Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm là do không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế, chế biến, bảo quản thức ăn của cơ sở; sử dụng nguyên liệu thực phẩm bị ô nhiễm, không có nguồn gốc, không bảo đảm an toàn; hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm ở một số địa phương còn chưa cao.
Để chủ động quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm có hiệu quả, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, các đơn vị liên quan thuộc thẩm quyền quản lý, phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường triển khai các hoạt động sau:
1. Xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, kinh doanh thức ăn đường phố. Tập trung quản lý điều kiện an toàn thực phẩm của các cơ sở, đặc biệt kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng nguyên liệu, sử dụng phụ gia thực phẩm, điều kiện vệ sinh cơ sở, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ, điều kiện bảo quản thức ăn, vệ sinh cá nhân của người trực tiếp chế biến thức ăn và việc lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định.
2. Phát hiện sớm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định ATTP theo quy định của pháp luật, đồng thời công khai các vi phạm trên phương tiện thông tin để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng. Kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với cơ sở thuộc đối tượng phải cấp Giấy chứng nhận) hoạt động cung cấp xuất ăn sẵn, bữa ăn cho người lao động, cho học sinh và cho người tiêu dùng.
3. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền về kiến thức an toàn thực phẩm, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm để nâng cao trách nhiệm của người chế biến, kinh doanh, chủ doanh nghiệp, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, các cơ sở cung cấp xuất ăn sẵn và tiêu dùng thực phẩm.
4. Nâng cao vai trò, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm của Ban chỉ đạo liên ngành, ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất và cơ quan quản lý các tuyến trên địa bàn. Xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân buông lỏng trách nhiệm trong quản lý, thanh tra, kiểm tra và triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, báo cáo về Cục An toàn thực phẩm để tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm.
5. Chỉ đạo thực hiện nghiêm quy chế điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, chế độ báo cáo ngộ độc thực phẩm theo tuyến và báo cáo về Cục An toàn thực phẩm theo đúng quy định tại Quyết định số 01/2006/QĐ-BYT ngày 09/01/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành quy định, chế độ báo cáo và mẫu báo cáo về vệ sinh an toàn thực phẩm và Quyết định 39/2006/QĐ-BYT ngày 13/12/ 2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành "Quy chế điều tra ngộ độc thực phẩm".