Quan tâm rất đặc biệt đến công nghiệp văn hóa
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết đối tượng thụ hưởng chương trình là người dân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam ở nước ngoài, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức…
Chương trình đưa ra mục tiêu, đến năm 2030 đạt 9 nhóm cụ thể, trong đó 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa, 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn, ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước…
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết chương trình có đối tượng, phạm vi rộng với nhiều nội dung khó, có nhiều quan điểm, cách tiếp cận khác nhau, cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện trước khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng. |
Do đó, đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy trình tại 2 kỳ họp, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng công nghiệp văn hoá là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, là xu thế của thời đại. Do vậy, phải dành sự quan tâm rất đặc biệt đến lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Trên thế giới, nhiều năm qua, công nghiệp văn hóa rất phát triển, trở thành động lực tăng trưởng, động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn thúc đẩy giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế, và nước ta có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa.
“Lâu nay chúng ta cứ hiểu, văn hóa là ngành đi tiêu tiền, nhưng trên thế giới hiện nay đây là ngành làm ra rất nhiều tiền, là ngành có giá trị gia tăng rất cao. Mấy cô ca sĩ Hàn Quốc sang đây diễn, có mấy đêm thôi mà bằng một doanh nghiệp của chúng ta làm trong nhiều tháng, một ca sĩ Hàn Quốc hát bài có điệu nhảy ngựa Gangnam Style đã lan khắp thế giới về văn hóa, rồi ông Park Hang-seo được vinh danh kết nối văn hóa.
Những thứ của thời đại mới chúng ta cần chú ý, đấy là công nghiệp văn hóa, là ngành đem lại lợi nhuận rất lớn, mà Nhà nước không cần phải đầu tư gì nhiều, mà chính là tạo điều kiện cho xã hội phát triển”, ông Định lưu ý.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. |
"Không phải cái nào cũng cần tiền"
Tiếp thu, giải trình sau đó, Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nói chương trình này phải làm theo trình tự, trình Quốc hội thông qua chủ trương, sau đó Chính phủ giao cơ quan tư vấn, xây dựng báo cáo đầu tư, lúc đó mới có đầy đủ các dự án thành phần, gồm cái gì, ở đâu, như thế nào, lộ trình ra sao?
Ông cũng cho rằng không phải nội dung nào cũng cần tiền, ví dụ về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng con người, là một công việc thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của nhân dân, và mọi người cần phải làm, hay môi trường văn hóa, cũng không phải là tiền mà bằng các quy ước, hương ước do cộng đồng xây dựng.
Theo ông, trọng tâm chính là mấy chương trình lớn, như bảo tồn, phát huy các giá trị về di tích, di sản, vấn đề thiết chế là phải có cho xứng tầm. “Ngay nhà hát, lại chỉ có mỗi Nhà hát lớn Hà Nội, không phù hợp với xu thế bây giờ”, ông nói.
Trước băn khoăn về việc đầu tư ở nước ngoài, theo ông Hùng, hiện có hơn 5 triệu kiều bào, nhưng không phải làm tất cả, mà chỉ chọn một số quốc gia có đông kiều bào. Đó cũng là địa chỉ, nơi giao lưu, quảng bá văn hóa và thực tế Trung tâm văn hóa ở Pháp, ở Lào, hoạt động rất tốt, tại sao chúng ta lại không cho phát triển.
Bộ trưởng ví dụ, tới đây lộ trình là Hàn Quốc, Mỹ, Nhật là ba quốc gia đông kiều bào nhất. Còn lộ trình, nếu có tiền lúc nào sẽ làm lúc đó. "Như thế cũng không có gì vướng cả. Thực tế các quốc gia khác cũng làm trung tâm văn hóa của họ ở tại Việt Nam chúng ta", ông Hùng nói.
Tiếp thu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết tới đây Thường trực Chính phủ sẽ chủ trì, xây dựng chủ trương đáp ứng nhu cầu, có đề án tốt nhất trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.