Thầy xót xa vì ít trò chọn môn Sử

 Thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên bộ môn Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu: "Tôi tôn trọng quyết định của học sinh nhưng vẫn thấy buồn và xót xa".
Thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên bộ môn Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu: "Tôi tôn trọng quyết định của học sinh nhưng vẫn thấy buồn và xót xa".
Tôn trọng quyết định của học sinh (HS) nhưng nhiều giáo viên (GV) dạy Sử không khỏi chạnh lòng khi môn học này chưa được đánh giá đúng tầm quan trọng. Trong khi GV bộ môn khác “vắt chân lên cổ”, nhiều GV Sử đang “nhàn nhã” mà không hề vui.

Chưa có số liệu chính thức và chính xác về tỷ lệ đăng kí các môn thi tốt nghiệp tự chọn tại các trường THPT trên cả nước. Vậy nhưng, với những số liệu thống kê ban đầu cho thấy, tỷ lệ đăng kí chọn môn Lịch sử không cao, nếu không muốn nói là thấp. Thậm chí, ở một số trường học, chỉ có vài em hoặc 1 em đăng kí dự thi môn này.

Dẫu tình trạng học sinh lựa chọn môn Sử sẽ ít đã được dự đoán từ trước nhưng khi có kết quả đăng kí, nhiều giáo viên dạy Sử không khỏi “sốc”. Và sau cái “sốc” đó là cảm giác chạnh lòng khi bộ môn của mình bị học sinh “hắt hủi”.

Thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) chia sẻ: “Là giáo viên, tôi tôn trọng quyết định của học sinh. Sự lựa chọn này phù hợp với xu thế hiện nay khi số lượng học sinh thi khối C giảm và số học sinh đăng kí thi vào ngành Lịch Sử ở các trường ĐH cũng giảm. Việc các em không đăng kí lựa chọn môn Sử không có nghĩa là các em ghét hay quay lưng với môn học này. Tuy nhiên, với tý lệ đăng kí dự thi môn Sử thấp thì nói thật là tôi rất buồn và xót xa.

Buồn vì liên tục trong những năm gần đây, Hội Khoa học Lịch Sử Việt Nam cùng với các chuyên gia hàng đầu, những nhà giáo dạy Sử ở các cấp học tâm huyết đã tổ chức rất nhiều cuộc Hội thảo chuyên gia tầm quốc gia, quốc tế để đề xuất với các cấp có đủ thẩm quyền việc xem môn Sử là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp và một số kỳ thi quốc gia khác. Xót xa vì Bộ GD&ĐT chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của môn Sử trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ”.

Trường THPT chuyên Phan Bội Châu có hơn 300 học sinh khối 12, trong đó có 3 lớp thuộc chuyên ban C. Tuy nhiên, số lượng học sinh đăng ký dự thi môn Sử chỉ khoảng hơn 30 em, nghĩa là chưa đến 1/10 học sinh khối 12 cùa trường này chọn môn Sử là môn thi tốt nghiệp.

Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm - giáo viên Lịch sử Trường THPT Thái Lão (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) cũng không dấu khỏi vẻ thất vọng khi tỉ lệ thí sinh đăng kí dự thi môn Sử ở trường này quá thấp. Cả trường THPT Thái Lão chỉ có duy nhất 1 em học sinh lựa chọn môn Sử. “Nói thật là mình cũng thấy chạnh lòng khi hầu hết học sinh không chọn thi môn Sử. Tình trạng này mình cũng đã lường trước nhưng vẫn cứ thấy tủi thân thế nào ấy”, cô Tâm chia sẻ.

Vậy là trong khi các giáo viên khác đang tất bật chuẩn bị bước vào giai đoạn ôn thi nước rút cho học sinh thì các giáo viên Lịch sử có vẻ thảnh thơi hơn. Với việc số học sinh đăng kí quá ít, hầu hết các trường chỉ tổ chức 1 lớp học ôn, phân công cho một giáo viên đứng lớp. Số giáo viên Lịch sử còn lại “được nghỉ khỏe”. Khỏe nhưng không vui!.

Trong khi đó, tại Trường THPT Diễn Châu 3 (huyện Diễn Châu, Nghệ An), tình hình cũng không phải là ngoại lệ khi số lượng học sinh đăng kí dự thi môn lịch sử chỉ vỏn vẹn 5 em. Mặc dù chưa tổ chức học ôn thi cho các em nhưng một giáo viên bộ môn Lịch sử của trường này đã rất băn khoăn về việc tổ chức ôn thi cho các em. “Tình hình thực tế như vậy thì mình cũng phải chấp nhận thôi. Nhưng nói thật đứng trước một lớp học chỉ có 5 em thì nhiệt huyết của người dạy không thể như đứng trước lớp học 40-50 học sinh được”, giáo viên này tâm sự.

Thầy xót xa vì ít trò chọn môn Sử ảnh 1

Trường THPT Thái Lão (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) nơi chỉ có duy nhất một học sinh đăng kí thi tốt nghiệp môn Lịch sử.

Về việc ít học sinh lựa chọn thi môn Lịch sử, thầy Trần Trung Hiếu lý giải: “Môn Sử khó hơn các môn khác vì kiến thức nhiều lại mang tính hàn lâm, nhiều số liệu ngày tháng, sự kiện khó nhớ. Thực tế thì điểm thi môn Sử thường thấp hơn các môn học khác, ví như môn Địa lý nên học sinh không chọn môn Sử là điều dễ hiểu”.

Việc học sinh không “mặn mà” với môn Lịch sử không phải đến bây giở người ta mới nói. Theo thầy Hiếu, chính những bất cập trong sách giáo khoa hiện hành cũng là một trong những nguyên nhân khiến học sinh ngại học môn Sử. 5 năm trở lại đây môn Sử không có trong các môn thi tốt nghiệp THPT. Năm nay, môn Sử lại là môn tự chọn. Việc môn Sử không được tổ chức thi trong những năm gần đây đã khiến cho các giáo viên bộ môn này giảm đi sự tâm huyết với nghề, với chính bài dạy của mình.

“Với kiểu “ứng thi” như hiện này dễ để xảy ra tâm lý thi thì học, không thi thì thôi. Tôi dám khẳng định với các bạn rằng hiện nay, ở không ít trường THPT, khi các em không đăng kí thi môn Sử thì thầy cũng không có tâm huyết mà dạy, trò cũng không tập trung học. Nếu có học cũng mang tính đối phó chứ không phải để muốn hiểu biết về những kiến thức lịch sử phổ thông rất sơ đẳng phục vụ cho cuộc sống.

Bên cạnh đó, với việc để học sinh tự quyết định chọn môn thi như thế này, tôi sợ sẽ tạo thành một tiền lệ về tâm lý và thói quen trong suy nghĩ, trong tư duy của học sinh. Một thói tư duy hết sức nguy hiểm đó là tâm lý và hành xử kiểu “ứng thi”, thi thì học, không thi thì thôi”, thầy Hiếu bày tỏ sự e ngại.

Thầy giáo tâm huyết với bộ môn Lịch sử này đã không khỏi xót xa khi một số học trò cũ của mình đã từng là học sinh giỏi quốc gia môn Sử, được đào tạo bài bản chuyên ngành Sử ở ĐH SP đã từ bỏ sở trường và niềm đam mê của mình vì giá trị và tầm quan trọng môn học này đã không được đánh giá đúng. Và với tình trạng này, liệu có xảy ra tình trạng số học sinh đăng kí thi vào ngành Sư phạm Lịch sử giảm, do đó tương lai gần sẽ thiếu đội ngũ giáo viên dạy môn học này?

Theo Hoàng Lam

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG