Nguyễn Đình Đức (24 tuổi) đang hoạt động trong nhóm xe ôm ở bến xe Mỹ Đình (Hà Nội). Tốt nghiệp trường kinh tế ở thủ đô với tấm bằng loại khá gần 2 năm nay nhưng Đức vẫn chật vật tìm việc. Cách đây hơn một năm, cậu tìm được việc làm trong một công ty xuất nhập khẩu với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng. Ban đầu, công ty yêu cầu thử việc 3 tháng mới ký hợp đồng.
Hết thời hạn, Đức háo hức chờ được ký nhưng sau kéo dài đến 6 tháng rồi gần một năm. Sau đó, cấp trên nói công ty khó khăn, tinh giản nhân sự nên không có nhu cầu tuyển mới. Biết không có cơ hội, Đức nộp hồ sơ sang một số nơi nhưng thấy không phù hợp, có nơi yêu cầu kinh nghiệm, nơi thì trái ngành học. Hơn nửa năm nay, ngày Đức chạy xe ôm, tối lại đi học thêm một lớp trung cấp tiếng Nhật với dự định học xong sẽ xin đi dạy.
Cậu chia sẻ, công việc khó khăn nên nhiều ngày lễ không dám về quê vì sợ tốn kém. Về nhà cũng ngại gia đình hỏi thăm nên chỉ nói dối là đang đi làm, mọi việc vẫn ổn. "Giờ chạy xe ôm hơi vất vả nhưng mỗi tháng em kiếm được hơn 5 triệu đồng, chi tiêu tằn tiện thì đủ tiền nhà, tiền ăn và lo cho việc học", Đức nói.
Bốn cô gái Nguyễn Thị Huệ, Nông Thanh Ngọc, Triệu Thị Linh Chi và Giáp Huyền Trang (Lạng Sơn) chơi thân với nhau, học chung phổ thông rồi cùng tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Sau gần 2 năm ra trường không kiếm được việc làm, các cô "đầu quân" làm công nhân tại khu công nghiệp, sau đó bỏ việc về quê đăng ký học trung cấp mầm non tại Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn.
"Có lẽ sau khi học mầm non ra trường bọn em còn có cơ hội kiếm được việc làm. Nếu không thi vào viên chức thì cũng xin vào làm trong các nhà trẻ tư nhân, dù lương không cao nhưng vẫn ổn định hơn làm công nhân, chấp nhận mất thêm một năm nữa nhưng phía trước là cả cuộc đời", Ngọc (24 tuổi) cười buồn nói.
Tốt nghiệp ngành sư phạm Văn - Địa, Ngọc ở nhà giúp gia đình làm nông một thời gian rồi theo bạn bè đi làm công nhân tại Bắc Ninh. Lúc mới đỗ đại học, Ngọc cũng háo hức lắm bởi đó là mơ ước từ ngày thơ ấu nhưng càng gần ngày ra trường cô càng lo lắng về công việc sau này. Sức khỏe không tốt nên sau 2 tháng làm công nhân Ngọc bỏ về đi học trung cấp.
Cùng tốt nghiệp với Ngọc, Huệ cũng "lông bông" 2 năm rồi đi làm công nhân thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu tại Hưng Yên. Có chỉ tiêu thi viên chức cô đều đăng ký nhưng đều không đậu. "Đỗ đại học mình cũng chỉ biết học thôi, cũng không nghĩ ra trường tìm việc lại khó khăn như thế. Vị trí làm việc thì ít mà cử nhân thì nhiều, thậm chí có người bằng giỏi còn không thi đỗ viên chức. Hoang mang về tương lai quá", Huệ thở dài nói.
Cô nhẩm tính, 4 năm học hết khoảng 100 triệu đồng, bố mẹ phải chắt chiu nhiều lắm. Hiện tại, để có tiền học trung cấp mầm non, cả 4 cô gái phải tự tìm việc làm thêm. "Lúc thì chạy bàn ăn, lúc làm phục vụ quán bia, có thời gian còn làm thêm tại cửa hàng bán hoa tươi, 1-2h sáng mới về là chuyện bình thường. Cố gắng chi tiêu tiết kiệm, chứ ngửa tay xin bố mẹ thì thẹn lắm", một cô trong nhóm nói và cho hay, lớp cử nhân tốt nghiệp năm ấy nhiều người cũng đang chọn học tiếp trung cấp mầm non hoặc chuyển qua học ngành khác như lễ tân, nấu ăn...
Năm 2013, một thạc sĩ tốt nghiệp loại giỏi ở Đà Nẵng 3 năm không xin được việc làm khiến cố Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh tự tay bút phê xin việc . Ảnh: Nguyễn Đông.
Khác những cử nhân mới ra trường loay hoay tìm việc làm, nhiều người có bằng đại học, có công việc nhưng gặp khó khăn đành đi học tiếp trung cấp để chuyển việc. Lương Thu Hoài (28 tuổi) tốt nghiệp bằng khá cử nhân Quản trị doanh nghiệp của Đại học Thương mại. Chị học tiếp thêm 2 năm để lấy bằng thạc sĩ rồi đi dạy ở một trường trung cấp kinh tế kỹ thuật tại Hà Nội. Dạy được vài năm, công việc khó khăn, chị chuyển sang học trung cấp dược sĩ.
Hoài dự định, khoảng 6 tháng nữa tốt nghiệp sẽ kinh doanh dược phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Trường trung cấp kinh tế nơi chị đang dạy hai năm nay không tuyển được học viên vì các em chọn cao đẳng, đại học, các lớp học cứ thưa vắng dần. Những lớp trung cấp cuối cùng đến tháng 5 này là tốt nghiệp. Lương cho giáo viên như chị chỉ dao động 5-7 triệu đồng nên không thể sống thoải mái giữa thủ đô.
Chị Hoài tin rằng việc kinh doanh sẽ khả thi vì mẹ làm trong bệnh viện, có nhiều mối quan hệ, bản thân tìm hiểu trước về xu hướng ngành dược rồi mới quyết định học trung cấp. "Nhiều người cứ nghĩ đi học dược là bán thuốc nhưng không phải, mình có thể hướng đến những dịch vụ chăm sóc sức khỏe con người. Lĩnh vực này ở Việt Nam mấy năm nay bắt đầu phát triển nên mình tin công việc sẽ ổn thôi", chị nói.
Hàng trăm người xếp hàng kín vỉa hè để nộp hồ sơ thi công chức vào Cục Thuế Hà Nội năm 2014. Ảnh: Phương Sơn.
Thạc sĩ Lê Hồng Khanh, Phó hiệu trưởng trường Trung cấp y dược sĩ Hà Nội cho biết, trường có khoảng 1.000 học viên thì có khoảng 50% người học văn bằng 2 đã có bằng đại học. Độ tuổi trung bình của sinh viên là 25, nhiều người ra trường thất nghiệp vài năm rồi đi học tiếp trung cấp.
Lý do họ đi "liên thông ngược" rất đa dạng, đa phần là trước đây đổ xô vào học nhóm ngành thời thượng, như kinh tế, tài chính, ngân hàng, sư phạm… Sau này, nền kinh tế suy thoái dẫn đến việc làm khó khăn, các công ty tuyển dụng gắt gao, sa thải hàng loạt hoặc yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao hơn, nhiều người không đáp ứng được bắt buộc phải đi học trung cấp để chuyển ngành hoặc "đánh bóng" thêm bằng cấp. Cũng có người trẻ ra trường chưa xin được việc làm ngay, có thời gian rảnh rỗi nên đi học thạc sĩ.
Ông Khanh dự đoán, vài năm tới xu hướng người đi học trung cấp để chuyển đổi ngành sẽ còn gia tăng nếu vẫn đào tạo đại học tràn lan như hiện nay. Về lâu dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động Thương binh Xã hội cần có những quyết sách hợp lý để giảm bớt việc học sinh đổ xô vào các ngành học đã quá nóng, đến khi ra trường thì lại bão hòa, khó tìm việc.
"Hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp là một thực tế cảnh tỉnh học sinh. Những em không đủ sức học đại học thì có thể đi học nghề hoặc chọn đường khác, đừng nhất thiết đổ xô đi đại học để rồi lại giấu bằng đi học trung cấp hoặc làm công nhân. Tấm bằng đại học giờ không còn là cần câu cơm hữu hiệu như nhiều năm trước", ông nói.
192.500 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, hết tháng 3/2016 cả nước có 192.500 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, chiếm gần 1/5 tổng số người thất nghiệp của cả nước. Trước đó, con số này là gần 156.000 người tính đến cuối năm 2015.
Báo cáo cũng nêu, số thất nghiệp quý đầu năm là trên 1,1 triệu người, với 48% trong độ tuổi từ 15 đến 24. Ở nhóm thanh niên, tỷ lệ thất nghiệp trên toàn quốc là 6,47%, cao gấp 5 lần thống kê chung dành cho những người trên 25 tuổi. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở khu vực thành thị với 9,51%, tức là cứ 10 thanh niên trong lực lượng lao động ở khu vực thành thị thì có gần một người thất nghiệp.