Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VII:

Thanh niên với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số

TPO - Trong khuôn khổ Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VII, diễn đàn trực tuyến "Thanh niên với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số" đã thu hút nhiều thông điệp ý nghĩa và đề xuất ý tưởng quảng bá văn hóa từ các đại biểu, trong đó có hình thức quảng bá từ hoạt động sáng tạo nội dung số. 
Thanh niên với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số ảnh 1

Quảng bá văn hóa trực tuyến "xuyên biên giới"

Là một cô gái dân tộc Tày, khi đến với Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, chị Vi Thị Khuyên - Uỷ viên BTV Huyện Đoàn Đình Lập, Bí thư đoàn Trường THPT huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn đã có cơ hội chia sẻ những trăn trở về việc lưu giữ giá trị và quảng bá văn hóa tại diễn đàn trực tuyến.

Chị Khuyên nhận thấy một số ngôn ngữ truyền thống đang bị lãng quên, như người dân tộc nhưng không biết nghe, không biết nói tiếng dân tộc mình...; hay một số nghệ thuật truyền thống đang dần biến mất, một số lễ hội truyền thống không còn thu hút sự quan tâm của giới trẻ.

Chị Khuyên đề xuất, thanh niên "bản địa số" cần dựa vào sự nhạy bén, linh hoạt trong ứng dụng công nghệ thông tin để sáng tạo nội dung trực quan, âm nhạc, phim ảnh, video, blog… và các ứng dụng số để thể hiện giá trị văn hóa dân tộc.

"Văn hóa truyền thống sẽ sống động và hữu ích hơn khi chúng ta ứng dụng công nghệ số để lưu giữ, truyền tải và lan tỏa những di sản, văn hóa lâu đời tới bạn bè quốc tế", chị Khuyên nói.

Thanh niên với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số ảnh 2

Chị Vi Thị Khuyên được Trung ương Đoàn trao tặng danh hiệu "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" cấp trung ương năm 2022.

Thanh niên với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số ảnh 3

Đại biểu hào hứng tham quan, trải nghiệm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Thanh niên với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số ảnh 4Thanh niên với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số ảnh 5

Từ chuyến đi trải nghiệm, tham quan Bảo tàng Dân tộc học, đại biểu có thêm kiến thức về một bức tranh thu nhỏ của đồng bào 54 dân tộc tại Việt Nam với nhiều hiện vật được trưng bày như trang sức, y phục, tôn giáo, nhạc cụ, tín ngưỡng…

Không phủ nhận những tín hiệu tích cực từ hoạt động quảng bá văn hóa trên các nền tảng số, song, chị Nguyễn Thị Ngọc Anh - Trường ĐH Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội lưu ý thêm về những "điểm mờ" cần được quản lý triệt để.

Theo chị Ngọc Anh, việc vươn xa, hòa vào dòng chảy chung, vô tình áp đặt một số giá trị văn hóa ngoại lai vào Việt Nam. Len lỏi vào văn hóa dân tộc những giá trị văn hóa theo khuynh hướng xã hội công nghiệp hiện đại, chủ nghĩa thực dụng kinh tế, lối sống hưởng thụ, khát vọng tiền tài, tư tưởng vị kỷ...

"Những bộ phim tư liệu, bài viết về lịch sử, câu chuyện tốt dễ bị lu mờ trước sức hút của một số video TikTok về văn hóa phẩm tiêu cực. Hay sự ảnh hưởng ngày một mạnh mẽ của những đối tượng xấu dưới danh nghĩa “idol”, “KOL”...", chị Ngọc Anh nêu.

Thanh niên với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số ảnh 6

Việc tham quan, trải nghiệm thực tế giúp đại biểu trẻ củng cố kiến thức để tuyên truyền cho thanh niên địa phương.

Tạo ra những sản phẩm mới nhưng mang dấu ấn riêng của dân tộc

Nhận diện ưu điểm trong kỷ nguyên số và định hướng thêm các giải pháp quảng bá văn hóa, chị Nguyễn Thị Bích Phượng - Phó Bí thư Đoàn Trường, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Nha Trang, tỉnh Đoàn Khánh Hòa, đã có tham luận sôi nổi tại diễn đàn trực tuyến.

Chị Phượng cho rằng, kỷ nguyên số giúp cho việc sưu tầm, bảo tồn, phổ biến và truyền bá các giá trị văn hóa dân tộc trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Công nghệ số cho phép lưu trữ, sao chép, trao đổi và truy cập các tài liệu văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống một cách nhanh chóng và tiện lợi.

Các sản phẩm văn hóa như sách, băng đĩa, phim ảnh, âm nhạc... được sản xuất và phát hành rộng rãi nhờ vào công nghệ số. Các di sản văn hóa được bảo tồn và tái hiện bằng các công nghệ kỹ thuật số như 3D, VR, AR... giúp cho người xem có những trải nghiệm mới mẻ và sinh động.

Thanh niên với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số ảnh 7

Bạn trẻ năng động vận dụng công nghệ số sẽ giúp cho hoạt động quảng bá văn hóa hiệu quả, lan tỏa rộng rãi hơn.

Thanh niên với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số ảnh 8

Đoàn đại biểu Ninh Thuận tạo dáng bên nhà Chăm ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Theo chị Phượng, công nghệ số là một công cụ quan trọng để khơi dậy và thể hiện khả năng sáng tạo của con người trong các lĩnh vực nghệ thuật, thiết kế, kiến trúc... Các nghệ sĩ có thể sử dụng các phần mềm, thiết bị số để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật độc đáo và ấn tượng.

"Các nhà khoa học có thể áp dụng các công nghệ số để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm văn hóa có tính khoa học cao. Các doanh nghiệp có thể kết hợp các yếu tố văn hóa dân tộc vào các sản phẩm công nghiệp để tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn riêng của Việt Nam", chị Phượng nói.

Ngoài ra, cộng đồng mạng có thể sáng tạo và lan tỏa các nội dung văn hóa số như meme, sticker, video, game... để thể hiện quan điểm, cảm xúc và nhận thức của mình về các vấn đề xã hội.

Theo anh Nguyễn Minh Triết - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Đại hội lần này có nhiều điểm mới với dấu ấn chuyển đổi số trong công tác tổ chức, như: Triển khai nhiều tiện ích để đại biểu tra cứu thông tin về Đại hội và tự động gửi thông điệp tới Đại hội bằng hình thức trực tuyến; sản xuất Kỷ yếu điện tử “Gương sáng thanh niên”… Đặc biệt là tổ chức 6 diễn đàn với 6 chủ đề khác nhau, dưới hình thức trực tuyến, bắt đầu từ ngày 19/9 và kéo dài cho đến hết Đại hội.

Tin liên quan