Thi THPT Quốc gia 2020: Có gì thay đổi?

Trong phòng thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2019. Ảnh: Hồng Vĩnh
Trong phòng thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2019. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Chiều 17/3, Bộ GD&ĐT thông tin Kỳ thi THPT quốc gia 2020 sẽ  vẫn được tổ chức.

giBộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu giảm tải chương trình để vừa đảm bảo mục tiêu giáo dục vừa phù hợp với điều kiện dạy học của các nhà trường trong điều kiện ảnh hưởng của dịch Covid-19; xây dựng và sớm công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 phù hợp giảm tải chương trình do dịch Covid-19, làm định hướng cho các nhà trường tổ chức dạy học, ôn tập.

Trước đó, khi học sinh nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh chương trình khung năm học lần thứ nhất, trong đó kỳ thi THPT quốc gia được dự tính tổ chức từ ngày 23-26/7. So với năm ngoái, lịch thi này lùi 1 tháng. Tuy nhiên, khi đa số các tỉnh, thành phố trên toàn quốc cho học sinh nghỉ học 2 tháng, ngày 13/3, Bộ GD&ĐT tiếp tục điều chỉnh khung chương trình năm học, lùi kỳ thi THPT năm nay đến ngày 8 - 11/8.

Cùng với điều chỉnh lịch thi, thời gian kết thúc năm học, Bộ cũng đã yêu cầu các Sở GD&ĐT tăng cường dạy học qua internet, truyền hình. Tuy nhiên, sau đó, nhiều giáo viên, nhà quản lý giáo dục cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế, không đạt hiệu quả, Bộ GD&ĐT nên có hướng dẫn giảm tải và ra đề minh họa để họ có cơ sở ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia 2020. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, năm nay nên bỏ kỳ thi “2 trong 1” để xét tuyển. 

Trước đó, theo kế hoạch, năm nay Bộ GD&ĐT không công bố đề minh họa mà học sinh căn cứ đề thi, đề minh họa năm trước để ôn tập.

Nhiều phương thức tuyển sinh

PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng trường  ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết, hiện các trường ĐH có nhiều phương thức tuyển sinh. Mục tiêu của trường ĐH Bách khoa Hà Nội là phải tuyển được thí sinh có đủ năng lực để vào học nếu không có kỳ thi THPT quốc gia, bằng cách này hay cách khác, nhà trường phải có bộ lọc riêng. Vì nếu không đủ năng lực, vào học rồi sẽ mất thời gian cho các em, mất kinh phí của gia đình. Các trường ĐH cũng phải tính toán đến phương án kỳ thi THPT quốc gia tiếp tục lùi sâu hơn nữa. Trong trường hợp bất khả kháng, buộc phải tin chất lượng giáo dục phổ thông, sau đó có thêm thước đo phụ. Nhưng nếu xét học bạ sẽ không công bằng với nhiều thí sinh. 

Ông Tớp cho rằng, nếu bỏ kỳ thi THPT quốc gia trong bối cảnh hiện nay sẽ dẫn đến nhiều vấn đề. Do đó, việc lùi kỳ thi  đến mùa xuân năm sau cũng không ảnh hưởng đến các trường ĐH. Tuy nhiên, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người học. Đứng ở góc độ người làm tuyển sinh, ông cho rằng, Bộ GD&ĐT nên để các địa phương xét tốt nghiệp. Như vậy, khi tham gia kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh chỉ thi những môn cần xét tuyển sinh. Theo tính toán, mỗi năm có khoảng 900.000 thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia, tỷ lệ đỗ lên đến trên 90%. Nhưng chỉ có khoảng 450.000 đến 600.000 thí sinh tham gia xét tuyển sinh ĐH bằng kết quả thi THPT quốc gia. Như vậy, nếu xét tốt nghiệp, thì kỳ thi THPT quốc gia sẽ giảm được một tỷ lệ nhất định thí sinh dự thi, kỳ thi sẽ gọn nhẹ hơn nhiều.

GS. Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết, tuyển sinh của trường theo chính sách chung của ĐH Quốc gia Hà Nội. Hiện nay có nhiều phương thức tuyển sinh, trong đó, kết quả thi THPT quốc gia là nguồn tuyển chính. Nếu không tổ chức thi THPT quốc gia năm nay thì ĐH Quốc gia Hà Nội phải bàn điều chỉnh cho phù hợp.

Trả lời PV Tiền Phong, PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), cho hay, Bộ có thông tư quy định môn thi và bài thi. Để đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh, phải tôn trọng thông tư này. Bộ sẽ có phương án nghiên cứu điều chỉnh nội dung thi phù hợp với tình hình thực tiễn. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, an toàn sức khỏe người dân phải đặt lên trên hết. Hiện Bộ GD&ĐT đã có điều chỉnh khung thời gian năm học lần 2.

“Với khoảng thời gian lùi này, chúng tôi hy vọng hết tháng 3, hoặc 1 tuần đầu tháng 4 khống chế được dịch bệnh, học sinh có thể trở lại trường”, ông Thành nói. Ông khẳng định, kỳ thi THPT quốc gia phải thực hiện theo đúng luật. Đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT hy vọng vẫn tổ chức được một kỳ thi THPT quốc gia đảm bảo yêu cầu.

Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục chủ động bám sát diễn biến của dịch Covid-19 để có các giải pháp phù hợp trong dạy học và thi theo tình hình thực tế diễn biến của dịch bệnh và theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.

MỚI - NÓNG