Tên lửa Bulava gia tăng sức mạnh hạt nhân chiến lược của Nga ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
Nga sẽ trang bị tên lửa Bulava cho các tàu ngầm hạt nhân mới thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, nhằm tăng cường sức mạnh tấn công răn đe của các lực lượng hạt nhân chiến lược.

Trang bị Bulava cho tàu ngầm mới

Chuẩn đô đốc Arkady Navarsky, người đứng đầu lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Thái Bình Dương (Nga) mới đây cho biết, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa R-30 Bulava của Nga là bất khả xâm phạm đối với bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào.

Theo đó, trong tương lai gần Hạm đội Thái Bình Dương sẽ nhận thêm 2 tàu ngầm Đề án 955 Borei-A, trang bị tên lửa đạn đạo này. Ngoài ra, 2 tàu ngầm hạt nhân khác thuộc Dự án 885M Yasen-M cũng sẽ sớm đi vào hoạt động.

Chuẩn Đô đốc Navarsky cho biết: Theo kế hoạch trang bị vũ khí, trong những năm tới, hạm đội của chúng tôi có kế hoạch được tăng cường với các tàu ngầm hạt nhân mới, điều này sẽ tăng cường đáng kể thành phần hải quân của Lực lượng Hạt nhân Chiến lược Nga. Chúng tôi mong đợi sự xuất hiện của 4 tàu ngầm mới (2 chiếc lớp Borei và 2 chiếc lớp Yasen).

"Việc chế tạo các tàu ngầm này đã gần như hoàn thành. Một số trong số chúng đã tham gia các cuộc thử nghiệm trên biển”, Chuẩn Đô đốc Navarsky nói.

Tên lửa Bulava gia tăng sức mạnh hạt nhân chiến lược của Nga ra sao? ảnh 1
Tên lửa đạn đạo Bulava phóng từ vị trí dưới mặt nước. Ảnh: globallookpress.com

Ông Navarsky nhấn mạnh, ưu điểm chính của Bulava là dễ bảo trì và khả năng cơ động trong điều kiện tăng cường. Đồng thời, các tàu ngầm mang tên lửa Bulava được trang bị các loại khí tài, hệ thống quan sát và vũ khí hiện đại nhất hiện nay. Tên lửa Bulava khả năng phóng trên bề mặt và phóng từ dưới lớp băng, giúp tăng cường đáng kể khả năng sức mạnh của các lực lượng hạt nhân chiến lược Liên bang Nga.

Lịch sử chế tạo

Liên Xô bắt đầu nghiên cứu tên lửa đạn đạo cho lớp tàu ngầm thế hệ thứ 4 lớp Borei vào cuối những năm 1980. Ban đầu, tên lửa Bark được phát triển để sử dụng trên các tàu ngầm hạt nhân này. Nó được phát triển dựa trên tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu lỏng ba tầng R-39R, vốn sử dụng để trang bị cho các tàu ngầm mang tên lửa chiến lược thuộc Đề án 941 Akula – lớp tàu ngầm lớn nhất thế giới hiện nay.

Dự án này được thực hiện bởi doanh nghiệp nhà nước KB Mashinostroeniya. Tuy nhiên, 3 lần phóng thử đầu tiên của R-39UTTKh Bark đều không thành công, do trọng lượng của tên lửa cao hơn so với yêu cầu kỹ thuật. Để sử dụng hiệu quả, toàn bộ dự án tàu ngầm Borei sẽ phải thực hiện lại.

Năm 1998, công việc của dự án tên lửa Bark bị đình trệ. Việc phát triển một tên lửa mới cho lớp tàu ngầm Borei, sau đó đặt tên là Bulava, được giao cho Viện Kỹ thuật Nhiệt Mátxcơva, đơn vị tạo ra tên lửa Topol và Topol-M.

Từ đầu những năm 1990, Viện Kỹ thuật Nhiệt Mátxcơva đã tham gia vào việc thiết kế sơ bộ tên lửa đạn đạo phóng từ biển. Để đẩy nhanh tiến độ công việc, các nhà thiết kế đã từ bỏ việc phóng từ giá đỡ chìm đặc biệt.

Sau các cuộc thử nghiệm thành công với mô hình tên lửa Bulava, nhà phát triển quyết định tiến hành phóng thử nghiệm từ tàu ngầm Dmitry Donskoy thuộc dự án Akula hiện đại hóa.

Năm 2004, các thử nghiệm đã được thực hiện từ một vị trí dưới nước. Sau đó vào năm 2005, tiếp tục thực hiện các vụ phóng thử nghiệm từ trên bề mặt và dưới nước.

Lúc bấy giờ, Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Nga Sergei Ivanov đã thông báo, tên lửa Bulava sẽ được đưa vào trang bị vào cuối năm 2007. Tuy nhiên, việc tiếp nhận Bulava đã bị hoãn lại do một số vấn đề kỹ thuật trong các lần phóng sau đó.

Kể từ năm 2011, các vụ phóng tên lửa đã được thực hiện từ tàu ngầm Yuri Dolgoruky, tàu ngầm chủ lực của Dự án 955 Borei, và đến năm 2013 nó mới được đưa vào biên chế.

Tên lửa Bulava gia tăng sức mạnh hạt nhân chiến lược của Nga ra sao? ảnh 2
Tàu ngầm hạt nhân Dự án 955A Borey-A sẽ trang bị tên lửa Bulava. Ảnh: globallookpress.com

Tăng cường sức mạnh hạt nhân chiến lược

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa R-30 Bulava là loại tên lửa động cơ đẩy chất rắn 3 tầng, mang 6 đầu đạn dẫn đường riêng lẻ. Các đặc tính kỹ chiến thuật của nó vẫn chưa được tiết lộ chính thức. Theo thông tin ban đầu, tầm bay của tên lửa là 10.000 km, trọng tải 1,1 tấn, độ lệch mục tiêu có thể xảy ra là từ 120 - 350 m.

Các chuyên gia cho rằng, một trong những ưu thế chính của tên lửa Bulava là khả năng phóng “khô”, tức là trước khi phóng, bệ tên lửa cất cánh không chứa đầy nước. Điều này giúp giảm khả năng tàu ngầm bị phát hiện bằng thiết bị thủy âm của đối phương.

Một ưu điểm quan trọng khác của R-30 Bulava là khả năng phóng từ dưới lớp băng ở Bắc Cực. Để so sánh, các tàu ngầm Dự án 667 được trang bị tên lửa đẩy chất lỏng R-29RMU2 Sineva và R-29RMU2.1 Liner chỉ có thể bắn sau khi phá băng.

Theo chuyên gia tờ Nezavisimoye Voennoye Obozreniye Dmitry Litovkin, tên lửa Bulava phóng nhanh hơn nhiều so với tất cả các tên lửa tiền nhiệm.

“Phần cơ động của chúng kéo dài chỉ 5 phút, điều này gây khó khăn cho việc sử dụng hệ thống đánh chặn tên lửa. Hơn nữa, tên lửa thực sự linh hoạt, có thể vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa ở giai đoạn thứ 2. Ở giai đoạn thứ 3, khi các đầu đạn hạt nhân đi vào bầu khí quyển, chúng di chuyển với tốc độ siêu thanh, khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa, về nguyên tắc, không thể nhìn thấy được”.

Đồng thời, khả năng phóng dưới băng khiến việc phát hiện tàu ngầm từ vệ tinh trở nên khó khăn, chuyên gia Litovkin cho biết thêm. Theo đó, việc phóng từ dưới lớp băng là một khả năng bí mật bổ sung, giúp không thể bị phát hiện và việc sử dụng vũ khí của nó không thể bị ngăn chặn.

Chuyên gia quân sự Yuri Knutov nhận định, theo truyền thống ở Liên Xô, tất cả các tên lửa như vậy đều chạy bằng nhiên liệu lỏng. Năng lượng cung cấp tốt hơn và phạm vi bay cao hơn.

Tuy nhiên, chính điều này làm phức tạp đáng kể việc phóng và cất giữ tên lửa, và có nhiều khó khăn kỹ thuật trong vận hành. Do đó, việc chế tạo một tên lửa đẩy chất rắn là một bước đột phá thực sự.

Ngoài ra, Bulava rất cơ động, hầu như không thể thiết lập kế hoạch về điểm tiếp xúc giữa tên lửa đánh chặn với mục tiêu. Tên lửa cũng có một đầu đạn phân mảnh, khiến hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương có thể nhầm lẫn và không thể phân biệt được đầu đạn thật với đầu đạn giả.

Ngoài ra, khả năng phóng “khô” cũng mang lại cho tàu ngầm lợi thế đáng kể về thời gian phóng so với tàu ngầm hạt nhân chiến lược của các cường quốc khác.

Ông Yuri Knutov cho biết thêm, việc trang bị tên lửa Bulava cho các tàu ngầm chiến lược của Hạm đội Thái Bình Dương sẽ tăng cường đáng kể thành phần sức mạnh của bộ ba hạt nhân Liên bang Nga.

“Bây giờ chúng ta có thể tấn công từ các vị trí mà kẻ thù không ngờ. Hơn nữa, trang bị (tên lửa Bulava) cho các Hạm đội phương Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương khiến việc theo dõi và đánh chặn chúng trở nên khó khăn hơn nhiều. Tiềm lực của chúng ta đang tăng lên đáng kể, vì tên lửa và tàu ngầm mới cho phép chúng ta hướng vào các mục tiêu quan trọng nhất của kẻ thù tiềm tàng”, chuyên gia quân sự kết luận.


Link gốc: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/ten-lua-bulava-gia-tang-suc-manh-hat-nhan-chien-luoc-cua-nga-ra-sao-675975

Theo Quân đội nhân dân
MỚI - NÓNG