Ở Việt Nam, dẫn đầu là 15 loại bệnh ung thư thường gặp gồm: Ung thư phổi, vú, đại trực tràng, dạ dày, gan, tiền liệt tuyến, khoang miệng, thực quản, tử cung… Trong đó, tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung ở TPHCM cao gấp 6 lần Hà Nội. Nhưng ung thư vú ở Hà Nội lại cao gấp rưỡi TPHCM. Tỷ lệ ung thư gan ở nam giới tại TPHCM nhiều hơn nam giới Hà Nội, trong khi đó tỷ lệ ung thư phổi ở nam giới Hà Nội cao hơn TPHCM. Đây cũng là hai thành phố có số bệnh nhân ung thư thuộc hàng cao nhất toàn quốc. Hiện ung thư vú là bệnh có số phụ nữ mắc phải nhiều nhất. Kết quả tầm soát ung thư vú mới thực hiện tại Bệnh viện Bạch Mai cho kết quả 6/1.200 phụ nữ bị bệnh. Khi đến viện, phần lớn người bệnh đã ở giai đoạn khó có thể chữa trị nên tỷ lệ tử vong khoảng 40-50%. Cho nên, ung thư vú là căn bệnh được ngành y tế nhận định có tỷ lệ tử vong cao sau ung thư phổi, dạ dày và gan.
Điều các ông lo ngại nhất là gì khi điều trị các bệnh ung thư?
Mặc dù không phải bệnh truyền nhiễm nhưng ung thư đang là căn bệnh rất nguy hiểm và số người mắc và tử vong ở mức cao. Đáng buồn là số người hiểu biết về căn bệnh nan y này lại rất hạn chế. Phần lớn bệnh nhân bị ung thư khi đến khám đều đã ở giai đoạn muộn, thậm chí có đến 70% số bệnh nhân ung thư đến khám khi đã ở giai đoạn 3 – 4, là giai đoạn cuối của bệnh, khiến việc chữa trị rất khó khăn, nguy cơ tử vong cao. Hầu hết bệnh nhân đều được chẩn đoán ung thư ở giai đoạn muộn dẫn đến tỷ lệ tử vong cao, chỉ có 14% bệnh nhân ung thư phát hiện ở giai đoạn sớm, trong đó 5% được chẩn đoán ở giai đoạn I và 19% ở giai đoạn II. Chính vì vậy mà hiệu quả điều trị không cao, kéo theo đó là thời gian điều trị và chi phí tăng cao. Do đó, việc phát hiện sớm ảnh hưởng rất lớn tới quá trình chẩn đoán và điều trị ung thư.
GS.TS Mai Trọng Khoa.
Vì sao lại có tình trạng này, thưa ông?
Nguyên nhân của thực trạng này là do không ít người vẫn có suy nghĩ ung thư là bệnh không thể chữa khỏi nên giấu bệnh, hoặc chạy chữa bằng các phương pháp phản khoa học khi sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Nghiên cứu quốc tế cũng cho thấy thu nhập thấp và trình độ học vấn thấp có liên quan mật thiết đến việc gia tăng tỷ lệ tử vong và thảm họa tài chính do bệnh ung thư. Bên cạnh đó, bệnh nhân thuộc diện không có bảo hiểm y tế cũng có nguy cơ đối mặt với hệ lụy tài chính cao hơn so với những người có bảo hiểm y tế.
Theo ông, cần làm gì để hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư?
Để phòng ngừa ung thư, phòng tránh nguy cơ tử vong thì bệnh nhân ung thư được phát hiện sớm, điều này sẽ dẫn đến khả năng điều trị thành công và kéo dài cuộc sống rất cao. Bên cạnh đó, mỗi người cần thực hiện lối sống điều độ, lành mạnh, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu bia và thường xuyên vận động, luyện tập thể dục - thể thao. Không ăn các ngũ cốc và các loại thực phẩm đã bị mốc; hạn chế các loại thức ăn dạng xông khói hay muối như: thịt xông khói, thịt muối, cá muối…; không hút thuốc lá (chất hắc ín có trong thuốc lá chính là nhân tố gây bệnh ung thư phổi và ung thư tuyến tụy)… Ngoài ra, phụ nữ nên đi kiểm tra định kỳ, làm các xét nghiệm đặc hiệu như PAP - SMEAR nhằm phát hiện và điều trị sớm các bất thường và tránh trường hợp biến chứng thành ung thư. Chi phí tầm soát ung thư tương đối thấp vì thế người dân nên định kỳ tầm soát ung thư.
Hiện nay tại một số nước phát triển đã chữa khỏi được trên 80% các bệnh ung thư. Có được kết quả trên là nhờ các thành tựu trong phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị ung thư. Do đó, việc phát hiện sớm ảnh hưởng rất lớn tới quá trình chẩn đoán và điều trị ung thư.
Theo Chiến lược phòng chống ung thư quốc gia đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu đạt được các mục tiêu như: 70% người trưởng thành có hiểu biết đúng về ung thư, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực làm công tác phòng chống ung thư, tăng cường sàng lọc, phát hiện sớm ung thư, giảm 10-15% số ca chẩn đoán muộn.