THẾ GIỚI 24H: Mỹ cùng 31 quốc gia tập trận cực lớn trên Biển Đen thách thức Nga

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Ngày 28/6, Mỹ cùng 31 quốc gia đã bắt đầu tiến hành cuộc tập trận quân sự quốc tế thường niên mang tên Sea Breeze 2020, bất chấp phản đối gay gắt từ Nga.

Năm nay, hơn 5.000 quân, 32 tàu, 40 máy bay cùng 18 đội lặn và hoạt động đặc biệt tham gia vào cuộc tập trận kéo dài đến 10/7. Tàu khu trục tên lửa USS Ross của Hải quân Mỹ cũng đã tiến vào cảng Odessa để tham gia cuộc tập trận. Đây là cuộc tập trận lớn nhất như vậy trong nhiều thập kỷ. Theo phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga, Nga sẽ theo dõi các cuộc tập trận rất chặt chẽ và phản ứng nếu cần thiết.

Bộ trưởng Quốc phòng và 6 chỉ huy quân sự cấp cao của quân đội Anh đã buộc phải tự cách ly sau khi Tổng tham mưu trưởng Sir Nick Carter bị nhiễm Covid-19. Thông tin này được Bộ Quốc phòng Anh xác nhận với báo Guardian hôm 27/6. Theo đó, Tướng Carter dương tính với virus corona sau khi tham dự một cuộc họp tại Học viện Quốc phòng Anh ở Shrivenham, Oxfordshire ngày 24/6 và một lễ hội ở Thung lũng Chalke, thuộc vùng Wiltshire (Anh) vào ngày 25/6.

Theo Tân Hoa xã, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28/6 đã chính thức tuyên bố gia hạn Hiệp ước láng giềng hữu nghị và hợp tác thân thiện giữa Trung Quốc và Liên bang Nga. Hai nhà lãnh đạo thông báo như trên trong tuyên bố chung sau cuộc họp trực tuyến ngày 28/6. Cuộc họp này diễn ra 3 ngày trước lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày ký Hiệp ước láng giềng hữu nghị và hợp tác thân thiện giữa Trung Quốc và Liên bang Nga. Đây cũng là cuộc thảo luận thứ hai giữa lãnh đạo cấp cao hai nước trong 6 tuần qua.

Nga mới đây đã thực hiện thành công vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất, tiếp tục chiến lược hiện đại hóa vũ khí của nước này. Thông tin được Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga công bố ngày 28/6.

Ấn Độ được cho là đã triển khai ít nhất 50.000 binh sĩ tới vùng biên giới với Trung Quốc trên dãy Himalaya, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước ở khu vực này vẫn tiếp diễn. Nguyên nhân của động thái trên được cho là vì Ấn Độ gần đây đã phát hiện Trung Quốc điều động thêm nhiều binh sĩ, khí tài hiện đại, đồng thời mở rộng quy mô các căn cứ quân sự dọc theo biên giới với Ấn Độ ở khu vực Tây Tạng. Với đợt điều động mới này, Ấn Độ đã nâng tổng số binh sĩ đóng tại biên giới lên đến hơn 200.000 quân, tăng 40% so với năm ngoái.

Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven hôm nay (28/6) đã tuyên bố từ chức, trao lại quyền thành lập Chính phủ mới cho Chủ tịch Quốc hội nước này. Ông Stefan Lofven đang phải đối mặt với thời hạn chót phải từ chức hoặc phải kêu gọi tổ chức bầu cử sớm vì để thua trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội nước này hồi tuần trước sau khi đảng Cánh tả rút lại sự ủng hộ.

Ngày 28/6 (theo giờ địa phương), những quả rocket đã rơi xuống một căn cứ quân sự của Mỹ ở miền Đông Syria, một ngày sau khi Mỹ tiến hành các cuộc không kích nhằm vào lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn ở khu vực biên giới giữa Syria và Iraq. Một quan chức quốc phòng Mỹ nắm rõ về các báo cáo ban đầu nói rằng, "nhiều khả năng" rocket do lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn hoạt động ở khu vực gần đó bắn, nhưng nguồn gốc của rocket vẫn chưa được xác định.

Indonesia và Mỹ đã nhất trí xây dựng trung tâm huấn luyện hàng hải trị giá 3,5 triệu USD tại quần đảo Riau, gần Biển Đông. Đại sứ Mỹ tại Indonesia Sung Kim đánh giá trung tâm hàng hải này sẽ giúp hai quốc gia đẩy mạnh an ninh khu vực. Ông Sung Kim nhấn mạnh: “Với tư cách là đối tác và bạn bè của Indonesia, Mỹ vẫn duy trì cam kết ủng hộ vai trò quan trọng của Jakarta trong duy trì hòa bình và an ninh khu vực bằng việc chống lại tội phạm nội địa và liên quốc gia”.

Ngày 28/6, Ấn Độ đã thử thành công một tên lửa đạn đạo thế hệ mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Agni P. Tên lửa Agni P được phóng đi từ đảo Abdul Kalam ở ngoài khơi bờ biển bang Odisha, miền Đông Ấn Độ, vào lúc 10h 55 phút ngày 28/6 theo giờ địa phương. Đây là phiên bản nâng cấp của tên lửa Agni với tầm bắn từ 1.000-2.000 km.

Ngày 28/6, một vụ tấn công bằng dao đã xảy ra ở thành phố Erfurt, miền Đông nước Đức, khiến 2 người bị thương. Theo cảnh sát, một người đàn ông đã dùng dao đâm vào 2 người đi đường khiến họ bị thương. Hai nạn nhân ở độ tuổi 45 và 68 hiện đang được điều trị ở bệnh viện. Theo miêu tả của cảnh sát, kẻ tấn công tầm khoảng 20 tuổi, nói tiếng Đức, tóc vàng và có vết sẹo trên mặt. Hiện cảnh sát đang dùng máy bay trực thăng để truy tìm đối tượng này.

Mỹ bắt đầu vận chuyển những liều vaccine Pfizer đầu tiên ra nước ngoài như một phần trong cam kết của chính quyền Biden về việc tặng hàng triệu liều vaccine cho các quốc gia khác. Liều đầu tiên, 2 triệu liều vaccine Pfizer được Mỹ chuyển đến Peru vào hôm 28/6, một quan chức Nhà Trắng nói với CNN. Cùng ngày, Mỹ cũng vận chuyển 2,5 triệu liều vaccine Moderna đến Pakistan thông qua sáng kiến COVAX.

MỚI - NÓNG