THẾ GIỚI 24H: Mỹ trừng phạt Công ty hàng không Thái Lan

Một máy bay của hãng hàng không Mahan của Iran. (Nguồn: AFP)
Một máy bay của hãng hàng không Mahan của Iran. (Nguồn: AFP)
TPO - Ngày 14/9, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với một công ty hàng không Thái Lan mà Washington cáo buộc đang hoạt động trên danh nghĩa hãng hàng không Mahan của Iran. 

Hãng hàng không Mahan đang phải chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ vì những cáo buộc liên quan tới việc chuyên chở binh lính và vũ khí hỗ trợ cho Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc My Aviation đã cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa cũng như dịch vụ đặt chỗ khách hàng cho hàng không Mahan Air. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin khẳng định My Aviation đã bỏ qua rất nhiều cảnh bảo từ Chính phủ Mỹ cũng như Chính phủ Thái Lan về việc cắt đứt các mối liên hệ với hàng không Mahan.


Mỹ đang lên kế hoạch một gói trừng phạt “nghiêm ngặt hơn” chống Nga vì Mátxcơva chưa chấp nhận đề nghị thanh sát các cơ sở có liên quan đến chất độc thần kinh Novichok và cung cấp các đảm bảo “đáng tin cậy” rằng chất độc này không bao giờ được tái sử dụng nữa. Theo quan chức ngoại giao Mỹ, các biện pháp trừng phạt mới sẽ bao gồm trừng phạt ngân hàng, mở rộng danh mục thiết bị quốc phòng bị cấm mua bán và cấm mọi viện trợ nước ngoài. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga trong trường hợp này là “lộ trình không lối thoát”.


Một chỉ huy của phe nổi dậy ngày 14/9 cho biết các tay súng đang diễn tập quân sự cùng lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại miền nam Syria. Đây được cho là thông điệp gửi đến Nga, Iran và chính phủ Syria. Chỉ huy Muhanad al Talaa của nhóm nổi dậy Maghawir al Thawra được Lầu Năm Góc hậu thuẫn cho biết cuộc tập trận kéo 8 ngày, kết thúc vào cuối tuần này tại căn cứ Tanf. Đây là căn cứ của liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu nhằm chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nằm gần biên giới Syria với Jordan và Iraq.


Mỹ khó có thể cắt giảm toàn bộ lượng dầu mỏ xuất khẩu của Iran do thị trường dầu mỏ đã được kiểm soát chặt chẽ và các đối thủ sản xuất dầu khác không thể bù đắp được lượng dầu thiếu hụt. Đại diện của Iran tại Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Hossein Kazempour Ardebili cho rằng "sự thiếu hụt nguồn cung" đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không thể đạt được mục tiêu cắt giảm lượng dầu xuất khẩu của Iran xuống mức 0.


Ngày 14/9, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga chỉ được đưa ra thảo luận cho đến khi có một "thỏa thuận ngừng bắn thực sự" được thực hiện tại Ukraine. EU vẫn sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Theo Thủ tướng Merkel, Nga cần phải đẩy nhanh tiến trình thực hiện cam kết của mình theo thỏa thuận hòa bình được ký tại Minsk (Belarus) nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine trước khi EU xem xét dỡ bỏ các lệnh trừng phạt này.


Một nhà tù tại thành phố Indore (Ấn Độ) đang thí điểm hình thức điều hành các phòng giam riêng rẽ nơi phạm nhân có thể sống cùng gia đình hoặc thậm chí ra ngoài làm việc dưới sự giám sát chặt chẽ. Hiện tại có 10 tù nhân đang thụ án và sinh sống với gia đình của họ tại nhà tù mang tên Khu Devi Ahilyabai Mở ở Indore, bang Madhya Pradesh. Khu Devi Ahilyabai Mở là mô hình với mục đích mang đến môi trường tích cực để phạm nhân có thể thay đổi lối sống.


Ngày 14/9, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết ông đã có cuộc thảo luận về tình hình tại tỉnh Idlib của Syria với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov đang ở thăm Berlin. Hai ngoại trưởng Đức và Nga cùng cho rằng hàng triệu người có thể phải đối mặt với những thảm họa khó lường trong trường hợp Chính phủ Syria triển khai chiến dịch tấn công quân sự tổng lực tại tỉnh Idlib nhằm giành quyền kiểm soát từ các phần tử nổi dậy và khủng bố.


Ngày 14/9, ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhấn mạnh rằng cần phải có một giải pháp chính trị chứ không phải là một giải pháp quân sự cho tình hình tại tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria. Người phát ngôn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin cho biết đại diện các bên đều hy vọng tiếp tục duy trì tình hình hiện nay tại tỉnh Idlib nhằm bảo vệ dân thường cũng như có các biện pháp ngăn không để xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở khu vực này. Ông Ibrahim Kalin nhấn mạnh quan điểm chung của Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Đức và Nga đều khẳng định sự cần thiết của một giải pháp chính trị hơn là một giải pháp quân sự.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG