Vị thế của ông Biden bị đe doạ nếu Nga tấn công Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin hạ lệnh tiến quân vào quốc gia láng giềng Ukraine, nước cờ đó sẽ gây ra một làn sóng chấn động khắp thế giới và một cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia nguy hiểm nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, giới quan sát nhận định.
Vị thế của ông Biden bị đe doạ nếu Nga tấn công Ukraine ảnh 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin

Diễn biến đó cũng sẽ gây tổn thất đáng kể cho uy tín của Tổng thống Mỹ Joe Biden và gây hậu quả nghiêm trọng đối với đảng của ông khi người Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao vốn đang gây khó khăn cho cuộc sống và làm giảm kỳ vọng cuả người dân vào nền kinh tế.

Ngày 13/2, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tiếp tục cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công, làm tăng cảm giác rằng giai đoạn căng thẳng quân sự xung quanh Ukraine đang tiến đến khoảnh khắc quyết định.

“Cách họ tập hợp lực lượng, cách họ điều chuyển mọi thứ cho thấy một khả năng rõ ràng là sẽ có một hành động quân sự lớn rất sớm thôi”, ông Sullivan nói với CNN.

Đề cập đến một kịch bản xung đột quy mô lớn của châu Âu, ông Sullivan cảnh báo Nga sẽ bắt đầu bằng những đợt dội bom và tên lửa, gây thương vong đáng kể cho thường dân.

“Nếu Nga làm như vậy, chúng ta sẽ bảo vệ lãnh thổ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chúng ta sẽ khiến Nga phải chịu tổn thất, và chúng ta sẽ bảo đảm rằng chúng ta có thể vượt lên khỏi điều đó vì phương Tây mạnh hơn, quyết tâm hơn và có mục đích rõ ràng hơn sau 30 năm qua, và Nga cuối cùng sẽ hứng chịu tổn thất chiến lược to lớn vì hành động quân sự của họ”, ông Sullivan nói.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby tạo thêm cảm giác đây sẽ là tuần định mệnh khi nói trong chương trình của đài Fox rằng Mỹ có các nguồn tin tình báo tốt cho thấy “cơ hội thăng hoa cho ông Putin”.

Cơ hội cho ông Trump

Mỹ sẽ không cử quân đến Ukraine để bảo vệ nước này. Quốc gia vốn thuộc Liên Xô cũ chưa phải thành viên của NATO. Vì thế, xung đột trực tiếp giữa binh lính Nga và Mỹ là điều khó xảy ra. Tuy nhiên, ông Biden đã chỉ đạo điều hàng ngàn binh lính đến các quốc gia tiền tuyến của NATO như Romania và Ba Lan để đề phòng.

Mỹ lo rằng việc Nga quyết định hành động quân sự với Ukraine sẽ thôi thúc Trung Quốc tấn công đảo Đài Loan – cuộc xung đột sẽ dễ kéo Mỹ vào một cuộc chiến lớn hơn so với Ukraine.

Tuy nhiên, chiến tranh nổ ra ở Ukraine sẽ gây tác động đáng kể đối với Mỹ về kinh tế, từ đó làm tổn hại đến cơ hội của ông Biden và đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay.

Trong cuộc trao đổi ngày 13/2, ông Biden hứa với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng Mỹ sẽ áp các biện pháp trừng phạt Nga “nhanh chóng và mang tính quyết định”. Điều này sẽ làm thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ và tạo thêm một cuộc khủng hoảng nữa vào danh sách những việc khó mà ông Biden phải xử lý.

Lần đầu tiên trong 30 năm, Mỹ và Nga – hai quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới – sẽ rơi vào thế bế tắc trực diện. Việc Nga đáp trả Mỹ sẽ làm chệch những mục tiêu và nỗ lực ngoại giao của Mỹ ở những nơi khác, trong nhiều vấn đề quan trọng như hạt nhân của Iran và Triều Tiên.

Chiến tranh giữa Nga và Ukraine cũng có sẽ khiến giá dầu tăng vọt và gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dân Mỹ. Giá khí đốt và xăng dầu tăng đã góp phần khiến tỷ lệ ủng hộ ông Biden giảm mạnh. Tổng thống Mỹ sẽ khó có thể đương đầu với một khủng hoảng giá nhiên liệu nghiêm trọng hơn sau khi số liệu mới nhất cho thấy lạm phát tiếp tục tăng thêm 7,5%, lên mức cao nhất kể từ năm 1982.

Khủng hoảng cũng sẽ gây chao đảo cho các thị trường chứng khoán vì tác động đến kỳ vọng của giới đầu tư về an ninh kinh tế, khiến đảng Dân chủ càng lo nguy cơ để mất Hạ viện và Thượng viện vào tay đảng Cộng hoà.

Người của đảng Cộng hoà đang khắc hoạ ông Biden là một nhà lãnh đạo yếu ớt, gây ấn tượng rằng những nỗ lực dồn dập của Mỹ nhằm thuyết phục nhà lãnh đạo Nga không có tác dụng nào. Cựu tổng thống Donald Trump vừa nói trong cuộc trả lời phỏng vấn Fox News rằng ông Putin được khuyến khích thách thức Mỹ vì chiến dịch sơ tán hỗn loạn khỏi Afghanistan mà nhóm của ông Biden đã thực hiện.

Nếu ông Trump làm tổng thống một lần nữa, điều đó sẽ đặt ra những câu hỏi thực sự về tương lai của NATO. Theo bài viết của New York Times, năm 2019, ông Trump đã nói riêng về việc rút khỏi tổ chức mà ông thường xuyên chỉ trích. Điều này nếu xảy ra sẽ là một chiến thắng lớn đối với Nga. Bất kỳ diễn biến nào ở Ukraine bất lợi cho ông Biden cũng sẽ có ích cho ông Trump.

Những gì ông Trump vừa nói cho thấy cách phe Cộng hoà sẽ công kích ông Biden nếu Nga tiến quân vào Ukraine. Đảng Cộng hoà đã dành nhiều tháng qua để xây dựng thông điệp bầu cử giữa kỳ, tập trung vào ý tưởng cho rằng ông Biden yếu và bất lực, khiến thế giới không còn tôn trọng Mỹ sau khi ông Trump hết nhiệm kỳ.

Trong cuộc điện đàm cuối tuần qua, ông Biden đã trực tiếp cảnh báo ông Putin về cách Mỹ sẽ gây tổn thất cho kinh tế Nga nếu Mátxcơva tấn công Ukraine. Việc trao đổi thường xuyên với nhà lãnh đạo Nga có thể khiến ông Biden bị chỉ trích là nhân nhượng nếu ông Putin phớt lờ cảnh báo của Mỹ và tiến vào Ukraine.

Phe Cộng hoà cũng sẽ cho rằng giá xăng dầu và hàng hoá cơ bản tăng cao là do ông Biden quản lý kinh tế yếu kém, dù chỉ số việc làm tại Mỹ tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Theo kết quả khảo sát dư luận mà CNN/SSRS thực hiện và công bố tuần trước, nếu Nga tấn công Ukraine sẽ làm sâu sắc hơn cảm giác khủng hoảng vốn đang khiến Nhà Trắng lo lắng. Lịch sử cho thấy các tổng thống Mỹ thường gặp rắc rối trong cuộc bầu cử giữa kỳ ngay trong nhiệm kỳ đầu của họ.

Theo khảo sát mà CNN thực hiện trong tháng 1 và 2 vừa qua, chỉ có 45% cử tri có truyền thống và xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ muốn đảng này đề cử ông Biden tái tranh cử vào năm 2024, trong khi 51% muốn một ứng viên khác. Trong khi đó, 50% cử tri ủng hộ đảng Cộng hoà và có xu hướng ủng hộ đảng này muốn ông Trump là ứng viên của đảng trong cuộc bầu cử tiếp theo, còn 49% muốn ứng viên khác.

Theo CNN
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.