Tệ nạn miệt thị ngoại hình

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trước nay chúng ta thường cho rằng, miệt thị ngoại hình (body shaming) thường chỉ “ảnh hưởng sâu sắc” đến những người trẻ ít kinh nghiệm sống. Thực tế, một số khảo sát mới đây đã chỉ ra rằng, nạn nhân của miệt thị ngoại hình có thể là bất cứ ai trong chúng ta, kể cả trí thức và nghệ sỹ nổi tiếng .

Trí thức cũng là nạn nhân

Tình cờ, chỉ trong vòng 3 tháng, bác sĩ tâm lý Nguyễn Hà Trang đã tiếp nhận 11 bệnh nhân trầm cảm từ thể nhẹ đến nặng có nguyên nhân sâu xa từ việc bị miệt thị ngoại hình (body shaming). Chị Trang cho biết: “Họ đều là trí thức, có người bằng cấp rất cao và đa số không ý thức được cơn trầm cảm của mình bắt đầu từ body shaming. Có người bị ám ảnh từ nhỏ. Có người bị chính người yêu của mình miệt thị một cách tinh vi. Có người bị lời nhận xét vô tâm của người khác ám ảnh... Vì đều có trình độ văn hóa cao, họ không nghĩ tâm lý của mình bị ảnh hưởng bởi những nhận xét “từ phía bên ngoài”. Phải mất rất nhiều thời gian chúng tôi mới tìm ra nguyên nhân sâu xa này”.

Tiến sĩ Nguyễn Th T (34 tuổi) là người duy nhất trong số 11 người đồng ý chia sẻ câu chuyện của mình với báo chí. Chị T cho biết: tình yêu đầu của chị là một người rất hài hước và có trình độ cao. Ở tuổi mới lớn, chị T bị mụn trứng cá thể nặng và để lại nhiều sẹo lõm trên mặt. “Bình thường tôi không để ý những vết sẹo ấy, cho đến một hôm, người yêu tôi kể câu chuyện một nhà văn nhận xét gương mặt một nhà văn khác: người ta thường rỗ chíu, riêng anh lại rỗ thẳng hàng! Rồi anh ấy bảo, hóa ra người yêu anh cũng rỗ thẳng hàng”. Câu nói ấy “ăn mòn” T, “ăn mòn” cả tình cảm của hai người. Năm năm sau khi chia tay T vẫn độc thân và không thôi ám ảnh vì chuyện “rỗ thẳng hàng”. Cô tiêu tốn rất nhiều tiền để đi “là phẳng sẹo rỗ” nhưng chưa thành công. Những cố gắng liên tục bị thất bại cộng thêm “một vài cú sốc nhỏ” khiến T stress và phải tìm đến bác sĩ tâm lý.

Chuyên gia khai vấn (life coach) Trần Ngân Hà chia sẻ một trường hợp tương tự: Từ đầu năm đến giờ, tôi gặp ít nhất bốn khách hàng bị tổn thương tâm lý rõ ràng vì bị miệt thị ngoại hình. Những người này đều có vẻ ngoài rất tự tin và thành đạt. Những tổn thương ấy bị họ giấu kín đi, lâu ngày nó không những biến mất mà lại trở thành “điểm mấu chốt” trong ngưỡng chịu đựng của họ. Khi bị khơi ra, bới lên, vết thương bắt đầu “viêm nhiễm và gây sốt”. Trong đó nặng nhất là một giảng viên đại học. Vì mặc cảm mũi tẹt, chị đi nâng mũi. Rồi để cân xứng cho cái mũi mới, chị tiếp tục phải gọt cằm, cắt mí. Khi biết chồng ngoại tình với một cô gái “mũi cao bẩm sinh”, hôn nhân của chị tan vỡ. Hậu ly hôn, chị từng phải điều trị trầm cảm hơn một năm, phải dùng thuốc và liệu pháp tâm lý để có thể ngủ bốn tiếng mỗi đêm.

Kết quả một khảo sát mới đây của nhóm Hỗ trợ nạn nhân Body shaming: có đến 872/ 1.000 phiếu khẳng định họ bị định kiến body shaming khiến tâm lý thiếu tự tin, mặc cảm, nghi ngờ giá trị bản thân, trong đó 431 người tham gia khảo sát có trình độ từ đại học trở lên, 168 người từng phải điều trị tâm lý.

Rất ít người có thể “kệ” dư luận

“Con người là một thực thể xã hội, nghiễm nhiên nó chịu ảnh hưởng của các tác động xã hội, rất ít người thực sự có thể “kệ” dư luận. Hãy nhìn những phong trào ăn kiêng để giảm béo của mọi người gần đây thì thấy. Chúng ta có thể nhận thấy câu cửa miệng “tôi phải giảm cân” từ bất kỳ người nào, kể cả người ấy trông không có vẻ gì là cần giảm cân. Sự lăng xê quá mức của những người mẫu “mình hạc xương mai” và lời cổ xúy “gầy mặc bao tải cũng đẹp” khiến không chỉ phụ nữ mà nhiều đàn ông cũng bị cuộc chiến này cuốn hút. Một câu hỏi vô tâm “dạo này béo thế?” có thể khiến một phụ nữ điên cuồng đi mua thuốc giảm cân. Và ngược lại, một lời khen có vẻ vô thưởng vô phạt “sao trông gầy thế” lại có thể khiến hoocmon hạnh phúc của một người tăng vọt. Rõ ràng sự béo hay gầy giờ đây không còn phụ thuộc nhiều vào sức khỏe và cảm nhận của chính chúng ta, mà chính dư luận đã trao cho nó quyền năng điều chỉnh cảm xúc của chúng ta” – tiến sĩ tâm lý Nguyễn Mai Hoa cho biết.

Một KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) là blogger du lịch nổi tiếng (xin giấu tên) kể về lý do cô trích 10% thu nhập mỗi năm để ủng hộ nhóm Hỗ trợ nạn nhân Body shaming như sau: “Là người đi nhiều (trung bình mỗi năm blogger này đi 5-7 nước khác nhau) tôi phải duy trì một thể lực tương đối, do vậy cân nặng cứ tích lũy dần. Tôi chưa bao giờ hé lộ cảm giác tự ti về ngoại hình của mình trên mạng (dù đã đôi ba lần tình cảm của tôi tan vỡ vì chính chuyện này), ngược lại, tôi còn có thêm thu nhập nhờ làm hình ảnh cho một số thương hiệu thời trang và giầy quá cỡ. Tôi khuyên các bạn cùng cảnh với mình “không việc gì phải xoắn, đời thể nào cũng có người nhìn trúng sự quá cân của ta, song trong thực tế tôi đã nhiều lần muốn giải nghệ, ăn kiêng để có cân nặng của một cô gái bình thường. Cảm giác đi ngược lại các chuẩn mực xã hội không phải lúc nào cũng dễ dàng”.

Tệ nạn miệt thị ngoại hình ảnh 1
Chúng ta thường không ý thức hết được một số nhận xét vô tâm của mình lại có thể khiến người khác tổn thương như thế nào

Cũng theo khảo sát của nhóm Hỗ trợ nạn nhân Body shaming, 97% số người được hỏi cho biết họ ít nhiều đều bị tổn thương vì miệt thị ngoại hình, trong đó tỷ lệ nam giới chiếm 32%.

Lê Hà Nguyệt Sâm (một thành viên của nhóm) cho biết: “Tôi sở dĩ học tâm lý chính là vì khi dậy thì từng khổ sở vì bị miệt thị ngoại hình. Mọi người đều nói hình thể của tôi “cứng quèo” không ra nam không ra nữ. Cho đến khi có một bạn trai ôm tôi và bảo: anh thích em mềm mại thế này, tôi mới hiểu câu nhận xét kia đã ám ảnh mình nhiều thế nào. Lúc ấy tôi chỉ nhớ mình đã khóc đến rối tinh rối mù đến mức bạn trai không hiểu đã làm gì sai. Có lẽ đến giờ anh cũng không biết, chỉ một câu nói đơn giản ấy lại có thể giải phóng tôi như thế nào”.

Kiểu bạo hành “tàn khốc”

Cách đây mấy năm, trong cuộc phỏng vấn Hải Yến Idol, tôi đã rất sốc khi cô chia sẻ nỗi bất bình về kiểu “bạo hành tàn khốc” với ngoại hình của cô. Yến kể: mọi người hỏi em sao không nhận show nhiều vào, ai biết đâu bầu show từ chối em thẳng thừng và nói rằng họ cần ca sĩ đẹp, sexy hơn là hát hay. Khán giả có người bình luận "ca sĩ gì như heo", một số nhà thiết kế cũng từ chối tài trợ cho Yến vì cô “quá béo”... Những động thái ấy gộp lại khiến Hải Yến bị trầm cảm một thời gian dài, cô thậm chí không dám đi sự kiện, không dám giao tiếp với ai vì tự ti...

Tệ nạn miệt thị ngoại hình ảnh 2

Hải Yến Idol từng trầm cảm vì bị miệt thị ngoại hình

Hai ca sĩ hải ngoại Như Quỳnh và Quang Lê cũng từng chia sẻ họ “sốc và hoảng loạn” vì bị fan chê bai về ngoại hình.

Một trong những bệnh nhân đầu tiên của bác sĩ Nguyễn Hà Trang là một bé gái 15 tuổi mắc chứng Quasimodo (một dạng rối loạn mặc cảm về ngoại hình. Thậm chí, có những người mắc bệnh chán ghét, thù hận cơ thể của mình). Để che đi làn da ngăm của mình, cô bé thậm chí dùng móng tay cào rách những phần da lộ ra bên ngoài quần áo. Điều trị tâm lý suốt hai năm, sau đó gia đình buộc phải đưa con sang Singapore học cấp ba để “cách ly với đám bạn lấy tiêu chuẩn da trắng là thước đo nhan sắc”.

Người mẫu Cao Ngân sau khi xuất hiện với thân hình gầy gò (do di chứng của bệnh) trên truyền hình đã bị dân mạng “trù chết” khiến cô “không thể nào quên”.

Cao to như diễn viên Việt Anh cũng trở nên dễ vỡ trước những bình luận “đập thẳng mặt” về ngoại hình của anh sau phẫu thuật thẩm mỹ.

Nói vậy để biết rằng, hậu quả của miệt thị ngoại hình không trừ ai, và dù có là người của công chúng, người từng trải, kiến thức rộng rãi... thì sự tổn thương mà họ phải nhận vẫn nặng nề giống như tất cả chúng ta.

MỚI - NÓNG