Tách Luật Giao thông đường bộ: Lo chồng chéo, trùng lắp

Đội cảnh sát giao thông số 7-phòng CSGT Hà Nội kiểm tra xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông ảnh: Như Ý
Đội cảnh sát giao thông số 7-phòng CSGT Hà Nội kiểm tra xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông ảnh: Như Ý
TP - Tại phiên thảo luận tổ ngày 11/11, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn việc tách Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) thành  Luật GTĐB và Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ. Việc sắp xếp nhân sự liên quan hai luật này cũng là vấn đề lớn được các đại biểu quan tâm.

Bằng đại học, chứng minh thư, hộ chiếu giả thì sao?

Theo ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, GTĐB bao gồm 4 yếu tố: kết cấu hạ tầng, phương tiện, con người và quy tắc giao thông. Nay nếu tách ra thì sẽ không còn thống nhất, đồng bộ. “Sau này nếu tách tiếp hàng không, đường thủy, đường sắt nữa thì có lẽ phải bỏ Bộ GTVT”, ông Bộ nói và đề nghị giữ nguyên như hiện hành, không tách nữa.

Về chuyển thẩm quyền đào tạo cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, ông Bộ cho biết, Nghị quyết của BCH T.Ư Đảng về cải cách hành chính nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước nêu rõ, đối với một số nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các bộ khác. Trong khi đó, 25 năm nay việc thực hiện nhiệm vụ quản lý này về đào tạo cấp GPLX của Bộ GTVT cơ bản ổn định.

“Hiện tượng làm giả giấy tờ hiện nay có nhiều, ví như bằng đại học rồi cả chứng minh nhân dân và hộ chiếu. Vậy với lý do bị làm giả thì có chuyển thẩm quyền cấp bằng cử nhân từ Bộ GD&ĐT sang Bộ Công an không? Có chuyển cấp giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu từ Bộ Công an sang bộ khác không”, ông Bộ đặt câu hỏi.

Cùng quan điểm, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) cho rằng, hồ sơ của các dự án còn sơ sài, chưa thuyết phục đại biểu. “Làm luật và xử lý vi phạm luật là hai vấn đề khác nhau. Bộ Công an không chỉ xử lý vi phạm Luật GTĐB mà tất cả các vi phạm khác từ giáo dục, văn hóa, tiền tệ, ví dụ như vấn đề tín dụng đen đang rất nhức nhối, song không vì thế mà chuyển tín dụng sang cho Bộ Công an được. Chúng ta phải nghiên cứu kỹ, cái gì lợi và tốt thì thực hiện”, ông Lượng nói.

Tương tự, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cũng băn khoăn về việc tách luật này, vì giao thông tĩnh và động đều quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách một cách cơ học như thế. Theo ông Phong, điểm đáng chú ý là giao thẩm quyền đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Lý do được đưa ra trong tờ trình là do có hiện tượng bằng giả, đào tạo sát hạch có tiêu cực. Tuy nhiên, nói về vấn đề này, theo ông Phong “ngành nào chẳng có”.

“Cần tăng cường kiểm tra, xử lý thôi, nói mà chuyển hết qua thì sổ đỏ cũng có giả, chứng minh thư cũng có giả, hộ chiếu cũng có giả, bằng cử nhân, thạc sĩ cũng có giả... Nếu để cho thật hết thì chuyển hết qua công an”, ông Phong nói, đồng thời cho biết, hiện chỉ có 3 - 4 nước giao vấn đề quản lý này cho công an còn lại hơn 40 nước thuộc ngành giao thông quản lý.

Hàng nghìn cán bộ sẽ đi về đâu?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng băn khoăn về việc tách ra thành hai luật. Theo ông, dù hồ sơ trình hai luật đã cố gắng phân định, nhưng vẫn còn những điểm trùng lắp, chồng chéo. “Cái tổng thể của giao thông bao gồm hai yếu tố cấu thành: tĩnh và động. Liệu chúng ta có tách được hai cái này ra không để điều chỉnh trong hai luật mà nó không liên quan tới nhau và đều hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông?”, ông Tùng đặt câu hỏi.

Đặc biệt, ông Tùng cũng lo ngại về việc xử lý vấn đề cán bộ sau khi có hai luật này. Riêng về quản lý cấp phép, ngành GTVT có khoảng 2.000 cán bộ, công chức. Chắc chắn không chuyển sang Bộ Công an được.

“Vậy 2.000 người đó, anh Nguyễn Văn Thể (Bộ trưởng GTVT) “thải ra” ngoài hay tiếp tục sử dụng việc khác? Biên chế đấy có phải dư không? Có đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy không? Ngành Công an có tăng thêm ngần ấy con người để thực hiện nhiệm vụ mới được giao hay không?”, ông Tùng đặt hàng loạt câu hỏi.

Tách Luật Giao thông đường bộ: Lo chồng chéo, trùng lắp ảnh 1 “Vậy 2.000 người đó ( nhân sự cấp phép lái xe- PV), anh Nguyễn Văn Thể (Bộ trưởng GTVT) “thải ra” ngoài hay tiếp tục sử dụng việc khác? Biên chế đấy có phải dư không? Có đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy không? Ngành Công an có tăng thêm ngần ấy con người để thực hiện nhiệm vụ mới được giao hay không?” Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Cũng theo ông Nguyễn Mai Bộ, nếu chuyển sang Bộ Công an sẽ dẫn đến hệ lụy rất lớn là lãng phí. Bởi lẽ sẽ có tới 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 339 cơ sở đào tạo lái xe ô tô được được xã hội hóa 100% phải dừng hoạt động và hơn 2.000 cán bộ công chức, viên chức mất việc. Bộ Công an sẽ phải bổ sung biên chế, tổ chức bộ máy và ngân sách tương tự để thực hiện việc này.

“Có một thực tế, cả nước có hơn 2.000 cán bộ công chức trong đó có khoảng 600 cán bộ công chức là nhà quản lý, khoảng 1.700 viên chức công chức làm nhiệm vụ sát hạch. Nếu chuyển đổi, lực lượng này này có sang Bộ Công an không hay giải tán? Họ sẽ đi đâu về đâu?”, đại biểu hỏi.

“Không lãng phí, không phát sinh nhân sự”

Theo Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành  Luật Giao thông đường bộ sửa đổi (do Bộ Giao thông vận tải chủ trì soạn thảo) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (do Bộ Công an chủ trì) hết sức quan trọng, nhằm giải quyết các vấn đề  bức xúc về hạ tầng và trật tự an toàn giao thông. Ông khẳng định, khi tách làm hai luật sẽ tiết kiệm được rất nhiều chứ không lãng phí như một số lo ngại. Theo Bộ trưởng, việc này không làm phát sinh thêm nhân sự, thậm chí còn rút gọn được.

Tách Luật Giao thông đường bộ: Lo chồng chéo, trùng lắp ảnh 2 Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, khi tách làm hai luật sẽ tiết kiệm được rất nhiều chứ không lãng phí như một số đại biểu lo ngại.  Việc này không làm phát sinh thêm nhân sự, thậm chí còn rút gọn được.

Đại tướng Tô Lâm dẫn dụ, với một số vấn đề, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) có thể phối hợp các đơn vị khác xử lý, không cần lực lượng thanh tra giao thông hoạt động trên mặt đường nữa. “Không nước nào CSGT giữ xe vi phạm lại, sau đó chờ Thanh tra giao thông đi kiểm tra, như thế rất chồng chéo, bất cập”, Bộ trưởng Bộ Công an nói, và khẳng định lực lượng CSGT hoàn toàn có thể hoàn thành thêm các nhiệm vụ này nhờ áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật.

Trước băn khoăn về các cơ sở sát hạch lái xe vốn đã được Bộ GTVT đầu tư thời gian qua, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định “không đụng chạm” đến các cơ sở này, bởi việc đào tạo lái xe chủ yếu là xã hội hoá, Bộ Công an chỉ kiểm soát cấp bằng lái xe và quản lý bằng lái xe đúng quy trình, quy chuẩn. Bên cạnh đó, việc ban hành luật cũng góp phần phục vụ công tác phòng chống tội phạm.

Đại biểu Bùi Mậu Quân (Hải Dương) cũng khẳng định, có cơ sở pháp lý và thực tiễn, trong tờ trình của Chính phủ đã đề cập rất rõ vấn đề này. Luật GTĐB năm 2008 điều chỉnh cả 2 lĩnh vực về trật tự ATGT và kết cấu hạ tầng. Trong khi đó, mảng trật tự ATGT thuộc Bộ Công an. Điều này tạo ra những bất cập trong quá trình thực hiện.

Ủng hộ hai dự thảo Chính phủ trình, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cho rằng, vấn đề an toàn giao thông có 4 yếu tố: Người lái xe, phương tiện giao thông, hệ thống đường sá, các quy định pháp luật về giao thông đường bộ, trong đó có các quy tắc về giao thông. “Tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại Long An vào năm 2019 khi lái xe container đâm vào 21 xe máy đang chờ đèn đỏ do lái xe dương tính ma túy, sử dụng rượu bia khi lái xe là ví dụ điển hình cho thấy, quy định về đào tạo, cấp GPLX, về xử phạt chưa đủ sức răn đe…”, ông Thường cho hay.

  Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) nhận định, việc xây dựng luật như vậy có thể sẽ dẫn tới tình trạng “không tin ai cả”, chỉ tin mỗi bản thân mình. “Không cẩn thận rồi có khi đến giáo viên chất lượng cũng kém, bằng giả cũng nhiều, có khi Bộ Công an cũng phải cấp cả bằng giáo viên luôn và cả bằng bác sĩ luôn”, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng, sau buổi thảo luận này cần kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lấy ý kiến đại biểu Quốc hội xem có nên tách luật không.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.