Thành phố Thủ Đức gặp khó về nhân sự

0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ TP Thủ Đức giải quyết thủ tục hành chính cho người dân
Cán bộ TP Thủ Đức giải quyết thủ tục hành chính cho người dân
TPO - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn về nhân sự vì sau sáp nhập, cán bộ xin nghỉ việc rất nhiều, trong khi số biên chế theo đề án thành lập thành phố không đủ đáp ứng nhu cầu vận hành bộ máy…

Ngày 10/12, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đã tổ chức giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 -2021 tại TP Thủ Đức.

Tại buổi giám sát, Chủ tịch UBND phường An Khánh Hồ Hải Phong cho biết, sau khi sáp nhập phường Bình An và Bình Khánh thành phường An Khánh, khối lượng công việc rất lớn, lực lượng bán chuyên trách lương thấp, không có chế độ nên nghỉ việc rất nhiều.

Theo ông Phong, tổng thu nhập của cán bộ bán chuyên trách khoảng 3-4 triệu đồng/tháng nên nhiều người không an tâm công tác. Sau khi sáp nhập, nhiều cán bộ xin nghỉ việc. Số lượng hồ sơ hành chính nhiều trong khi con người ít hơn trước.

“Sau sáp nhập, việc tiếp cận, chuyển giao hồ sơ, công việc tồn đọng của phường cũ rất khó khăn do cán bộ cũ rút đi, cán bộ mới phải nắm bắt lại công việc”, ông Phong chia sẻ.

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng chia sẻ, TP Thủ Đức hiện vẫn vận hành như một đơn vị hành chính cấp huyện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trừ việc vẫn còn tổ chức HĐND.

Thành phố Thủ Đức gặp khó về nhân sự ảnh 1

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng báo cáo với đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM

"Trong tất cả quy định có liên quan đều phải tuân thủ về tổ chức bộ máy nhân sự. Đây là hạn chế lớn nhất khi sáp nhập. Công việc, con người tăng nhưng đầu mối giảm. Để vận hành TP Thủ Đức xứng đáng với kỳ vọng khi thành lập thì cần một cơ chế", ông Tùng nói.

Theo ông Hoàng Tùng, sau khi thành lập TP Thủ Đức, hệ thống hành chính của thành phố đã cơ bản vận hành thông suốt từ tháng 2/2021 đến nay. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là công tác nhân sự.

Cụ thể, theo đề án thành lập, số lượng biên chế hành chính cuối năm 2022 của TP Thủ Đức là 459 người. Số lượng biên chế nói trên không đủ để đáp ứng nhiệm vụ tham mưu, giúp việc trong điều kiện địa bàn quản lý quá lớn và đông dân.

“Trong quy định được Quốc hội duyệt, biên chế TP Thủ Đức còn phải giảm xuống 459 người vào năm 2022. Khi rà soát để tinh giản hay đưa về phường, cán bộ rất trăn trở, thậm chí một số đồng chí xin nghỉ. Hiện nay, bộ máy của TP Thủ Đức có 585 người làm không hết việc, giảm nữa không biết làm sao. Chúng tôi đã nỗ lực hiện đại hóa hành chính công, ứng dụng công nghệ thông tin nhưng nếu tiếp tục vận hành như hiện nay thì rất áp lực”, ông Tùng cho hay.

Người đứng đầu chính quyền TP Thủ Đức cho biết UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Nội vụ xây dựng đề án phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức. Tuy nhiên, về lâu dài, ông cho rằng Quốc hội cần có một cơ chế riêng cho Thủ Đức.

Theo ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, Thủ Đức đang phải quản lý lượng dân số tương đương bình quân một tỉnh nhưng bộ máy thì chưa phải một tỉnh nên chắc chắn dẫn đến quá tải.

Theo ông Nhân, năng suất lao động của TPHCM gấp 2,6 lần cả nước. TP Thủ Đức với mục tiêu phát triển cao nhất TP.HCM, thì năng suất cũng phải gấp ít nhất 3 lần cả nước. Như vậy, với 1,2 triệu dân, quy mô kinh tế của TP Thủ Đức phải tương đương 3,6 triệu dân nên cần có đủ nhân sự để phục vụ cho việc vận hành.

Thành phố Thủ Đức gặp khó về nhân sự ảnh 2

Đoàn giám sát làm việc với TP Thủ Đức sáng 10/12

"Chúng ta không đòi biên chế nhiều hơn, thu nhập cao hơn một cách phi lý, mà đó là điều kiện cho một bộ máy kinh tế của địa phương có tiềm năng gấp 3 lần cả nước", ông Nhân nhấn mạnh.

Để giải bài toán nhân sự, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng lãnh đạo TP Thủ Đức cần có chính sách khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, làm việc hiệu quả cao bằng cách chi thêm phụ cấp trách nhiệm.

Tại buổi giám sát, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết cho biết trong năm nay, TPHCM sẽ tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội và đề xuất cơ chế đặc thù, trong đó sẽ có phần cơ chế riêng cho TP Thủ Đức.

MỚI - NÓNG