Nội học, dân làng ở quê nghe nói đi học nghề Spa, họ cũng chẳng biết Spa là gì, chỉ thấy học cái gì liên quan đến gội đầu, cắt tóc là xì xào, đồn thổi em làm nghề không đứng đắn. “Ngày đó mình rất bị áp lực bởi dư luận. Nhưng bằng đam mê, mình đã chứng minh nghề chăm sóc sắc đẹp cho mọi người cũng là nghề cao quý. Bây giờ ở quê mình cũng nhiều người ra ngoài này học nghề, nhưng họ học có khi chỉ vì thấy kiếm được nhiều tiền, mà không yêu nghề, thích nghề nên không ít trường hợp không thành công”, Trang nói.

Trang kể, những ngày đầu ra Hà Nội, cô được nhiều lời rủ rê đi làm ở quán karaoke lương khủng, rồi bạn bè rủ đi làm thêm trái ngành nghề, nhưng cô  đều từ chối. Trang quyết tâm làm đúng ngành nghề mình yêu thích dù lương thấp hơn để lấy kinh nghiệm. Từ năm thứ nhất, cô đã vừa đi học vừa đi làm nghề mình được đào tạo. Đi làm thêm giúp Trang vừa có kinh nghiệm thực tiễn vừa kiếm thêm nhu nhập phụ giúp gia đình. Buổi sáng Trang đi học, buổi chiều đi làm đủ 8 tiếng, đến 10 giờ tối mới nghỉ. Thu nhập từ đi làm thêm của Trang ngày ấy được 5 triệu/ tháng. Chính vì thế, đến năm thứ 3, Trang bắt tay vào khởi nghiệp.

Từ số tiền tiết kiệm trong những năm vừa học vừa làm, được bố mẹ đồng ý cho mượn sổ đỏ để vay tiền ngân hàng, Trang có vốn để mở một cơ sở Spa ở Hà Nội, một cơ sở Spa và một hiệu salon tóc ở Bắc Ninh. “Mỗi địa điểm đầu tư ban đầu là 400 triệu đồng, số lượng nhân viên duy trì hoạt động là 10 người, phần lớn là sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, nhằm tạo điều kiện cho các em được thực hành trải nghiệm và có thêm thu nhập. Doanh thu trung bình tháng dao động từ 80-120 triệu/ một Trung tâm Spa”, Trang nói.

Hiện tại, ngoài quản lý Spa, Trang còn đi dạy ở Trường Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội và ở các cơ sở Spa khác. Với mối quan hệ của mình trong nghề, Trang còn nhận cung cấp các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cho nhiều spa, thẩm mỹ viện trên địa bàn Hà Nội.

Nói về dự định bản thân, Trang chia sẻ, sắp tới sẽ học thạc sĩ chuyên ngành làm đẹp ở Hàn Quốc. Ngành này đang có xu hướng phát triển rất tốt. Nếu sau này, khi Việt Nam mở mã ngành Chăm sóc sắc đẹp ở bậc đại học, cô mong muốn quay về dạy ở Việt Nam. “Mình luôn khát khao được đi dạy, có thể truyền đạt cho các em theo nghề những kiến thức đúng, những quy trình đảm bảo vệ sinh, an toàn. Ước mơ của mình sau này có thể sở hữu một chuỗi hệ thống chăm sóc sắc đẹp trong vòng 5-10 năm nữa”, Trang nói.

Với những cố gắng của bản thân, Trang vinh dự đạt Chứng chỉ xuất sắc Nghề Chăm sóc Sắc đẹp tại Hội thi tay nghề ASEAN 2016; Bằng khen Đạt giải Nhất Nghề Chăm sóc Sắc đẹp tại Hội thi tay nghề Quốc gia 2016 của Bộ LĐ-TB&XH...

Năm 2018, T.Ư Đoàn đã nhận được 215 hồ sơ đề cử “Người thợ trẻ giỏi” từ 57 tỉnh, Thành Đoàn và Đoàn trực thuộc. Ban tổ chức đã chọn ra 65 cá nhân tiêu biểu vinh danh “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ IX năm 2018 được tổ chức trong 2 ngày 12 và 13/5/2018 tại thủ đô Hà Nội.

MỚI - NÓNG