Tăng mạnh trẻ cận thị nặng do học trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
TP - Học trực tuyến gần 1 năm do dịch COVID-19, thường xuyên tiếp xúc với thiết bị điện tử, ít hoạt động ngoài trời khiến nhiều trẻ bị cận thị rất nặng.

Bé H.M.Th (11 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) bị cận thị 1,5 đi ốp cả 2 mắt. Nhưng thời gian học trực tuyến do giãn cách vì dịch bệnh khiến cậu bé nhìn mọi thứ nhòe đi. Chị Hạnh, mẹ Th đưa con đi khám mới hốt hoảng khi bác sĩ thông báo mắt trái đã 4,5 đi ốp và mắt phải 5 đi ốp.

Tăng mạnh trẻ cận thị nặng do học trực tuyến ảnh 1

Bác sĩ khám mắt cho trẻ em

Một trường hợp khác mà bé L.M.A (lớp 3, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vốn bị cận từ lớp 1. Mẹ của A thường xuyên cho con tẩm bổ các loại thuốc về mắt, hạn chế cho con xem thiết bị điện tử. Tuy nhiên việc học trực tuyến thì không thể đừng được. Đến khi thấy trên vở con ghi lệch dòng, chữ lúc to lúc nhỏ chị cho con đi khám mới ngỡ ngàng vì bé đã tăng thêm 3 đi ốp cho mỗi mắt.

Để dễ nhớ, cha mẹ có thể nhắc con tuân theo quy tắc 20-20-20. Nghĩa là sau khi nhìn gần trong 20 phút, trẻ nên nhìn ra xa 20 feet - tương đương khoảng 6m trong vòng 20 giây. Đơn giản nhất là sau khoảng 30-45 phút học, trẻ nên cho mắt nghỉ ngơi, nhìn ra xa 3-5 phút. Điều này giúp nhãn cầu không phải điều tiết quá liên tục. Bên cạnh đó có thể tra thuốc nhỏ mắt, đeo kính áp tròng cứng vào ban đêm…

Thạc sĩ Đinh Phương Thủy, Giám đốc điều hành Bệnh viện Đông Đô cho biết, những trường hợp trẻ bị tăng độ cận nhiều sau một năm học trực tuyến như trên không phải hiếm gặp.

“Thông thường khi nhìn ở khoảng cách trên 6 m, mắt sẽ không phải điều tiết nhiều. Ngược lại, khi không đạt khoảng cách này, mắt buộc phải điều tiết nhiều hơn, kéo theo nguy cơ gây ra tật khúc xạ”, bác sĩ Thủy phân tích.

Các bác sĩ cho hay có nhiều trẻ trước đây chưa bị cận nhưng sau một thời gian học trực tuyến bố mẹ nhận thấy con có biểu hiện nháy mắt liên tục, hay nghiêng đầu nên đo mắt mới biết đã bị cận. Lí do vì trẻ bị cận thị, mỏi mắt nhiều nên hay nháy mắt.

Theo bác sĩ Thủy, nguyên nhân khiến nhiều trẻ bị cận thị hoặc tăng độ cận là do phải học trực tuyến liên tục trên máy tính, điện thoại, ánh sáng không đủ, đặc biệt là tác động của ánh sáng xanh từ màn hình led của máy tính, điện thoại, tivi.

Bác sĩ Trần Ngọc Hưng, Trưởng Khoa mắt, Bệnh viện Đông Đô cho biết cứ 10 trẻ tới khám cận thị thì có tới 7-8 trẻ bị tăng độ cận và phải thay kính.

“Thực tế có nhiều trẻ bị cận nhưng mắc thêm các bệnh lí về mắt trong khi nếu chỉ đo tật khúc xạ bằng máy thì sẽ không phát hiện được. Để giúp xác định các tật khúc xạ như: cận thị, viễn thị, loạn thị… thì ngoài đo tật khúc xạ buồng tối để thử thị lực, một số trường hợp phải nhỏ thuốc làm liệt điều tiết mắt để xác định một cách chính xác.

Nếu các cửa hàng kính không thực hiện đúng quy trình và không có các phương tiện để xác định sẽ không chẩn đoán đúng tình trạng bệnh”, bác sĩ Hưng giải thích.

Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết: “Thời lượng làm việc bằng mắt với các loại máy tính, màn hình chỉ được cho phép dưới 5 giờ/ngày. Nhưng với thời gian học trực tuyến thì việc sử dụng máy tính, điện thoại có thể lên đến 7-8 giờ, thậm chí nếu trẻ tiếp tục giải trí tiếp bằng các thiết bị có màn hình thì thời lượng có thể lên tới 10-12 giờ/ngày. Điều này, tác động không tốt đến sức khỏe đôi mắt”.

Theo BS Cương, các nghiên cứu cho thấy khi làm việc với các phương tiện có màn hình, ở cự li gần trên 7 giờ/ngày thì tiến triển của cận thị sau 5 năm khoảng 70% sẽ mắc cận thị, nếu đã cận thị rồi thì sẽ tăng số tương ứng với cường độ và thời gian làm việc bằng các loại màn hình.

Các cách hạn chế tăng độ cận thị

Để giảm tình trạng tăng độ cận của mắt, các bác sĩ nhãn khoa khuyến cáo khi trẻ phát hiện bị các vấn đề về tật khúc xạ phải được theo dõi, điều trị ở những cơ sở chuyên khoa.

Ngay cả việc đo thị lực và cắt kính cũng cần thực hiện ở các cơ sở y tế thay vì ra các cửa hàng kính mắt để cắt kính khi bị tăng độ cận. Bởi nếu các cửa hàng kính không thực hiện đúng quy trình và không có các phương tiện để xác định sẽ không chẩn đoán đúng tình trạng bệnh.

Với trẻ đã bị cận thị, việc điều trị thông thường nhất là đeo kính, thời gian đeo kính khác nhau tùy thuộc vào độ cận của trẻ. Nếu cận dưới 1 độ, trẻ không cần thiết phải đeo kính cả ngày, chỉ đeo khi cần nhìn xa chẳng hạn như ngồi học trên lớp, xem tivi… Với trẻ cận từ 3 độ trở lên, cần phải đeo kính thường xuyên vì thị lực kém làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của trẻ.

“Bản chất việc đeo kính không làm tăng độ cận của trẻ. Đeo kính không chuẩn dẫn đến nhiều vấn đề như quá độ gây mỏi vì mắt điều tiết nhiều, thiếu độ khiến thị lực trẻ không đạt được mức độ tối ưu, không đáp ứng trong sinh hoạt. Việc kiểm soát tiến triển cận thị rất quan trọng để phòng tránh các biến chứng của cận thị cao như: bong và rách võng mạc, tân mạch cận thị làm giảm và mất thị lực không hồi phục”, bác sĩ Hưng cho biết.

Bác sĩ Cương khuyến cáo, để hạn chế tăng độ cận, đơn giản nhất là điều chỉnh sinh hoạt, hạn chế các sinh hoạt nhìn gần như điện thoại, máy tính, tivi… Nếu vẫn phải học trên máy tính, trẻ cần có khoảng nghỉ xen kẽ. Nơi học tập của trẻ cần đầy đủ ánh sáng; nhắc nhở con ngồi học đúng tư thế; không để mắt làm việc quá lâu, hạn chế thời gian xem ti vi, chơi games, nhìn máy vi tính…; không đọc sách có chữ quá nhỏ hay mờ.

MỚI - NÓNG