Cấm khai thác thông tin thân nhân trong các vụ án
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo sửa đổi Luật Báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho hay, báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình và chất lượng thông tin. Báo chí cũng tích cực phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, các tệ nạn xã hội và đấu tranh giữ vững chủ quyền, lãnh thổ quốc gia...
Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động báo chí thời gian qua bộc lộ những vấn đề đáng lo ngại như: cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; thông tin sai sự thật có chiều hướng ngày càng tăng; xu hướng thương mại hóa chậm được khắc phục; thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục vẫn diễn ra...
Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót trên, ông Son cho rằng, việc sửa đổi Luật Báo chí là hết sức cần thiết. Theo đó, Dự thảo bổ sung nhiều nội dung bị cấm thông tin trên báo chí như thông tin về thân nhân và các mối quan hệ của cá nhân trong các vụ án; vụ việc tiêu cực khi không có căn cứ hoặc chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, làm ảnh hưởng xấu đến đời tư của công dân; thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án...
Về việc thành lập cơ quan báo chí, Dự thảo luật quy định, cơ quan của Đảng; cơ quan Nhà nước; tổ chức chính trị; tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp; tổ chức xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên... được thành lập.
Các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ; bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên được thành lập Tạp chí khoa học.
Quá nhiều cơ quan báo chí dựa vào “bầu sữa” ngân sách
Tán thành với nhiều nội dung trong Dự thảo Luật, nhưng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (gọi tắt là Ủy ban) cho hay, hiện còn quá nhiều cơ quan báo chí do các cơ quan nhà nước thành lập và bao cấp kinh phí hoạt động, làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Do đó, Dự thảo Luật cần quy định theo hướng sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí của cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách nhà nước. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng báo chí mà còn giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, Ủy ban cho rằng, việc Dự thảo Luật quy định đến 7 nội dung cấp giấy phép và 4 nội dung phải thông báo với sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động báo chí là quá nhiều, làm tăng thủ tục hành chính, giảm tính chủ động của cơ quan báo chí.
Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại các quy định về giấy phép và thủ tục thông báo, tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động của các cơ quan báo chí, tăng quyền tự chủ cho các cơ quan báo chí, tạo điều kiện để cơ quan báo chí hoạt động sáng tạo và chủ động, phù hợp năng lực và chiến lược phát triển của họ.
Về quy định “bảo vệ nguồn tin” của báo chí, Ủy ban cho rằng, đây là quy định vô cùng quan trọng đối với người làm báo. Thực tế hiện nay, loại tội phạm nghiêm trọng rất phổ biến và đa dạng. Nếu quy định như Dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Do đó, đề nghị chỉ nên yêu cầu việc tiết lộ nguồn tin đối với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.