Đóng góp từ những sáng kiến
Nhận danh hiệu “Người thợ trẻ giỏi 2015”, anh Lưu Đình Long (SN 1980), Kỹ sư vận tải - nhân viên điều độ chạy tàu, chi nhánh vận tải đường sắt (Công ty Apatit Việt Nam), vui mừng và tự hào. Với thành tích lắp đặt mới 2 bộ ghi cuối hố xả bãi dồn ga Quặng, chi nhánh vận tải đường sắt tại đơn vị anh công tác, anh Long đã được chọn là một trong những người có sáng kiến giúp ích cho công ty.
“Từ phát kiến này đã mang lại hiệu quả rút ngắn thời gian dồn dịch trong ga, giảm thời gian làm việc, tiết kiệm giờ dồn, đem lại hiệu quả kinh tế cao”- anh Long cho biết. Tổng giá trị từ sáng kiến này đã làm lợi cho công ty trên 500 triệu đồng. “Công tác trong môi trường đặc biệt giúp mình được cơ hội tìm tòi và sáng tạo. Qua những lần nghiên cứu, đề xuất và thử nghiệm rồi cuối cùng là đưa vào vận hành, dù trải qua nhiều lần gặp trở ngại nhưng mình đã chấp nhận làm thì phải chấp nhận rủi ro. Từ đó mình đã cố gắng hoàn thành và đạt hiệu quả ngoài cả mong đợi”- anh Long chia sẻ.
Anh Long là người đã vận động đoàn viên thanh niên trong chi nhánh quyên góp, ủng hộ học sinh nghèo vùng cao có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, xây dựng đường nông thôn được trên 20 triệu đồng. Phong trào “Em yêu đường sắt quê em” cũng được anh Long triển khai tại 12 trường học đóng trên địa bàn nơi có tuyến đường sắt công nghệ mỏ đi qua...
Qua quá trình làm việc, anh Triệu Đăng Định (SN 1981), Phó trưởng phòng Kỹ thuật - An toàn và Môi trường, Cty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao thấy hiệu suất chuyển hóa của dây chuyền Axit số 2 còn thấp, hàm lượng SO2 còn nhiều. Người thợ trẻ tìm tòi và nghiên cứu để tìm ra giải pháp nâng cao hiệu suất chuyển hóa, giảm hàm lượng SO2 trong khí thải tại dây chuyền Axit số 2. Từ sáng kiến này, anh đã làm lợi cho công ty hơn 800 triệu đồng/năm. “Việc tăng xúc tác của tháp tiếp xúc dây chuyền Axít số 1 giúp giảm hàm lượng SO2 trong khí thải trung bình 200 mg/m3 khí thải và thu hồi lượng lưu huỳnh thất thoát vào sản phẩm H2SO4”- anh Định cho biết. Ứng dụng này không chỉ làm giảm chi phí tiêu hao nguyên, nhiên liệu mà góp phần làm cho môi trường sạch hơn. Từ tháng 3/2013, khi áp dụng giải pháp này, Cty của anh Định đã tiết kiệm nhiều tỷ đồng.
Rạng rỡ sau khi nhận giải “Người thợ trẻ giỏi 2015”, chị Kim Thị Ngọc Mai (SN 1982), cho biết, chị là giáo viên dạy nghề, đồng thời là chủ cơ sở đan giỏ ni lon Ngọc Mai, tỉnh Sóc Trăng. “Tôi luôn nỗ lực phấn đấu, phối hợp với các xã mở lớp đào tạo và giải quyết việc làm vì thấy thanh niên nông thôn và người lớn vẫn chưa có được công việc ổn định”- chị Mai kể. Từ sự hỗ trợ của chị Mai, đến nay có trên 11.120 lao động nông thôn lành nghề. “Mức thu nhập của lao động mới là 600.000 đồng/ tháng, lao động lành nghề thu nhập từ 1,2 đến 2 triệu đồng/ tháng. Mình mong sao bản thân sẽ làm tốt hơn và luôn cố gắng tạo điều kiện giải quyết việc làm để người dân quê mình đỡ nghèo khó”- chị Mai chia sẻ.
Cần lan tỏa hơn nữa
Phát biểu tại lễ tuyên dương, ông Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, yêu cầu các bộ ngành, chính quyền các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, nhất là lớp công nhân trẻ. “Để đất nước có nhiều hơn nữa đội ngũ công nhân có trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp ngày càng cao, có khả năng tiếp thu và làm chủ công nghệ mới thì mới nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh và giải quyết vấn đề thiếu hụt công nhân kỹ thuật cho đất nước”- ông Bình nói.
Theo ông Trương Hòa Bình, 55 người thợ trẻ tiêu biểu toàn quốc năm nay có ảnh hưởng tốt đối với tập thể; có tinh thần chia sẻ, giúp đỡ, hướng dẫn bạn bè đồng nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tích cực tham gia công tác Đoàn, Hội. “Họ là nhân tố cực kỳ quan trọng để từ đó chuyển tải thông điệp lan tỏa đến các bạn trẻ hãy tiếp tục phấn đấu, ra sức học tập, rèn kỹ năng, luyện tay nghề, đóng góp tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”- ông Bình nhấn mạnh.
Giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc nhằm khen thưởng, động viên, tôn vinh những đoàn viên, thanh niên công nhân đang làm việc tại doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; học sinh, sinh viên tại các cơ sở đào tạo nghề có thành tích xuất sắc trong học tập; nghệ nhân, thợ thủ công có tay nghề xuất sắc, có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát triển nghề; khích lệ thanh niên tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao.
Từ 159 đề cử từ các tỉnh, thành Đoàn trên toàn quốc, Ban tổ chức chọn ra 55 gương mặt “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ VI. Qua 6 lần tổ chức, đã có 470 “Người thợ trẻ giỏi” được vinh danh