Thanh tra doanh nghiệp BĐS huy động trái phiếu và câu chuyện từ vụ Evergrande 'vỡ nợ'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việc Thủ tướng Chính phủ ra Công điện yêu cầu Bộ Tài chính thanh, kiểm tra "gấp" hoạt động huy động trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đã rung lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng "bong bóng" trái phiếu của doanh nghiệp BĐS, nhất là sau việc "gã khổng lồ" BĐS Evergrande chính thức "vỡ nợ" trái phiếu USD mới đây.

Thanh, kiểm tra “gấp” doanh nghiệp BĐS huy động trái phiếu

Thời gian gần đây, giữa bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có dấu hiệu tăng “nóng” khi quy mô huy động vốn của các doanh nghiệp qua kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ lên tới hơn 436.000 tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm, tăng hơn 23% so với cùng kỳ 2020 (trong đó hơn 94% là trái phiếu riêng lẻ, còn lại là trái phiếu phát hành ra công chúng); Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công điện số 8857/CĐ-VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp BĐS.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiến hành thanh, kiểm tra việc phát hành, sử dụng vốn thu được từ trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp BĐS cũng như ngân hàng có liên quan tới doanh nghiệp BĐS. Bên cạnh đó là thanh, kiểm tra các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ và phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo (TSĐB). Kết quả thanh tra cần báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/12.

Thanh tra doanh nghiệp BĐS huy động trái phiếu và câu chuyện từ vụ Evergrande 'vỡ nợ' ảnh 1
Giữa bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam tăng "nóng", Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài Chính thanh, kiểm tra việc phát hành, sử dụng vốn thu được từ trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp BĐS cũng như ngân hàng có liên quan tới doanh nghiệp BĐS.

Cũng tại Công điện số 8857, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng Bộ Tài chính kiểm tra, thanh tra việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng; cảnh báo rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng. Còn Bộ Công an nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong đầu tư, phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Trước đó, để ngăn chặn tình trạng huy động trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo (TSĐB) có nguy cơ “tăng nóng”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ,... giám sát lại việc phát hành thời gian qua. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư siết lại việc các ngân hàng mua bán trái phiếu doanh nghiệp.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong tổng số 300 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ thì chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp phát hành trái phiếu có TSĐB, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp BĐS, chứng khoán. Tuy nhiên, chất lượng TSĐB của các doanh nghiệp nói trên chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp. Do đó giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo những diễn biến phức tạp của thị trường giữa đại dịch COVID -19.

Bài học từ vụ gã “khổng lồ” BĐS Evergrande “vỡ nợ” trái phiếu USD

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Thủ tướng ra Công điện yêu cầu Bộ Tài chính thanh, kiểm tra phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp BĐS còn xuất phát từ bài học "vỡ nợ" trái phiếu của "gã khổng lồ" BĐS Evergrande (Trung Quốc).

Bởi theo Bloomberg, dư luận thế giới đang hết sức hoang mang trước việc Fitch Ratings (Tổ chức xếp hạng Tín dụng quốc tế) vừa chính thức hạ mức “Nhà phát hành nợ bằng ngoại tệ dài hạn” của Evergrande xuống mức "vỡ nợ hạn chế" (Restricted Default) sau khi tập đoàn BĐS này không thể trả hai khoản lãi trái phiếu USD trong khoảng thời gian ân hạn (hạn chót ngày 6/12).

Bloomberg cho biết, Evergrande hiện đang có khoảng 19,2 tỷ USD dư nợ trái phiếu quốc tế và 8,4 tỷ USD dư nợ trái phiếu nội địa. Đây là lần đầu tiên Evergrande "vỡ nợ" trái phiếu bằng đồng USD và việc này có thể đặt dấu chấm hết cho tập đoàn BĐS lớn thứ hai Trung Quốc sau hơn 2 thập niên hình thành và phát triển.

Evergrande được tỷ phú Hứa Gia Ấn thành lập năm 1996 với mảng kinh doanh cốt lõi là BĐS, năm 2009, Evergrande lên sàn chứng khoán Hong Kong và nhanh chóng trở thành doanh nghiệp BĐS hàng đầu với quy mô lớn thứ 2 tại Trung Quốc. Cổ phiếu và trái phiếu của Evergrande từng có thời kỳ nằm trong nhiều rổ chỉ số hàng đầu tại Á châu.

Thanh tra doanh nghiệp BĐS huy động trái phiếu và câu chuyện từ vụ Evergrande 'vỡ nợ' ảnh 2

Evergrande được biết đến là nhà phát hành trái phiếu bằng đồng USD lớn nhất trong số các công ty BĐS Trung Quốc. Trước khi bị Fitch Ratings hạ xuống mức “vỡ nợ hạn chế”, Evergrande đã 2 lần thoát “vỡ nợ” trái phiếu nhờ thanh toán xong các khoản lãi suất trái phiếu quá hạn ngay trước khi hết thời gian ân hạn vào các ngày 23/10 và 29/10.

Nguyên nhân khiến đế chế BĐS hàng đầu Trung Quốc trở thành tập đoàn vay nợ nhiều nhất thế giới là do tháng 8/2020, sau khi kiểm soát được đại dịch COVID -19, chính quyền Trung Quốc nhận thấy tình trạng “bong bóng” BĐS nhà ở tại nước này đang tăng cao nên đưa ra đề xuất 3 lằn ranh đỏ, đặt giới hạn nợ liên quan đến dòng tiền, tài sản và vốn tự có/vốn chủ sở hữu của các công ty BĐS.

Trong khi đó, Evergrande mặc dù là tập đoàn BĐS hàng đầu nhưng thực tế thì vốn tự có không lớn bởi việc sở hữu quỹ đất khổng lồ của tập đoàn này hầu hết đều là nhờ mối quan hệ hợp tác với ngân hàng. Đồng thời, nhờ việc ông chủ của Evergrande là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc nên nhiều người vô cùng tin tưởng và liên tục cho tập đoàn này vay tiền khi tập đoàn mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới như xe điện, công viên giải trí, thể thao, du lịch, lương thực, thực phẩm, tạp hóa,…

Do đó trước động thái của chính quyền Bắc Kinh, Evergrande phải bán vội đồng nghĩa bán rẻ các BĐS nhằm có được những khoản thu đủ lớn, đủ nhanh để duy trì sự tồn tại. Trong khi đó những khoản tín dụng dự kiến vay thêm thì bị phanh lại khiến nhiều dự án đang triển khai phải ngừng lại và không cách nào hoàn thiện được. Cùng lúc các khoản nợ đáo hạn không thể thanh toán được khiến chỉ số uy tín tài chính của công ty giảm mạnh, trái phiếu cũng bị nhiều hãng đánh giá tín dụng quốc tế hạ điểm liên tục.

Tuy nhiên, phần lớn tài nguyên đất mà Evergrande tích trữ đều thuộc diện kiểm soát, quản lý đặc biệt của nhà nước và các tổ chức tín dụng, do đó Evergrande không thể “thổi giá” bán lên nhiều so với mặt bằng giá trị thị trường như lúc “trời chưa nổi bão".

Thanh tra doanh nghiệp BĐS huy động trái phiếu và câu chuyện từ vụ Evergrande 'vỡ nợ' ảnh 3
Tính đến nay, Evergrande đã phát triển 1.300 dự án BĐS ở 280 thành phố trên khắp các quốc gia châu Á, sở hữu 293 triệu m2 đất ở các thành phố cấp 1 của Trung Quốc (tính đến năm 2020) có trị giá tới 81,34 tỉ USD. (Ảnh: Getty/Bloomberg)

Do những vướng mắc về tài chính và thanh khoản từ năm 2020 nên nửa đầu năm 2021, hoạt động kinh doanh phát triển BĐS của Evergrande bị lỗ khoảng 620 triệu USD. Cùng với đó là mảng xe điện lỗ khoảng 740 triệu USD. Tổng nợ phải trả vào cuối tháng 6 của tập đoàn này lên đến 300 tỉ USD khiến Evergrande trở thành tập đoàn BĐS vay nợ nhiều nhất thế giới. Thậm chí riêng trong tuần cuối tháng 9, Evergrande phải trả hơn 131 triệu USD tiền lãi trái phiếu.

Evergrande đang cố gắng bán đi các tài sản như dự án đầu tư và cổ phần tại các công ty về xe điện, quản lý tài sản để tự cứu lấy mình. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, có lẽ các nhà đầu tư sẽ không dám chạm tay vào những khoản đầu tư quá rủi ro này. Hoặc nếu dám thì họ cũng sẽ chờ đợi đến khi có thể mua tài sản với giá bán tháo nếu như Evergrande thật sự “tắt thở”.

Đối với chính quyền Bắc Kinh, việc cứu hay không cứu Evergrande là một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Bởi nếu cứu thì các doanh nghiệp lớn làm ăn thất bát sẽ ỷ lại chính phủ. Nhưng không cứu thì hệ thống tài chính quốc gia sẽ phải chịu một áp lực cực lớn và tổn hại sâu rộng đến nền kinh tế Trung Quốc, thậm chí gây ra khủng hoảng nghiêm trọng...

Theo Reuters, CNBC, Bloomberg, WSJ
MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.