> Nhốn nháo như... lớp học tại chức
> Đối thoại với sinh viên tại chức
Quy trình tuyển sinh và đào tạo chặt chẽ sẽ nâng cao chất lượng đầu ra của bậc đại học . Ảnh: Xuân Phú |
Nồi cơm của các trường?
Phải thừa nhận rằng trình độ sinh viên của hệ đào tạo này về mặt bằng chung có thấp hơn hệ đào tạo chính quy, nhưng cũng có rất nhiều sinh viên chịu khó cố gắng và học tốt.
Tôi đã dạy và chứng kiến nhiều sinh viên tại chức thành đạt ở nhiều cương vị công tác từ Trung ương đến địa phương. Do họ có kinh nghiệm thực tế và có kiến thức nên việc thành đạt là lẽ bình thường.
Thời gian qua, hàng loạt trường đại học, cao đẳng được mở ra, các địa phương hình thành nhiều trung tâm, cơ sở liên kết đào tạo và đã đem lại lợi ích cho nhiều bên. Tuy nhiên, việc phát triển quá nhanh hình thức đào tạo này nhưng không kiểm soát chặt chẽ điều kiện, quy trình đào tạo nên chất lượng đào tạo ngày càng xuống cấp.
Do đây là nồi cơm của các trường nên có sự cạnh tranh trong tuyển sinh hệ tại chức, theo quan điểm “mình không tuyển, trường khác họ sẽ tuyển”. Việc tổ chức thi tuyển, quản lý đào tạo một số cơ sở chưa được kiểm soát chặt chẽ, tình trạng dạy không đủ giờ, không đủ nội dung của giáo viên cũng góp phần làm chất lượng đào tạo giảm sút.
Theo hình thức đào tạo này, lẽ ra đối tượng sinh viên chủ yếu là người đang làm việc. Nhưng thực tế, những năm gần đây sinh viên tại chức chưa có việc làm chiếm tỷ lệ khá lớn. Thi không đỗ đại học chính quy nên vào học tại chức, nhiều người “học cho bố mẹ” nên tình trạng học hộ, thi hộ diễn ra khá phổ biến.
Mặt khác, một số người ở cơ sở liên kết vì lợi ích nào đó cũng tiếp tay, bao che cho hành động xấu trên. Khi nhà trường không có biện pháp mạnh, người học không có ý thức tốt thì chất lượng đào tạo đi xuống là tất yếu.
Vừa học vừa... chờ
Chưa nói đến đúng sai của Đà Nẵng trong quyết định không tiếp nhận người có bằng tại chức vào bộ máy công quyền, nhưng phải ghi nhận rằng thành phố này đã thẳng thắn bày tỏ chính kiến trước thực trạng chất lượng đào tạo tại chức xuống cấp. Tín hiệu cảnh báo từ Đà Nẵng cần được mổ xẻ, đánh giá một cách nghiêm túc. |
Điều nguy hiểm hơn là cái xấu trên đây đã gây mầm, lan toả đến cả đào tạo chính quy xét cả về ý thức và chất lượng đào tạo. Tình trạng có nhiều sinh viên “vừa học vừa chờ” chứ không phải vừa làm vừa học đã ảnh hưởng rất lớn đến một bộ phận sinh viên có ý thức học tập nghiêm túc. Những sinh viên này chờ có cái bằng để hợp thức hoá công việc chứ không cần kiến thức; họ học và chờ vì chưa có cơ hội tìm được việc làm.
Cho đến hôm nay khi lên lớp cho tại chức tôi cũng đã phải nản, mặc dù tôi là một nhà giáo có trách nhiệm và tâm huyết với nghề.
Tuy nhiên, trong số sinh viên tại chức hiện nay cũng nhiều em có ý thức và học tốt nên xã hội cần phải bảo vệ quyền được học cho những người này. Đây là hình thức đào tạo nên được duy trì để tạo cơ hội học tập suốt đời cho nhiều người chưa có hoặc chưa đủ điều kiện để học đại học chính quy và là một nhu cầu chính đáng.
Phải chăng nhà trường và người học thời gian qua đã đánh mất lòng tin của xã hội nên những người có trách nhiệm đã phải lên tiếng? Họ phải tự mình lấy lại lòng tin của xã hội. Quyết định của Đà Nẵng là lời cảnh báo chất lượng hệ đào tạo này đang xuống dốc và phải được vực lại.
Cần quy định cụ thể đối tượng tuyển sinh và kiểm soát chặt chẽ khâu tổ chức thi tuyển và quá trình đào tạo hình thức VLVH. Không thể để tình trạng phát triển “quá nóng” dẫn đến không kiểm soát được.
Về phía người sử dụng lao động cũng phải đổi mới cách thức tuyển dụng để chọn được người thực sự có năng lực, có tố chất phù hợp với công việc. Quá coi trọng bằng cấp, chưa xem trọng thực lực hay chưa gạt bỏ được những vấn đề thuộc về “quan hệ” trong tuyển dụng thì vẫn khó chọn được người tài.
Theo tôi, cần phải có những quy định tuyển dụng công khai, minh bạch về tiêu chuẩn, thước đo qua các tiêu chí cụ thể thì dù người học chính quy hay tại chức vẫn có cơ hội tìm được việc làm như nhau và chúng ta cũng không mất đi cơ hội để chọn được những người tài cho đất nước.
Mấy năm gần đây nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã có nhiều đổi mới trong tuyển dụng cán bộ. Họ đã không còn quan tâm quá nhiều đến bằng cấp, chứng chỉ mà coi trọng năng lực thực sự của ứng viên đối với yêu cầu công việc. Cách làm này đã trở thành một nguyên tắc đối với nhiều nước và chắc rằng ở nước ta cũng sẽ phải làm như vậy. |
Bùi Bằng Đoàn
Đại học Nông nghiệp Hà Nội