THẾ GIỚI 24H: Mỹ cân nhắc bắn rơi khinh khí cầu Trung Quốc ở Đại Tây Dương

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một quan chức cấp cao của Mỹ ngày 3/2 cho biết Washington đang cân nhắc phương án bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc khi nó bay đến Đại Tây Dương.

Quan chức Mỹ cho biết sẽ rất rủi ro nếu bắn hạ khinh khí cầu trên lục địa của Mỹ. Nước này đang có kế hoạch bắn hạ khi nó bay ra Đại Tây Dương, khi đó khinh khí cầu sẽ rơi xuống lãnh hải Mỹ, ABC News đưa tin. Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder cho hay khinh khí cầu đang di chuyển về phía Đông, và đã bay qua miền Trung nước Mỹ. Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã không bắn hạ khinh khí cầu khi phát hiện nó ở Montana, do lo ngại những mảnh vỡ có thể ảnh hưởng đến dân thường. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ưu tiên lớn nhất là đưa khinh khí cầu ra khỏi không phận Mỹ.


Trung Quốc lên tiếng về thông tin phát hiện khinh khí cầu do thám ở Mỹ. Trung Quốc là một quốc gia có trách nhiệm và không xâm phạm không phận của các quốc gia khác, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning cho biết sau khi xuất hiện thông tin cho rằng “một khinh khí cầu do thám của Bắc Kinh được phát hiện ở Mỹ”. (XEM CHI TIẾT...)


Căng thẳng ngoại giao Mỹ - Trung vì sự cố khinh khí cầu. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, bước đầu tiên để giải quyết vụ khinh khí cầu Trung Quốc bị nghi “đang do thám Mỹ” là đưa nó ra khỏi không phận nước này. Tại một cuộc họp báo ngày 3/2, lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi tin đây là khinh khí cầu do thám của Trung Quốc”. Phát biểu của ông trái ngược với giải thích trước đó của Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng, khinh khí cầu chỉ là phương tiện dân sự, được dùng cho mục đích nghiên cứu, chủ yếu là khí tượng học.


Ngoại trưởng Mỹ hoãn chuyến thăm Trung Quốc. Ngày 3/2, các hãng tin APABC News của Mỹ đưa tin Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ hoãn chuyến thăm đến Trung Quốc dự kiến diễn ra cuối tuần này. Trước đó, tờ Politico đưa tin Ngoại trưởng Mỹ Blinken sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tại Bắc Kinh ngày 5 - 6/2.


Mỹ, Philippines sẽ nối lại tuần tra chung trên Biển Đông. Mỹ và Philippines đã nhất trí sẽ nối lại hoạt động tuần tra chung trên Biển Đông, sau thời gian bị gián đoạn dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Rodrigo Duterte. Hai bên cũng thông báo việc cho phép quân đội Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự ở “các vị trí chiến lược” của quốc gia Đông Nam Á. (XEM CHI TIẾT...)


Cảnh sát Ấn Độ bắt giữ 1.800 người đàn ông trong chiến dịch trấn áp nạn tảo hôn. Cảnh sát bang Assam, Ấn Độ đã bắt giữ hơn 1.800 người đàn ông vì kết hôn hoặc dàn xếp hôn nhân với các cô gái chưa đủ tuổi vị thành niên. Hôm 3/2, Thủ hiến bang Assam Himanta Biswa Sarma cho biết đây chỉ là bước khởi đầu của chiến dịch trấn áp kéo dài đối với tập tục này, theo hãng tin Reuters.


Đức phê duyệt bán xe tăng cũ cho Ukraine. Phát ngôn viên Chính phủ Đức Steffen Hebestreit cho biết, Đức đã cấp giấy phép xuất khẩu xe tăng Leopard 1 sang Ukraine. Theo Giám đốc điều hành Rheinmetall Armin Papperger, sẽ mất nhiều thời gian để xuất xe tăng Leopard 1 sang Ukraine sau khi nhận được giấy phép. Ông cho biết các xe tăng đã được "tháo rời hoàn toàn và phải lắp ráp lại" , nhấn mạnh việc giao hàng có thể mất tới một năm.


Đắm thuyền ngoài khơi Italy khiến 8 người thiệt mạng, 2 người mất tích. Ngày 3/2, các quan chức Italy cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển nước này đã tìm thấy thi thể 8 người di cư, trong khi 2 trường hợp khác vẫn đang mất tích sau vụ đắm thuyền ngoài khơi đảo Lampedusa ở miền Nam.


Hàn Quốc và Mỹ tập trận không quân chung sau cảnh báo của Triều Tiên. Cuộc tập trận diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Triều Tiên cảnh báo sẽ có "phản ứng cứng rắn nhất" đối với bất kỳ hành động quân sự nào của Mỹ theo nguyên tắc "hạt nhân đấu với hạt nhân". Theo hãng tin Yonhap, ngày 3/2, Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành tập trận không quân chung, với sự tham gia của các máy bay tiêm kích tàng hình F-22 và F-35B của Mỹ.


Nga cảnh báo nguy cơ thị trường năng lượng thế giới rối loạn. Lệnh cấm vận của phương Tây đối với các sản phẩm xăng dầu của Nga là một quyết định tiêu cực, có thể dẫn đến tình trạng rối loạn trên thị trường năng lượng thế giới. Đây là cảnh báo được Điện Kremlin đưa ra hôm qua, ngay trước thềm ngày mà các lệnh trên có hiệu lực chính thức.


Mỹ, EU tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine. Ngày 3/2, Mỹ đã công bố gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 2,17 tỷ USD, bao gồm bom tầm xa có đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) sử dụng với các bệ phóng tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS) và vũ khí chống tăng Javelin.


Tổng thống Ukraine đưa ra tuyên bố cứng rắn về Bakhmut. Ông Volodymyr Zelensky cảnh báo rằng Nga đang tìm cách "trả thù" và chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn ở phía Đông và Đông Bắc, nhắm vào các thành phố như Bakhmut và Lyman. Mặc dù tình hình Bakhmut rất khó khăn, nhưng ông Zelensky tuyên bố Ukraine “sẽ không giao nộp Bakhmut”, đồng thời nhấn mạnh với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel rằng “chúng tôi sẽ chiến đấu chừng nào còn có thể” khi đứng cạnh.

MỚI - NÓNG