Pháp luật nước ta, cũng như nhiều nước trên thế giới đã có quy định quan chức sau khi nghỉ hưu thì không phải lúc nào cũng được tham gia kinh doanh trong lĩnh vực mà mình từng giữ chức quyền.
Cho dù vị cựu quan chức kia có tham gia một chân trong ngân hàng X, nghe ra có vẻ không liên quan hoạt động của bộ ông công tác trước đây, cho dù ai cũng biết ông là một chuyên gia kinh tế hàng đầu, thì với những mối quan hệ cũ, sự quen biết giới quan chức đương quyền của ông, người ta vẫn có những liên tưởng. Có thể gọi vị trí của ông, như trong bóng đá, là việt vị.
Một chuyên gia pháp lý nguyên là lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương nói với Tiền Phong rằng: Quan chức sau khi nghỉ hưu chỉ nên tham gia vào các hoạt động, tổ chức xã hội.
“Làm ăn ở Việt Nam phụ thuộc nhiều vào quan hệ và dù là quan chức đã nghỉ hưu vẫn có tác dụng”, vị chuyên gia pháp lý này nói.
Chuyên gia này còn cho rằng, quan chức hưu trí chỉ nên tham gia các hoạt động xã hội, phi chính phủ, còn liên quan đến kinh doanh thì phải có điều kiện ràng buộc.
Chúng ta đã có quy định về thời hạn không được kinh doanh trong lĩnh vực có trách nhiệm quản lý đối với người là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thôi chức vụ, gồm 4 nhóm.
Trong đó, nhóm 1 gồm các lĩnh vực thuộc các bộ, ngành: Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước . Với những người thuộc nhóm 1 nêu trên, thời hạn không được kinh doanh từ 12 đến 24 tháng sau khi thôi giữ chức vụ.
Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, có thể nói các quy định trên chưa đầy đủ và chưa chặt chẽ. Ngoài câu chuyện về vị cựu bộ trưởng nói trên, công chúng đều biết một vị đương kim thứ trưởng của Bộ Xây dựng nhưng lại kiêm vai trò chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tập hợp giới kinh doanh nhà, đất của cả nước.
Cho dù người ta có thể đưa ra lý do sự có mặt của ông thứ trưởng là để hướng hiệp hội nghề nghiệp kia đi vào con đường phát triển lành mạnh, phục vụ xã hội.
Nhưng đối với công chúng, ông đang rơi vào thế việt vị, bởi với vị thế và vai trò của ông, người dân không thể không đặt câu hỏi về sự minh bạch trong các loại chính sách liên quan, hoặc về những vận động hành lang phục vụ “lợi ích nhóm” nào đó.