THẾ GIỚI 24H: Mỹ phá hủy thiết bị, đóng Đại sứ quán tại thủ đô của Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 14/2 (theo giờ Đông Âu), Mỹ thông báo đã tạm thời đóng cửa Đại sứ quán nước này ở thủ đô Kiev của Ukraine.

Theo Ngoại trưởng Blinken, nguyên nhân Mỹ tạm thời đóng cửa Đại sứ quán nước này ở thủ đô Kiev là vì Washington lo ngại “việc Nga gia tăng mạnh các lực lượng” ở biên giới Ukraine. Tờ Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Mỹ ẩn danh am hiểu vụ việc cho hay Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ đạo phá hủy các thiết bị mạng và máy vi tính, đồng thời dỡ bỏ hệ thống điện thoại tại Đại sứ quán ở Kiev.


Quan chức Anh cho rằng Nga đang tiếp tục chuyển thêm hàng nghìn quân tới khu vực biên giới với Ukraine, giữa lúc phương Tây khẳng định Moscow có thể tấn công Kiev bất cứ lúc nào. Các quan chức Anh ước tính có thêm 14 tiểu đoàn của Nga đang hướng tới biên giới với Ukraine. Mỗi tiểu đoàn khoảng 800 quân, và trên 100 tiểu đoàn tập trung ở khu vực biên giới. Giới phương Tây cho rằng lực lượng này là đủ để Moscow tiến hành đổ bộ vào Kiev, Guardian đưa tin.


Tổng thống Ukraine kêu gọi các nghị sĩ quay lại đất nước trong vòng 24 giờ. Ngày 14/02, trong một cuộc họp báo, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các nghị sĩ Quốc hội đã rời khỏi đất nước, quay trở lại trong vòng 24 giờ. Ông cho rằng, họ nên quay trở lại, nếu không, mọi việc cần được thực hiện với tư cách nhà nước, giới lãnh đạo phải đưa ra các kết luận nghiêm túc.


Ukraine cân nhắc bỏ gia nhập NATO để tránh chiến tranh. Đại sứ Ukraine tại Anh cho biết nước này có thể sẽ từ bỏ ý định gia nhập khối quân sự NATO để tránh chiến tranh với Nga. Trao đổi với đài BBC, Đại sứ Vadym Prystaiko cho biết Kiev đang tìm kiếm "cách tốt nhất" để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại. Khi được hỏi về khả năng từ bỏ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), để "ngăn chặn một cuộc chiến", nhà ngoại giao này trả lời: "Chúng tôi có thể, đặc biệt là khi bị đe dọa như vậy, bị thúc ép, bị đẩy vào tình thế đó".


Đâm dao ở Pháp, cảnh sát nổ súng tiêu diệt kẻ tấn công. “Cảnh sát đã nổ súng bắn hạ một người đàn ông ở nhà ga Gare du Nord tại thủ đô Paris vào sáng 14/2 (giờ địa phương), sau khi đối tượng này tấn công họ với một con dao, khiến 2 nhân viên cảnh sát cần được chăm sóc y tế”, Bộ trưởng Giao thông Pháp Jean-Baptiste Djebbari nói với hãng tin RT. Theo cảnh sát Pháp, vụ tấn công bằng dao trên không liên quan tới hành vi khủng bố.


Nga cảnh báo sẽ nổ súng nếu bị xâm phạm lãnh hải. Quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này sẽ nổ súng nếu tàu thuyền hay tàu ngầm nước ngoài xâm phạm trái phép lãnh hải của Nga. Cục phó Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, Tướng Stanislav Gadzhimagomedov, nói rằng Moscow sẵn sàng nổ súng nếu tàu thuyền và tàu ngầm nước ngoài tiến vào vùng lãnh hải của Nga trái phép, hãng thông tấn Interfax đưa tin ngày 14/2. Tuy nhiên, quyết định như vậy chỉ có thể được thực hiện ở "cấp độ cao nhất", theo Reuters.


Chính phủ Ấn Độ đang có kế hoạch cấm thêm 54 ứng dụng di động của Trung Quốc với lý do những ứng dụng này có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia. Trong 54 ứng dụng này có một số được sử dụng phổ biến trên nền tảng di động như Beauty Camera, Viva Video Editor hay Onmyoji Chess... Cuối tháng 6/2020, Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng di động có liên quan tới Trung Quốc, bao gồm cả các nền tảng mạng xã hội thông dụng như TikTok, WeChat và Helo.


Động đất gần bãi thử hạt nhân của Triều Tiên. Hôm 14/2, một trận động đất 2,3 độ đã xảy ra gần bãi thử hạt nhân của Triều Tiên. Đây là trận động đất thứ hai xảy ra tại khu vực này trong chưa đầy một tuần. Hãng Yonhap dẫn tin từ Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA) cho biết, động đất xảy ra lúc 2h33 chiều ở một điểm cách Kilju 36km về phía bắc-tây bắc, thuộc tỉnh Bắc Hamgyong. Đây là trận động đất thứ hai tại khu vực, tiếp sau trận động đất tự nhiên 3,1 độ xảy ra cuối tuần trước.


Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 15/2 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 413.665.118 ca, trong đó có 5.842.452 người tử vong. Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều. Dù vậy, sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch.

MỚI - NÓNG