THẾ GIỚI 24H: Nga sẵn sàng nối lại đối thoại và hợp tác với Mỹ

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov. Nguồn: RIA Novosti.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov. Nguồn: RIA Novosti.
TPO - Ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của tổng thống Nga, ngày 21/4 tuyên bố nước này sẵn sàng nối lại đối thoại và hợp tác với Mỹ nếu có một sáng kiến như vậy xuất phát từ phía Washington. 

Ông Peskov nhấn mạnh: “Tất nhiên, chúng tôi sẽ sẵn sàng hoan nghênh sáng kiến quay lại lộ trình đối thoại và hợp tác hợp lý giữa Nga-Mỹ.  "Tuy nhiên, do chúng tôi chưa từng khởi xướng bất kỳ điều gì đi ngược lại quan điểm này, nên chúng tôi sẵn sàng hoan nghênh những hành động từ các đối tác của chúng tôi,” ông nhấn mạnh.  Quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng từ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình.


Nhóm Hồi giáo Al-Shabaab của Somalia, ngày 21/4, đã thừa nhận tiến hành vụ đánh bom xe nhằm vào một nhà hàng ở thủ đô Mogadishu của nước này vào trưa cùng ngày, làm ít nhất 10 người thiệt mạng. Phát ngôn viên của nhóm phiến quân trên Abdiasis Abu Musab tuyên bố: "Chúng tôi đứng sau vụ tấn công đó". Musab cho biết thêm vụ tấn công này nhằm vào giới chức của các bộ trong chính phủ và văn phòng tổng thống, những người có mặt tại nhà hàng này lúc xảy ra vụ tấn công.


Liên quân các nước Arập do Saudi Arabia đứng đầu, ngày 21/4, đã tuyên bố kết thúc chiến dịch quân sự kéo dài bốn tuần chủ yếu là các cuộc oanh kích nhằm vào lực lượng phiến quân Houthi theo dòng Hồi giáo Shi'ite ở Yemen, đồng thời khẳng định rằng mối đe dọa từ lực lượng này đối với Saudi Arabia và các nước láng giềng đã được loại bỏ. Phát biểu trong cuộc họp báo ngắn tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, Phát ngôn viên chiến dịch không kích của liên quân, Chuẩn tướng Ahmed al-Assiri cho biết liên quân đã “kết thúc Chiến dịch Cơn bão." Quyết định này căn cứ theo đề nghị của Chính phủ Yemen và Tổng thống Abedrabbo Mansour Hadi. Tuy nhiên, Tướng Ahmed al-Assiri cho biết liên quân sẽ tiếp tục áp đặt một lệnh phong tỏa hải quân đối với Yemen và nhằm mục đích ngăn chặn bất kỳ động thái nào của phiến quân Houthi.

Thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi bị thương nặng trong đợt không kích do liên minh quốc tế thực hiện hồi tháng 3, Guardian dẫn một nguồn tin có liên hệ với nhóm khủng bố cho biết. Al-Baghdadi lúc đầu bị thương rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng, nhưng đã dần bình phục. Al-Baghdadi vẫn chưa thể chỉ huy IS hàng ngày. Việc al-Baghdadi bị thương và có thể chết khiến các thủ lĩnh IS cấp cao phải tổ chức họp khẩn cấp để tìm ra lãnh đạo mới.


Giám đốc Cơ quan tình báo an ninh Canada (CSIS) Michel Coulombe ngày 20/4 cho biết, trong vài tháng qua số người Canada rời bỏ quê hương gia nhập tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Iraq và Syria đã tăng 50%. Ông Coulombe cho biết trong 3 hoặc 4 tháng qua tổng số người Canada sang Iraq và Syria để tham gia cuộc chiến đã tăng từ 50 lên 75 người. Tháng 10/2014, khoảng 145 người Canada đã ra nước ngoài tham gia các hoạt động liên quan đến khủng bố trong khoảng thời gian không xác định. Phát biểu trước 1 ủy ban Thượng viện, ông Coulombe cho biết chưa bao giờ mối đe dọa khủng bố đối với các lợi ích an ninh quốc gia Canada lại trực tiếp và ngay sát sườn như hiện nay. 


Cựu Tổng thống Ai Cập, Mohamed Morsi vừa bị tòa án tại thủ đô Cairo ngày 21/4 tuyên án 20 năm tù vì liên quan đến cái chết của hàng trăm người biểu tình hồi năm 2012, theo Reuters. Ngoài ra, ông Mohamed Morsi còn phải đối mặt với 2 cáo buộc khác về tội vượt ngục trong cuộc nổi dậy hồi năm 2011 và tham gia vào các hoạt động gián điệp. 12 thành viên khác của tổ chức Anh em Hồi giáo nằm dưới quyền lãnh đạo của ông Morsi cũng phải đối mặt với các cáo buộc về sử dụng bạo lực, bắt cóc, tra tấn dẫn đến cái chết của hàng trăm người biểu tình vào năm 2012, theo báo The Times of India (Ấn Độ). Hiện tại, ông Morsi và các bị cáo khác đang bị giam giữ trong một nhà tù cực kỳ an ninh tại thành phố cảng Alexandria. 


Tại phiên họp toàn thể ngày 21/4, Hạ viện Nhật Bản đã chấp thuận đơn từ chức của Chủ tịch Nobutaka Machimura và chọn người kế nhiệm là Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện Tadamori Oshima. Ông Oshima, 68 tuổi, đảm nhiệm chức vụ mới gồm cả việc giám sát một ủy ban các chuyên gia chịu trách nhiệm biên soạn dự luật cải cách chế độ bầu cử, hiện vẫn đang tranh luận về cách khắc phục tình trạng mất cân bằng trong sức nặng của lá phiếu tại các đơn vị bầu cử khác nhau. Cựu Chánh Văn phòng Nội các Takeo Kawamura của đảng Dân chủ Tự do (LDP) sẽ thay thế ông Oshima làm Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện.
Phát biểu tại Đuma quốc gia (tức Hạ viện Nga) ngày 21/4, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho rằng, tình hình kinh tế đã ổn định dù tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm 2% trong quý 1/2015 và các xu hướng tiêu cực vẫn còn tiếp diễn. Hiện nợ quốc gia của Nga không còn ở mức cao và thâm hụt ngân sách liên bang dù có tăng, song vẫn ở mức an toàn. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở trong giới hạn chấp nhận được. Tuy nhiên, Thủ tướng Nga cũng cảnh báo không nên ảo tưởng bởi hiện nay Nga đang phải đối mặt với không chỉ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng trong ngắn hạn, mà cả những áp lực từ bên ngoài, cụ thể giá dầu mỏ có thể vẫn duy trì ở mức thấp trong thời gian dài.

Ủy ban châu Âu (EC), ngày 21/4, đã thông báo giải ngân khoản vay cứu trợ trị giá 250 triệu euro (tương đương 267 triệu USD) cho Ukraine. Thông báo của EC nêu rõ đây là phần trong chương trình hỗ trợ tài chính vĩ mô nhằm giúp Ukraine giải quyết được nhu cầu cấp bách về tài chính, giúp nền kinh tế sớm ổn định và thúc đẩy nghị sự cải cách, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính, thuế quan, thương mại, năng lượng cũng như chống tham nhũng. Châu Âu tái khẳng định lập trường ủng hộ Kiev trong những thời điểm khó khăn cả về chính trị lẫn tài chính này.
MỚI - NÓNG