VN-Index chao đảo vì thông tin 'bom nợ' Evergrande

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chứng khoán toàn cầu chao đảo trước "bom nợ" Evergrande, từ Trung Quốc, Hong Kong, đến các thị trường châu Âu, Mỹ đã tác động không nhỏ đến VN-Index trong phiên hôm nay. Có thời điểm, chỉ số chung mất tới hơn 20 điểm. 

Sắc đỏ bao trùm toàn thị trường ngay từ đầu phiên, VN-Index có thời điểm mất hơn 20 điểm khi loạt cổ phiếu vốn hoá lớn lao dốc. Qua giờ nghỉ trưa, lực cầu quay trở lại, giúp chỉ số chính thu hẹp đà giảm. Kết phiên, VN-Index giảm hơn 10 điểm xuống 1.339 điểm, còn VN30-Index mất hơn 12 điểm.

Rổ VN30 có 25 mã giảm áp đảo 4 mã tăng. VHM, VCB, VIC, 3 mã vốn hoá lớn nhất thị trường đồng loạt giảm giá, lấy đi của VN-Index tới 5 điểm. GVR, HPG, VRE, CTG, BCM, VPB, GAS diễn biến kém tích cực, gây áp lực lên chỉ số.

Trong khi nhiều mã, ngành trụ cột như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán đồng loạt giảm, gây khó cho chỉ số, phiên hôm nay nổi lên điểm sáng ở nhóm dầu khí với các mã PVD, PVS, PVC, OIL ngược dòng bứt phá. Trên UPCoM, PXT tăng trần 14%.

Nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng giao dịch đáng chú ý trong phiên hôm nay. Nhóm ngành thép có NKG, HSG, TLH giữ sắc xanh, cùng với cổ phiếu xi măng như BCC, HOM, BTS. Với nhóm cổ phiếu lớn BVH, MSN, MWG, VIB, OCB, DGC giao dịch tích cực, một phần kìm hãm đà giảm của chỉ số.

Trong khi cổ phiếu lớn điều chỉnh, thì nhóm nhỏ, vừa, đặc biệt là cổ phiếu thị trường vẫn hút dòng tiền đầu cơ. Ở “họ” Louis, TGG tăng trần 7%, DDV, SMT tăng trên 2%. Tuy nhiên, AGM lại giảm sàn, trắng bên mua sau khi Louis Capital (TGG) đăng ký bán tổ bộ cổ phiếu tại AGM. Thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 23/9 - 20/10, qua phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn. Một số mã penny SHA, JVC, MCG, FTM, OGC, QBS, HVX, LCM đồng loạt tăng trần. Nhóm FLC vẫn trụ vững sắc xanh, trừ GAB, ROS giảm nhẹ dưới tham chiếu.

Kết phiên, VN-Index giảm 10,64 điểm xuống 1.339,84 điểm. UPCoM-Index giảm 0,68 điểm xuống 96,77 điểm. HNX-Index là chỉ số duy nhất tăng nhẹ, lên 358,98 điểm.

Dù lực cầu quay lại trong phiên chiều, có thời điểm đưa chỉ số về sát tham chiếu, nhưng thanh khoản toàn phiên vẫn giảm nhẹ so với phiên trước đó. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 27.628 tỷ đồng, giảm 5,5%. Giá trị khớp lệnh trên HoSE giảm xuống 21.950 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng khoảng hơn gần 365 tỷ đồng.

“Bom nợ” Evergrande tác động tiêu cực đến thị trường toàn cầu, từ Trung Quốc, Hong Kong tới các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu. Phiên đầu tuần, cổ phiếu của China Evergrande Group giảm 0,44%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm hơn 3% trong bối cảnh lo ngại của các nhà đầu tư xung quanh Evergrande.

Phiên 20/9, S&P 500 ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất trong khoảng 4 tháng qua, chỉ số mất 1,7%. Chỉ số Dow Jones giảm 614 điểm trong phiên giao dịch hôm qua và đóng cửa ở mức 33.970,47, dẫn đến mức giảm ròng 1,78%. Chỉ số NASDAQ mất 2,19%

Thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng giảm điểm trong phiên quay trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ thứ 2. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa giảm 2,17% xuống 29.839,71 do cổ phiếu của tập đoàn Softbank Group giảm 4,98%. Chỉ số Topix giảm 1,7% xuống 2.064,55.

Trên Financial Times, những lo ngại về Evergrande cũng xuất hiện đồng thời khi các nhà đầu tư thận trọng hơn với thị trường chứng khoán, khi các chỉ số tại Mỹ và toàn cầu đã nhiều lần lập đỉnh năm nay. Những lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại, tác động của biến thể Delta và khả năng các ngân hàng trung ương bắt đầu thắt các biện pháp kích thích… ảnh hưởng phần nào đến tâm lý nhà đầu tư

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.