Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả một số nội dung.
Trong đó, tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Đồng thời, xem xét toàn diện, căn cứ vào thực tiễn và các yếu tố tác động có liên quan, các mặt thuận lợi, khó khăn, các yếu tố đặc thù của TP HCM. Không vì thực hiện sắp xếp mà gây xáo trộn lớn, ảnh hưởng đến đời sống người dân, sự ổn định và phát triển của TP.
Các đoàn công tác của Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo, kiểm tra, giám sát tại địa phương, cơ sở chỉ đạo các quận, huyện, TP Thủ Đức thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đảm bảo theo quy định, lộ trình, phù hợp tình hình thực tiễn.
Chỉ thị cũng nêu rõ các cơ quan, đơn vị trên cần chỉ đạo rà soát, đánh giá và tham mưu giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác; giải quyết về vấn đề tài sản, trụ sở làm việc... sau sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021.
Ngoài ra, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã gắn với đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; linh hoạt vận dụng thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc khối chính quyền địa phương.
TP HCM yêu cầu việc sắp xếp không gây xáo trộn lớn, ảnh hưởng đến đời sống người dân, sự ổn định và phát triển của thành phố.
UBND thành phố chỉ đạo Sở Nội vụ tiếp nhận, tổng hợp, tham mưu xử lý các vấn đề liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; kịp thời hướng dẫn, cập nhật thông tin và có các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện sắp xếp đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo các quy định, hướng dẫn của Trung ương và điều kiện thực tiễn của địa phương.
Đảng đoàn HĐND TP lãnh đạo, chỉ đạo HĐND TP kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản theo thẩm quyền để tổ chức thực hiện việc sắp xếp; xem xét, ban hành nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp theo đề nghị của UBND TP và giám sát quá trình triển khai thực hiện.
Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì rà soát, đánh giá và tham mưu giải quyết các tồn đọng về công tác cán bộ khối các cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tại các đơn vị hành chính sau sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021; chủ trì tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy thẩm định phương án tổng thể, đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; hướng dẫn công tác chuẩn bị đại hội nhiệm kỳ 2025 - 2030 đối với những đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp; chỉ đạo, hướng dẫn, thẩm định đề án của Thành ủy Thủ Đức, các quận ủy, huyện ủy về việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và giải quyết chế độ, chính sách đối với những trường hợp không thể bố trí, sắp xếp được...
Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo các cơ quan truyền thông của TP tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, mục đích của việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng thuận, thống nhất thực hiện...