Thiếu nữ vai gầy của Đinh Cường

TP - Chỉ cần vài chi tiết: thiếu nữ mình hạc xương mai, tay buông xuôi, ngón thon dài có cầm nhành hoa và với nền sau là ngôi nhà thờ… đã đủ cho ta biết tác giả chính là họa sĩ nổi tiếng Đinh Cường.

Một thời ở Huế

Tôi kém thầy Đinh Cường (1939-2016) đến 17 tuổi. Nhớ những năm 1960 của thế kỷ trước ấy thầy hay đến nhà bà O tôi chơi với anh Hoàng Phủ Ngọc Tường (mẹ anh Tường là chị ruột của ba tôi), ở xóm kiệt gần chợ Xép trong Đại Nội Huế. Nhà ba mẹ tôi ở bên cạnh cũng trong khu vườn của bà nội. Thời ấy dẫu bé con nhưng tôi đã thích và quen nhìn những nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ nổi tiếng lui tới ngôi nhà tranh của anh Tường, được anh đặt tên là “Tuyệt tình cốc” để vui chơi trình diễn các sáng tác của mình. Lại quen với người em của thầy là họa sĩ Đinh Tráng nên tôi thỉnh thoảng lén vào xưởng họa của ông để xem.

Năm 1976 tôi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế và được gặp thầy thường xuyên hơn. Thầy ít nói, ăn mặc đẹp, nhưng không quá chải chuốt, cầu kỳ. Tôi không được học trực tiếp thầy Đinh Cường vì tôi chỉ học hệ Trung cấp, còn thầy dạy Cao đẳng và chuyên khoa sơn dầu. Có điều kiện tôi chỉ lén lên lớp trên xem anh chị đàn anh vẽ, hỏi thêm từ những gì thầy truyền dạy. Thầy “khó tính” khi dạy, như nghe kể rằng có sinh viên do lười biếng xuống lầu xách nước để vẽ màu nước, nên đã vẽ màu với nước bẩn. Thầy không ngần ngại dội luôn lọ nước bẩn trên tranh vẽ và yêu cầu sinh viên đó vẽ lại. Tôi vẫn nhớ, mến cái kiểu phong lưu trong cử chỉ lẫn nói chuyện, đi lại và cả sự xếp đặt rất chỉn chu nơi xưởng vẽ (trong khi các họa sĩ khác thường bề bộn...), và cả những gì thầy đã vẽ, đến từng cái khung ngoại đều được thầy tỉ mỉ chọn lựa.

Ngày còn lưu trú ở trong trường thuộc khu Đại Nội, thầy mượn căn hầm chứa bạc của cung điện làm xưởng vẽ, vừa yên tĩnh vừa khả dụng để tránh bom đạn. Thầy yêu hoa hồng nên dành hết phần đất trước nhà trồng hoa, sau này về ở đường Đinh Công Tráng, đất nhỏ nhưng thầy cũng nhờ tôi trồng, bởi anh em tôi có nghề ghép hoa hồng. Ở trường từ thầy giáo đến sinh viên đều mến thầy nên khi thầy Thái Bá Vân từ Hà Nội vào trường dạy cũng xin phép Ban giám hiệu ra ở cùng nhà riêng của thầy Đinh Cường.

Sau này ra trường tôi vào Đà Nẵng công tác, còn thầy chuyển vào Sài Gòn. Năm 1988 tôi tổ chức triển lãm lần đầu tiên, thầy có gửi lời chúc mừng. Năm sau trước ngày định cư ở Mỹ thầy gửi tặng tôi 2 lít Huile de Lin (loại chuyên dùng pha loãng sơn dầu) kèm theo lời chúc viết trên cái can dầu “Chúc Hỷ vẽ đẹp”.

Những lần thầy về Việt Nam, tôi thường được gặp lại thầy. Khoảng năm 2000 một lần gặp lại thầy ở Huế, tôi nhắc lại bức tranh Người ngồi cũ kỹ của thầy triển lãm tại Trung tâm Phật học Liễu Quán vào năm 1973, khi ấy có ca sĩ Khánh Ly hát cùng mục đích quyên góp tiền xây tượng đài nhà chí sĩ Phan Bội Châu...

Những chi tiết bức tranh mà tôi kể đã khiến thầy rất ngạc nhiên lẫn cảm động về trí nhớ của tôi, dù lúc ấy tôi mới học đệ tứ bằng lớp 9 bây giờ. Thầy tỏ ý tìm lại bức tranh xưa…

Thiếu nữ vai gầy

Thầy Đinh Cường hay vẽ thiếu nữ. Điều mà các họa sĩ từ Đông sang Tây, từ xa xưa những tranh cổ của Trung Quốc đến các họa sĩ thời Âu châu từ những thế kỷ trước và nay vẫn tiếp tục vẽ. Các họa sĩ phái Ấn tượng vẽ nhiều nhất và chuyên chân dung như họa sĩ Amedeo Modigliani (Ý) với cái cổ dài. Việt Nam cũng có nhiều họa sĩ vẽ thiếu nữ thường áo dài hoặc áo tứ thân, bà ba… nhìn chung cách tạo hình cũng khá giống nhau.

Thiếu nữ vai gầy của Đinh Cường ảnh 1

Theo em về Huế (2013) - Tranh Đinh Cường

Nhưng kì lạ chưa! Ngay từ những năm chiến tranh khốc liệt và cả sau này tranh Đinh Cường luôn luôn là hình ảnh thiếu nữ tóc thề, vai gầy, cánh tay dài, ngón để thuôn hoặc cầm nhánh hoa (thường hoa hồng).

Tư thế đứng, thường nhìn nghiêng (profile) hoặc ngồi thư giãn không toàn thân, còn với bán thân chỉ một ít là vẽ quá cổ một chút. Nhiều bức luôn có phần nền sau là hình ảnh nhà thờ. Có vài bức vẽ những năm 1967 về trước có thêm cái khăn trùm đầu nhưng vẫn rõ chân dung, sau này thì người thiếu nữ có vẽ thị thành với cái khăn quàng cổ duyên dáng.

Tôi đã từng giải mã điều này và cố gắng đọc xem những người bạn những nhà phê bình nghệ thuật viết về đề tài và cách vẽ của Đinh Cường. Vẫn có những điều bí ẩn. Khi những người bạn ở Huế gần nghề ông như họa sĩ Bửu Chỉ tưng bừng đấu tranh vẽ tranh chống chiến tranh, còn thầy giáo dạy triết là Hoàng Phủ Ngọc Tường bỏ phố rời mái ấm cha mẹ lên rừng kháng chiến, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì soạn những ca khúc phản chiến…

Riêng Đinh Cường thì lặng lẽ vào với thế giới những thiếu nữ mảnh mai trong nền màu sương khói, một chút lạnh se với cái khăn quàng cổ lật trong gió. Thầy “trốn chạy” ư? Vẫn thấy thấp thoáng vài con chim hoặc bồ câu với ước nguyện hòa bình hay màu tối trầm như bài thánh ca nguyện cầu bình yên cho mọi người trong tranh ông. Tôi không rõ. Nhưng có vẻ tôi tin rằng cái nhà thờ được vẽ làm nền có lẽ là cái nhà thờ con Gà- nhà thờ lớn ở Đà Lạt, đã ám ảnh thầy như một cuộc tình với một người nữ nào đó ở xứ cao nguyên mà mọi ngày đều lạnh nên luôn quàng khăn.

Vâng, cũng chỉ là sự ước đoán trừ phi được chính họa sĩ giãi bày. Và cũng vì thao thức với thiếu nữ trong tranh của ông mà tôi hồi học trung học đã xao xuyến với người nữ sinh đi ngược chiều với cái khăn quàng nâu trong trường nữ Thành Nội, kiểu em tan trường về… ngày xưa Hoàng thị.

Nếu vẽ là nhớ lại hay rõ thêm là yêu lại thì chính những bức tranh thiếu nữ của họa sĩ Đinh Cường là những hoài niệm, những khung trời yêu êm ả không rực rỡ màu sắc mà trầm với màu nâu, thỉnh thoảng với màu xanh coban.

Thiếu nữ vai gầy của Đinh Cường ảnh 2

Họa sĩ Đinh Cường (đứng) và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tại Triển lãm tranh Đinh Cường vẽ Trịnh Công Sơn (năm 2001, nhân 50 ngày mất của Trịnh) ảnh: TL

Một nhận xét mà tôi cho rằng thật thú vị của nhà phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân - người từng ở tại tư gia của thầy Cường trong suốt thời gian giảng dạy tại Huế vào năm 1977-1979: “Những bàn tay, những mặt người, những cuộc sống im lặng (mà người ta gọi là tĩnh vật) của Đinh Cường nói nhiều hơn cái thân thể vật chất hội họa của nó. Nó hướng về một chân trời nào đấy, ở xa, ở xa. Không biết là vui hay buồn chỉ biết nó nằm ngoài sự thật. Mà đúng vậy, nghệ thuật không bao giờ là sự thật. Cái mà người nghệ sĩ bận tâm là cái qua rồi hay chưa đến” (Tạp chí Sông Hương, số chuyên đề về họa sĩ Đinh Cường năm 2014).

Như một nén hương dâng và cầu nguyện cả vinh danh đến linh hồn nhân từ của thầy, tôi cho rằng: “Nếu có cuộc xếp loại về tranh vẽ thiếu nữ của nền hội họa thế giới thì tôi nghĩ rằng cần phải đưa vào bộ sưu tập vẽ về phái đẹp của họa sĩ Đinh Cường”.

Tranh Đinh Cường là thế giới riêng mà người cùng cầm cọ với ông có thể chia sẻ. Hãy nghe ông tâm sự khi dẫn câu nói của họa sĩ Paul Klee “en ce monde bouleversé je ne vis plus que dans le souvernir” (Trong cuộc đời điên đảo này tôi chỉ còn biết sống với kỷ niệm) cho bài viết về kỷ niệm với họa sĩ Bửu Chỉ (trong cuốn Bửu Chỉ với tiếng vọng cuộc đời, NXB Hội Nhà văn, 2012).

Vẽ không phải giới hạn từ cái nhìn thấy mà cả những cái cảm thấy, nên hội họa là sự vô hạn. Có người nói về sự bị ảnh hưởng của ông từ hội họa Âu châu như Modigliani (Ý), một chút màu xanh của Marx Chagall (Nga), hay Paul Klee (Pháp), nhưng tôi chỉ lại thấy thoáng qua trong tranh ông một chút của họa sĩ Matisse (Pháp) như bức Người ngồi cũ kỹ mà ông nhờ tìm - là màu xanh coban lóe lên của Paul Gaugin (Pháp). Không có gì rõ ràng nhưng có gì rất giống nhau khi tâm hồn nặng với sự hoài niệm như làng quê Vitebsk (Belarus) là cố hương của Chagall nên có những người hát rong chơi vĩ cầm như thăng hoa giữa trời mà ông vẫn hằng nhớ. Đâu đó vẫn gặp gỡ nhau.

Có ảnh hưởng là chỉ vài bức mà thôi nhưng chung nhất vẫn là tranh của ông, của thầy Đinh Cường, một tác giả nhiều tác phẩm về đề tài thiếu nữ mà nhiều họa sĩ từ thế hệ 5X của tôi về sau này đến cả hôm nay vẫn bắt chước vẽ: với cái khăn quàng cổ, vai gầy, tay dài buông xuôi, ngón thuôn. Và có cả có cái nhà thờ ở nền sau làm ta nhớ ca từ “Tìm em tôi tìm mình hạc xương mai…” trong bài Đóa hoa vô thường của Trịnh Công Sơn…

Thiếu nữ vai gầy của Đinh Cường ảnh 3

Lá đỏ - Tranh Đinh Cường

Thiếu nữ vai gầy của Đinh Cường ảnh 4

Thiếu nữ trên đồi Domaine de Marie Đà Lạt - Tranh Đinh Cường