Sức khoẻ thanh niên Việt Nam hạn chế so với khu vực

Chương trình có nhiều ý kiến trao đổi, kiến nghị xung quanh các vấn đề phát triển thanh niên Việt Nam (Ảnh: Xuân Tùng)
Chương trình có nhiều ý kiến trao đổi, kiến nghị xung quanh các vấn đề phát triển thanh niên Việt Nam (Ảnh: Xuân Tùng)
TPO - Chiều cao, cân nặng và sức khoẻ thể lực hạn chế; vẫn tồn tại vấn đề phá thai trong vị thành niên... là một trong những thông tin được cung cấp tại Chương trình Đối thoại thanh niên chủ đề “Xây dựng chính sách phát triển thanh niên Việt Nam”, do Uỷ ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 14/3.

Chương trình Đối thoại thanh niên do anh Nguyễn Long Hải - Bí thư T.Ư Đoàn, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam chủ trì. Tham gia chương trình có các chuyên gia, đoàn viên thanh niên, sinh viên.

Tại chương trình, các đại biểu đã nghe ông Vũ Đăng Minh – Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội vụ đã trình bày Báo cáo Quốc gia về Thanh niên Việt Nam năm 2015. Báo cáo do Bộ Nội vụ phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam nghiên cứu, xây dựng. Báo cáo sử dụng các số liệu thứ cấp từ các cuộc điều tra trong những năm gần đây (2009-2014).

Ông Vũ Đăng Minh cho biết, mục tiêu của Báo cáo là tìm hiểu thực trạng giáo dục, việc làm và chăm sóc sức khoẻ cho thanh niên cũng như sự tham gia của thanh niên trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách để đưa ra các khuyến nghị cho công tác hoạch định chính sách phát triển lực lượng thanh niên Việt Nam

Theo đó, tổng số thanh niên năm 2014 là hơn 25 triệu (chiếm 27,7% dân số). Việt Nam đang ở thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, thanh niên chiếm tỷ lệ lớn nhất trong lịch sử phát triển nhân khẩu của đất nước. Vì vậy, thanh niên đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội và phát huy tiềm lực của đất nước. 

Tuy nhiên,  tỷ lệ thanh niên Việt Nam có trình độ học vấn từ cao đẳng đại học trở lên còn thấp (chỉ chiếm 4,3% tổng số thanh niên). Có sự khác biệt về trình độ học vấn theo vùng miền, điều kiện kinh tế hộ gia đình và nhóm dân tộc. Bên cạnh đó có sự mất cân bằng về phân luồng lao động, cụ thể thiếu nguồn nhân lực có tay nghề; nhân lực được đào tạo cao đẳng đại học lại không có việc làm.

Báo cáo cũng cho cung cấp thông tin về thực trạng sức khoẻ của thanh niên Việt Nam. Về thể chất, tầm vóc thanh niên Việt Nam hạn chế hơn so với các nước trong khu vực như Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Cụ thể, chiều cao trung bình nam giới Việt Nam là 154,4cm và nữ là 153,4cm.

Về nhu cầu chưa được đáp ứng về sức khoẻ sinh sản, tỷ lệ nhu cầu tránh thai chưa được đáp ứng về biện pháp và phương tiện tránh thai trong vị thành niên, thanh niên cao. Trong các nhóm tuổi (15-19, 20-24 và 25-29) nhóm 15-19 tuổi có tỷ lệ tránh thai chưa được đáp ứng cao nhất; nhóm đối tượng thanh niên chưa có chồng là nhóm có nhu cầu tránh thai cao nhưng lại có tỷ lệ chưa được đáp ứng cao nhất.

Trước tình hình thực trạng của thanh niên Việt Nam hiện nay, đòi hỏi cần phải có các chính sách, ngân sách và thực hiện can thiệp hiệu quả để hỗ trợ thanh niên.

Tại chương trình, các đại biểu đã đánh giá, phân tích tác động của các nhóm chính sách quy định tại Luật Thanh niên năm 2005 đối với sự phát triển thanh niên. 

Đông thời, kiến nghị đề xuất sửa đổi, bổ sung, định hướng xây dựng các nhóm chính sách phát triển thanh niên Việt Nam trong thời gian tới theo 11 nhóm vấn đề: Học tập và hoạt động khoa học công nghệ; Lao động, giải quyết việc làm; Bảo vệ Tổ quốc; Hoạt động văn hoá nghệ thuật, vui chơi giải trí; Bảo vệ sự khoẻ và hoạt động thể dục thể thao; Hôn nhân và gia đình; Tham gia quản lý Nhà nước và xã hội; Bảo vệ, bồi dưỡng thanh niên từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; Chính sách đối với thanh niên dân tộc thiểu số...

MỚI - NÓNG