Mấy ngày nay, em Đoàn Thị Nga (lớp 12A4, Trường THPT Thái Lão, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) bỗng dưng nổi tiếng. Thậm chí, có một số học sinh trong trường đã nghĩ rằng Nga đang chơi trội khi một mình chọn Lịch sử trong phần môn thi tốt nghiệp tự chọn. Nhưng những gì cô bạn này chia sẻ, tôi nhìn thầy một tình yêu rất lớn dành cho môn học vốn dĩ là “nỗi ám ảnh” của rất nhiều học sinh.
“Em không chơi trội! Chỉ đơn giản là em yêu lịch sử và muốn lịch sử không bị lãng quên”, Nga đã nói như thế khi tôi bắt đầu cuộc trò chuyện với em. Còn gần 1 tháng nữa mới đến hạn cuối cùng để thay đổi lựa chọn nhưng Nga cho biết, em không thay đổi sự lựa chọn cũng như không thay đổi tình yêu đối với môn lịch sử.
“Khi biết mình là học sinh duy nhất đăng kí môn thi Lịch sử, ban đầu em cũng có chút cảm giác hơi sợ. Mọi người xì xào về sự lựa chon này, em cũng thấy mình hơi đặc biệt. Nhưng giờ thì thấy vui. Vui vì mình dám khác biệt, dám đánh đổi để khẳng định tình yêu của mình với môn Lịch sử”, Nga chia sẻ.
Là học sinh chuyên ban C, với Nga, Lịch sử không phải là môn học quá khó. Ngược lại, cô bạn này lại có một tình yêu đặc biệt với môn sử và cũng đã giành được ít nhiều thành tích trong các kỳ thi. Thế nhưng, giữa kỳ thi học sinh giỏi, thi đại học và thi tốt nghiệp lại không hoàn toàn giống nhau.
Trường THPT Thái Lão (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) nơi có duy nhất một học sinh đăng ký môn Lịch sử là môn tự chọn thi tốt nghiệp THPT.
Nếu ở các kỳ thi học sinh giỏi, thi đại học đòi hỏi học sinh phải có kiến thức sâu rộng, khả năng tư duy, phân tích và đánh giá về sự kiện thì ở kỳ thi tốt nghiệp THPT đòi hỏi nền kiến thức cơ bản, bao quát. Bởi vậy nhiều bạn trong lớp của Nga đã có một lựa chọn mang tính an toàn hơn là môn Lịch sử.
Nhưng với Nga lại khác khi em nghĩ mình có thể khai thác thế mạnh, những kiến thức cơ bản đã được luyện kỹ để cô đọng lại cho phù hợp với thời gian thi cũng như yêu cầu của bài thi tốt nghiệp.
Mặc khác, "một mình một mặt trận”, Nga thấy mình có nhiều cơ hội hơn so với các bạn khác. Khi lớp học chỉ một thầy - một trò thì Nga sẽ có nhiều thời gian và sự quan tâm sâu sát hơn của giáo viên. Trong khi thời gian ôn thi các môn tốt nghiệp không dài, ở các bộ môn khác, các bạn phải học theo lịch ôn thì Nga lại được quyền chủ động thỏa thuận lịch học ôn với cô giáo.
Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm - giáo viên được phân công dạy ôn thi môn Lịch sử cho Nga chia sẻ: “Do đặc thù về số lượng thí sinh đăng kí ôn thi nên nhà trường hết sức tạo điều kiện cho cả thầy lẫn trò. Trường cho phép cô trò tự linh động sắp xếp lịch học ôn.
Hơn nữa, chỉ có một em học sinh nên giáo viên cũng sẽ dành thời gian, công sức và tâm huyết để ôn luyện kiến thức một cách tốt nhất. Đó là lợi thế mà Nga có được khi đã dũng cảm với lựa chọn của mình”.
Trong suy nghĩ của một bộ phận lớn học sinh thì môn Lịch sử là môn học thuộc lòng và rất khó nhớ. Với Nga thì lại khác. Lịch sử cả một quá trình đấu tranh giữ nước của cả dân tộc nên không thể gói gọn trong một vài trang sách.
Bởi vậy, dù khó nhớ với những sự kiện, những con số, những ngày tháng nhưng với tình yêu dành cho môn học nên việc quyết định lựa chọn môn Sử trong kì thi tốt nghiệp, Nga có thêm điều kiện để khám phá nó.
“Em nghĩ môn Sử không khó. Môn Sử cũng như các môn học khác, nếu mình thực sự yêu thích thì không có gì là quá khó. Khi mình đã yêu thích môn học này thì ai nói gì đi chăng nữa thì vẫn yêu. Đã yêu rồi thì phải nỗ lực hết mình, nhiều khi phải chiến đấu và chấp nhận rủi ro để đánh đổi sư yêu thích đó”, cô học trò nhỏ tâm sự.
Với tình yêu đặc biệt dành cho môn Lịch sử, cô học trò trường huyện đã giành được những thành tích đáng kể. Năm học 2012-2013, Nga đoạt giải Nhất kì thì học sinh giỏi trường (tương đương với học sinh giỏi huyện).
Năm 2012-2013, Nga tiếp tục đạt giải Nhì kì thi học sinh giỏi trường (cả 2 năm học này Nghệ An không tổ chức kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh đối với môn Lịch sử). Năm học 2013-2014 này cô bạn giành giải Khuyến khích kì thi học sinh giỏi tỉnh.
Chặng đường để Đoàn Thị Nga hoàn thành 2 kì thi quan trọng không còn nhiều nữa. Cô bạn đã vạch sẵn cho mình kế hoạch ôn luyện để có kết quả cao nhất.
Nga cũng không ngần ngại chia sẻ bí quyết học Sử của mình: “Ngoài việc tập trung nắm kiến thức cơ bản trong các giờ học trên lớp, em tranh thủ thời gian rảnh để học và đọc thêm tài liệu. Không cần thức quá khuya để học thuộc. Học môn xã hội không thể gò ép mình mà em chỉ học lúc nào tâm lý thoải mái nhất.
Em thường gắn ngày diễn ra sự kiện với ngày sinh của người thân, bạn bè hoặc những ngày đặc biệt của mình, như thế sẽ nhớ được lâu hơn”.
Theo Hoàng Lam