Thảo luận nhiều nội dung quan trọng

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết điều khiển phiên thảo luận các văn kiện Đại hội tại hội trường sáng 14-1 Ảnh: TTXVN
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết điều khiển phiên thảo luận các văn kiện Đại hội tại hội trường sáng 14-1 Ảnh: TTXVN
TP - Ngày 14-1, Đại hội Đảng XI tiếp tục làm việc tại hội trường, thảo luận về các văn kiện. Nhiều nội dung quan trọng đã được các đại biểu thảo luận như công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng; phòng, chống tham nhũng, chế độ sở hữu tư liệu sản xuất chủ yếu...

>> Đổi mới toàn diện, phát huy sức mạnh toàn dân tộc

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết điều khiển phiên thảo luận các văn kiện Đại hội tại hội trường sáng 14-1 Ảnh: TTXVN
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
điều khiển phiên thảo luận các văn kiện Đại hội tại hội trường
sáng 14-1. Ảnh: TTXVN.

Kiểm tra, giám sát trong Đảng: Không có “vùng cấm”

Chánh Văn phòng BCĐ T.Ư về phòng, chống tham nhũng Vũ Tiến Chiến cho biết, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã có chuyển biến tích cực trên cả nhận thức và hành động, trong phòng ngừa và xử lý hành vi tham nhũng.

Tuy nhiên, với tinh thần đánh giá nghiêm túc và thẳng thắn, công tác PCTN trong nhiệm kỳ qua vẫn còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém, chưa tạo được sự chuyển biến có tính cơ bản; tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp. Tham nhũng chưa được ngăn chặn, từng bước đẩy lùi như mục tiêu Nghị quyết T.Ư 3 (khóa X) đã đề ra, tệ tham nhũng vẫn còn là vấn đề bức xúc và là mối quan tâm lớn của Đảng và toàn xã hội.

Ông Chiến đề nghị Đoàn chủ tịch Đại hội bố trí thời gian để nhiều đại biểu phát biểu, trao đổi về công tác PCTN tại hội trường. Đề nghị Đại hội trong lựa chọn các ủy viên T.Ư kỳ này ngoài tiêu chuẩn chung cần coi trọng tiêu chuẩn: Không tham nhũng, lãng phí và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

“Cần nhìn thẳng vào sự thật những biểu hiện “giàu nhanh”, “lên chức nhanh”; nếu giàu nhanh do làm giàu chính đáng, lên chức nhanh do tài năng là rất đáng trân trọng học tập; nhưng những biểu hiện giàu nhanh là do tiêu cực, tham nhũng, lên chức nhanh là do dùng tiền để “chạy chức”, “chạy quyền” thì phải làm rõ, lên án và nghiêm trị”- Ông Chiến kiến nghị.

Tham luận về công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Trịnh Long Biên cho rằng, Đảng ta là Đảng cầm quyền, có vai trò lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội, mọi lĩnh vực đều phải được kiểm tra, giám sát. Tổ chức Đảng ở những vị trí càng quan trọng, lĩnh vực càng nhạy cảm thì càng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, không có “vùng cấm” trong công tác này.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng điều khiển phiên thảo luận các văn kiện Đại hội tại hội trường chiều 14-1 Ảnh: TTXVN
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng
điều khiển phiên thảo luận các văn kiện Đại hội tại hội trường
chiều 14-1. Ảnh: TTXVN.

Ý kiến khác nhau về “công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu”

Đây là nội dung đã được ghi trong dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011). Ngày 13-1, khi thảo luận tại hội trường, Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc băn khoăn nếu như vậy sẽ làm trở ngại quá trình thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Chiều 14-1, phát biểu thảo luận, TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng: Về lý luận, chúng ta chưa làm rõ là mô hình CNXH chúng ta xây dựng trong tương lai có còn sản xuất hàng hóa, có còn thị trường hay không? Bởi nếu như một chế độ công hữu về tư liệu sản xuất thì tự nó không có cơ sở để sản xuất hàng hóa, không có cơ sở để hình thành thị trường.

Ngoài ra, chúng ta cũng chưa làm rõ thế nào là tư liệu sản xuất hàng hóa chủ yếu? Trong thời đại kinh tế tri thức, những sáng tạo về tư duy kinh tế tri thức, giải pháp công nghệ có là tư liệu sản xuất hay không? Tôi cho rằng, những vấn đề chưa rõ về lý luận, mà thực tiễn chưa vội cần giải quyết thì cũng chưa cần đưa vào văn kiện mới của Đảng.

Tuy nhiên, Giám đốc Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, GS- TS Lê Hữu Nghĩa khẳng định, “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại là chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu” là đặc trưng thể hiện tính ưu việt trên lĩnh vực kinh tế của CNXH mà nhân dân ta đang xây dựng so với các chế độ xã hội khác. “Bởi, về quan hệ sản xuất không thể không tính đến yếu tố quan trọng hàng đầu là chế độ sở hữu”.

GS Nghĩa cho rằng, khi bàn về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, Đảng ta tiếp tục khẳng định quan điểm: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

“Quan điểm này hoàn toàn nhất quán với đặc trưng trong quan hệ sản xuất của CNXH mà chúng ta đang xây dựng là xác lập dần từng bước chế độ công hữu. Trong thời kỳ quá độ lên CNXH phải dựa trên chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu là một trong những yếu tố đảm bảo định hướng XHCN trong phát triển nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế”- GS- TS Lê Hữu Nghĩa nhấn mạnh.

Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội VN Đỗ Hoài Nam:

Đổi mới kinh tế phải đi đôi với đổi mới chính trị

Bước vào thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, Đảng ta cần phải tập trung giải quyết một số vấn đề cơ bản. Đó là: Việc đổi mới hệ thống chính trị phải phù hợp và đồng bộ với đổi mới kinh tế vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa.

25 năm qua, chúng ta đã có nhiều đổi mới về tổ chức nội dung và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị nhưng sự đổi mới này chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của đổi mới kinh tế và đang là lực cản của sự phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế. Nền kinh tế này đòi hỏi một hệ thống chính trị không quan liêu, có quyết tâm chính trị và giải pháp hữu hiệu đẩy lùi tham nhũng, thất thoát lãng phí và các nguồn lực của xã hội.

Ông Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên T.Ư Đảng,Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:

Xây dựng chiến lược về giai cấp công nhân

Hàng vạn công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất phải thuê nhà ở, trong điều kiện tạm bợ thiếu thốn và không đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu. Ở nhiều khu công nghiệp, tình trạng nữ công nhân lao động không lập được gia đình có xu hướng gia tăng, nhà trẻ, trường mầm non thiếu trầm trọng.

Tiền lương, thu nhập của người lao động chưa tương xứng với cường độ và thời gian lao động, có nơi lương công nhân không đủ để tái tạo sức lao động của bản thân mình, nên đời sống vật chất và tinh thần của công nhân viên chức lao động gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Công nhân lao động không có thời gian, điều kiện sinh hoạt học tập nâng cao nhận thức chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Do vậy, Đảng cần tiếp tục kiên định lập trường giai cấp công nhân, tăng cường và giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng; xây dựng và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả chiến lược về giai cấp công nhân gắn với chiến lược phát triển kinh tế- xã hội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường:

Có cơ chế bảo vệ vững chắc đất trồng lúa, đất rừng

Nhà nước phải có cơ chế khuyến khích những tổ chức cá nhân tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào các dự án đầu tư, giải quyết tốt vấn đề đất ở, nhà ở, việc làm cho nông dân bị thu hồi đất. Đặc biệt là phải có cơ chế bảo vệ vững chắc đất trồng lúa, đất rừng, đất trồng cây công nghiệp xuất khẩu.

Để nông dân thoát đói giảm nghèo chuyển sang no đủ và làm giàu thì nông thôn phải được quy hoạch trong đó có quy hoạch vùng sản xuất.

Trong giai đoạn tới, chúng ta phải xây dựng được tiêu chuẩn về người nông dân mới, là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Và nông dân cũng là đối tượng chính được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Trung tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam:

Hải quân, Phòng không- Không quân đã được trang bị vũ khí hiện đại

Trong nhiệm kỳ tới, trước yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, nhất là bảo vệ chủ quyền biển, đảo, lực lượng Hải quân, Phòng không-Không quân, Thông tin, Tác chiến điện tử và Trinh sát kỹ thuật cần và phải được tập trung xây dựng hiện đại.

Vừa qua Đảng ủy Quân sự T.Ư và Bộ Quốc phòng đã đề xuất và được Bộ Chính trị, Chính phủ quan tâm bước đầu dành một khoản ngân sách để trang bị cho một số đơn vị của Hải quân, Phòng không-Không quân có vũ khí hiện đại đủ sức hoàn thành nhiệm vụ.

Phùng Sưởng - Ngọc Tiến

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG