Tái bản “giấy khai sinh” Nguyễn Quang Thiều

Tái bản “giấy khai sinh” Nguyễn Quang Thiều
TP - Anh vừa cho tái bản tập thơ được coi là chứng minh thư của Nguyễn Quang Thiều trên con đường sáng tạo: Sự mất ngủ của lửa. Đây là tập thơ từng gây nhiều tranh luận trái chiều. Mặc những khen, chê, nhà thơ  vẫn giữ  nguyên bản gốc trong lần tái bản này.

Lí do gì anh không chịu sửa sang chút ít trong lần tái bản tập thơ?

Tôi không thích sửa chữa. Bởi tôi cho rằng tác phẩm như lịch sử sáng tạo của mình, có thể lúc đó rất ẫu trĩ, rất ngây thơ, dại dột thậm chí đầy cực đoan nhưng đó chính là tôi trong khoảnh khắc đó. “Sự mất ngủ của lửa” trong lần tái bản này không sửa chữa một điều gì, kể cả một dấu phẩy, trừ sai chính tả, so với lần xuất bản đầu tiên, năm 1992.

Nhưng đọc lại tập thơ ở thời điểm hiện tại, anh có thấy điều gì không ổn?

Tôi không thấy có điều gì không ổn. Ngược lại tôi thấy những năm tháng đó thật hạnh phúc, mạnh mẽ, trong sáng, đắm mê. Tôi muốn được sống nhiều lần trong trạng thái của tình cảm, ý nghĩ, cách nhìn cũng như sự viết, sự sáng tạo như vậy.

Tại sao anh quyết định tái bản tập thơ với lượng phát hành gây choáng: 3.000 cuốn, ở thời điểm thơ ca chợ chiều như hiện nay?

Đây là một sự  bất ngờ của tác giả. Trong thời buổi này được người ta in thơ cho mình, trả nhuận bút cho mình, đó là sự ưu ái rất đặc biệt với nhà thơ. Đây là sự tái bản có chủ đích của tôi, nó là sự khởi đầu cho việc xuất bản một số cuốn sách sắp tới của tôi.

Nhiều người nhận xét, từ “Sự mất ngủ của lửa”, Nguyễn Quang Thiều bắt đầu đánh đố độc giả. Thơ anh khá khó hiểu?

Có thể thế.

Có phải tại thơ anh Tây quá, thậm chí có lời phê hơi nặng: “Thơ tây giả cầy”? 

Ai nói không hiểu thì tôi đồng ý nhưng nói thơ Tây tôi phản đối hoàn toàn. Có những người làm nghiên cứu văn học bảo thơ tôi Tây quá nhưng tôi hỏi  vậy đặc tính thơ Tây là gì thì tôi không nhận được câu trả lời. Cứ bảo thơ người ta Tây nhưng không hiểu  Tây thế nào. Khi anh không hiểu A là gì thì anh không thể so sánh B giống A.

Vậy có nghĩa thơ anh thuần Việt?

Trong thơ tôi, từ câu chuyện, hình ảnh,  tính biểu tượng, hiện thực của đời sống, con người,  ngôn ngữ…đều Việt cả. Chỉ có tôi dựng lên một không gian khác trong một kiến trúc khác thì người ta nghĩ rằng không phải Việt Nam. Họ mới chỉ đọc ở vẻ ngoài của nó.

Tại sao anh cứ thích một lớp vỏ ngoài khác người như vậy?

Khi chúng ta dựng trong không gian khác sẽ nhìn thấy không gian cần lột tả rộng hơn. Ô cửa sổ trước mặt cho chúng ta một cách vào ngôi nhà. Cửa sổ sau nhà cho chúng ta nhìn vào ngôi nhà một cách khác…

Tức là có nhiều đường dẫn vào ngôi nhà Nguyễn Quang Thiều?

Đúng thế và có nhiều đường dẫn vào đời sống này. Chính vì thế sự sáng tạo không bao giờ ngừng lại. Bởi vì một bài thơ đã làm xong, một thi pháp đã hoàn thành thì chúng ta đã dừng làm thơ, dừng vẽ tranh… từ rất lâu rồi. Nhưng vẻ đẹp là vô tận, còn mỗi chúng ta chỉ  khoét ra một lỗ rất nhỏ, có thể chỉ là một lỗ tò vò, để mà nhìn vào mà thôi.

Cho đến thời điểm này, đây có phải tập thơ anh tâm đắc nhất?

Mỗi một tập thơ đều mang phong vị khác nhau. Ở tập thơ trước đó,  tôi nhìn thấy gương mặt tôi và đôi khi một gương mặt khác thoáng qua. Ở đó tôi nghe thấy giọng nói của tôi và đôi khi có một giọng nói khác chen vào, nghĩa là ở đó nó vẫn bị ảnh hưởng của ai đó, của một thế hệ nào đó. Chính vì thế tôi quyết định bước một bước sang “Sự mất ngủ của lửa” gần như khác hoàn toàn với tập thơ đầu tiên. Nó không phải là tập thơ mà tôi yêu quí nhất mà  như tiếng nói đầy đủ nhất của tôi được vang lên lần thứ nhất. Ở đó là chính tôi, kể cả sự vụng về, cả sự mơ hồ,  nó là tôi trăm phần trăm chứ không pha lẫn gì cả.

Có thể coi đây là chứng minh thư của Nguyễn Quang Thiều trên con đường thi ca, xúc động quá nên trong tập thơ có người nói, anh khóc hơi nhiều? 

Ở ta, người ta không bao giờ đọc kỹ một văn bản, chỉ đọc cảm tính và lướt qua. Cho nên đó là cách nói không thiện chí và nhạo báng. Nhưng không sao hết họ có quyền làm việc đó, nếu họ thấy đúng

Còn anh tiếp nhận thế nào?

Vô nghĩa với tôi bởi vì tôi đã nói rồi. Có người nói tôi hay khóc còn nhẹ có người còn bảo tôi suy đồi và dẫn chứng bằng một số bài thơ. Tôi không nói lại điều gì vì tôi tin con đường của tôi, giọng nói của tôi . “Sự mất ngủ của lửa” là bản khai sinh cho sự sáng tạo của tôi. Giấy khai sinh chính thức cho Nguyễn Quang Thiều. Họ lẩn mẩn ngồi đếm vài chữ khóc trong đó, chưa ăn thua! Có những bài thơ trên thế giới có những bài thơ dài 1.000 từ đã có 300 từ được lặp lại, vấn đề là sự lặp lại nói lên điều gì?

Anh nghĩ thế nào về sự đón nhận của bạn đọc?

Tôi nghĩ rằng bạn đọc có thể cũng có chút gì đó hào hứng. Bởi vì nó đã để lại dư âm rất nhiều vì người ta đã đọc rất nhiều bài phê phán tranh luận. Cho nên bạn đọc chắc cũng tò mò.

Xin cảm ơn anh! 

Tập thơ có sự tham gia của 15 họa sỹ. “Tôi muốn những bạn đọc đọc nó, tôi muốn bạn đọc khác đặc biệt hơn là họa sỹ đọc và nói lên cảm xúc của họ bằng một loại hình nghệ thuật khác. Tái bản lần này có sự đặc biệt là có kèm văn bản thứ hai, văn bản hội họa”, Nguyễn Quang Thiều cho biết.

MỚI - NÓNG