Nhiều sáng kiến tiền tỷ
Trần Quốc Tuyên, sinh năm 1988, Tổ trưởng tổ bảo trì, phân xưởng mì, Cty CPTP Thiên Hương được xem là “cây sáng kiến”. Sau 6 năm làm việc, Tuyên đã cho ra đời gần chục sáng kiến làm lợi cho Cty hàng tỷ đồng. Tuyên vốn là sinh viên chuyên ngành công nghệ ô tô, Trường CĐ Giao thông vận tải T.Ư 3.
“Ngành học không liên quan gì đến công việc hiện tại, nhưng nghề dạy nghề. Từ những ngày đầu bước chân vào Cty, tôi luôn nỗ lực hết mình. Tôi dám nghĩ, dám làm và thường đưa ra những đề xuất, sáng kiến”, Tuyên chia sẻ.
Năm 2012, Cty có đề án xây dựng dây chuyền chiên bánh snack cho chi nhánh phía Bắc, với năng suất cao gấp 1,5 lần dây chuyền nhập khẩu hiện tại. Là người được lãnh đạo Cty chỉ định thực hiện đề án sau 4 tháng mày mò, nghiên cứu, làm ngày, làm đêm, anh tự sản xuất được dây chuyền mới có tính năng ưu việt hơn hẳn, với chi phí chỉ 100 triệu đồng (trong khi dây chuyền nhập khẩu trước đó của Cty hết 2,6 tỷ đồng).
Liên tiếp sau đó, Tuyên cho ra đời hàng loạt các sáng kiến khác nhau làm lợi tiền tỷ cho Cty. Tháng 11/2012, chế tạo thành công dây chuyền cháo công nghệ mới, giúp Cty tiết kiệm hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Tháng 8/2013, chế tạo xe đẩy hấp bún cho dây chuyền sản xuất bún ăn liền, giúp tiết kiệm được gần 800 triệu đồng/năm…
Không chỉ giỏi chuyên môn, Trần Quốc Tuyên từng là cán bộ Đoàn năng nổ. Tuyên vận động các bạn trẻ trong Cty tham gia phong trào sáng tạo trẻ, đề xuất các sáng kiến, ý tưởng nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tổ chức các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người già neo đơn, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Hà Xuân Hùng, sinh năm 1982, Trưởng phòng Công nghệ Phần cứng - Trung tâm Công nghệ Thông tin - VNPT Quảng Bình là kỹ sư có nhiều sáng kiến độc đáo vừa được tuyên dương tại Giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” 2015. Năm 2012, anh cho ra đời phần mềm “Âm vang miền cát trắng”. Anh kết nối được với Đài Truyền hình Quảng Bình, phát triển phần mềm này trở thành chương trình vui chơi lý thú cho các em học sinh trên sóng truyền hình.
“Phần mềm có nội dung tương tự chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”, với các phần thi trí tuệ hấp dẫn, trẻ trung đã gây được tiếng vang lớn, thu hút đông đảo học sinh tham gia”, anh Hùng chia sẻ. Phần mềm này còn được anh Hùng sáng tạo thành chương trình thi trực tuyến dành cho cán bộ kinh doanh giỏi của Cty. Ngoài ra, anh còn đề xuất sáng kiến đẩy mạnh kinh doanh công nghệ thông tin, mỗi năm mang về doanh thu hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp.
Anh Hà Xuân Hùng bên công việc hàng ngày của một kỹ sư.
Khi nào mới lan tỏa?
Giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc là giải thưởng thường niên của T.Ư Đoàn nhằm động viên, tôn vinh, khen thưởng những người thợ trẻ giỏi, tay nghề cao, có thành tích lao động xuất sắc, có các đề tài, ý tưởng, sáng kiến, sáng tạo được áp dụng trong lao động, sản xuất, học tập; qua đó khuyến khích thanh niên tích cực học tập, nâng cao trình độ tay nghề. Qua 6 năm tổ chức, đã có 470 “người thợ trẻ giỏi” được vinh danh.
“Ban tổ chức mới làm công tác tuyên dương, vinh danh những người thợ trẻ giỏi. Hiện, chưa có chương trình quan tâm, hỗ trợ những người thợ trẻ sau tuyên dương”.
Chị Vũ Thị Giáng Hương, Trưởng Ban Công nhân và Đô thị T.Ư Đoàn
Theo chị Vũ Thị Giáng Hương, Trưởng Ban Công nhân và Đô thị T.Ư Đoàn, đơn vị thường trực Giải thưởng, những bạn trẻ được vinh danh “Người thợ trẻ giỏi” đều là những người xuất sắc. Nếu là công nhân, họ đều có tay nghề cao, hiện đang có vị trí công việc tốt tại doanh nghiệp, đơn vị. “Những học sinh trường nghề đạt giải cao tại các cuộc thi tay nghề trong nước và quốc tế được tuyên dương tại Giải thưởng cũng là những gương mặt sáng giá, được các Cty săn đón, mời chào. Vì thế, với những “Người thợ trẻ giỏi”, họ thường không phải lo về vấn đề công việc của bản thân”, chị Hương nói.
Theo quy chế Giải thưởng, Ban tổ chức Giải thưởng thành lập Câu lạc bộ Thợ trẻ giỏi nhằm kết nối, thu hút những người trẻ được tuyên dương trong các mùa giải trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm học tập. Tuy nhiên, theo đại diện Ban tổ chức, từ ngày thành lập đến nay, Câu lạc bộ mới chỉ hoạt động trên thế giới ảo, kết nối với nhau qua email, chứ chưa có một lần gặp gỡ trực tiếp. Vì thế, việc chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm hay, mô hình tốt của người thợ trẻ giỏi chưa tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng.