Bàn tay tài hoa thổi hồn vào thớ gỗ
Nằm trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V năm 2015, Ban quản trị Công ty cổ phần du lịch cộng đồng Kô Tam mở hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên tại Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Kô Tam, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. 37 nghệ nhân người Êđê, Jrai, Sê Đăng, Bâhnar từ khắp các buôn làng Tây Nguyên về tranh tài, tạo ra 50 tác phẩm tượng gỗ dân gian độc đáo. Mỗi bức tượng gỗ mang sắc thái biểu cảm và thể hiện cuộc sống sinh hoạt, văn hóa đặc thù của người Tây Nguyên thu hút nhiều du khách tham quan.
Đánh giá hội thi, bà Mai Hoan Niê Kđăm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: Các kỳ lễ hội cà phê trước, hội trại tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên cũng được tổ chức, nhưng hội thi tạc tượng gỗ dân gian lần này đạt kết quả ngoài mong đợi. Chỉ trong thời gian ngắn, các nghệ nhân đã hoàn thành 50 tác phẩm.
Ngay từ khi diễn ra hội thi đã có nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. “Vườn tượng tại Khu du lịch sinh thái cộng đồng buôn Kô Tam đã ghi thêm một địa chỉ văn hóa đáng chiêm ngưỡng cho du lịch Đắk Lắk, góp phần phát huy và bảo tồn loại hình nghệ thuật tạo hình dân gian của dân tộc Tây Nguyên”.
Tạc tượng gỗ dân gian không chỉ là biểu hiện tâm linh, tín ngưỡng của “vạn vật hữu linh” hoang sơ, mà còn phản ánh một trong những nghề thủ công độc đáo của các tộc người miền cao nguyên đất đỏ. Tượng gỗ dân gian thường được trang trí nhà mồ trong lễ bỏ mả, được xem là một nghi lễ mang tính cộng đồng của đồng bào Tây Nguyên. Tượng nhà mồ thấm đẫm linh hồn của đời sống để sẻ chia, bầu bạn cùng người đã khuất. Bằng các dụng cụ thô sơ như rìu, rựa, đục, các nghệ nhân đã thổi hơi thở cuộc sống thường nhật vào trong từng thớ gỗ, tạo nên những mảng, khối hình học, gợi tả thần thái nhân vật. Mỗi tác phẩm mang cảm xúc, mỗi dáng vẻ khác nhau vừa ẩn chứa hồn thiêng vừa như toát lên cốt cách con người, núi rừng Tây Nguyên.
Hình ảnh những già làng vác rựa ngửa mặt lên trời cầu mưa mong cây lúa tốt tươi, dân làng no ấm như nằm trong tiềm thức được nghệ nhân trẻ Y Think Knul 30 tuổi ở buôn Krông B, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột thể hiện và đặt tên tác phẩm “Ông già cầu mưa”. Nghệ nhân Y Puil Arul, 80 tuổi, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ), là nghệ nhân cao tuổi nhất trong cuộc thi lần này cũng cho biết: “Những gì chúng tôi học được là từ cha ông truyền dạy lại, người trước truyền dạy cho người sau, người già chỉ cho người trẻ chứ không qua một trường lớp nào đào tạo cả”.
Những nghệ nhân dày dặn kinh nghiệm chỉ cần nhìn qua vân gỗ, thớ gỗ, lựa sắc độ đậm nhạt của lõi gỗ để tạo ra bộ mặt nám sạm đầy nắng gió của nhân vật. Tinh tế hơn nữa là dùng sắc độ của cây gỗ để tạo mảng miếng đậm nhạt trên tác phẩm. Tượng “Mẹ ôm con” của nghệ nhân Ksor H’Nao, 59 tuổi đến từ thành phố Pleiku, Gia Lai đoạt giải nhất hội thi. H’Nao cho biết: Ông cũng nhiều lần tham gia các cuộc thi tạc tượng và đều đạt giải cao.
Tượng gỗ dân gian là phải có hồn, người nghệ nhân phải biết thổi hồn vào bức tượng khiến cho những bức tượng đơn sơ, hoang dã bỗng trở nên sống động, thấm đẫm linh hồn. Mỗi khi trí tưởng tượng hình dung ra một tác phẩm nào đó, nghệ nhân Ksor H’Nao liền tìm nguyên liệu gỗ và miệt mài sáng tạo.
Ông đã có 100 bức tượng được trưng bày tại khu du lịch Đồng Mô ( Hà Nội) và khu du lịch sinh thái Bản Đôn (Đắk Lắk). Các tác phẩm của ông không chỉ được trưng bày trong nước và còn vươn ra thế giới. Ông còn là một thầy giáo dạy nghề cho các em nhỏ, thanh niên ở các xã huyện với mong muốn duy trì và bảo tồn nghề tạc tượng này.
Nghệ nhân Ksor H’Nao với tác phẩm “Mẹ ôm con”.
Bảo tồn nhưng không lệch lạc
Việc khôi phục nghề tạc tượng gỗ Tây Nguyên thật không dễ. Nhất là hiện nay thế hệ trẻ ưu chuộng “công nghệ” hơn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian và các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ đã tác động đến tập quán đang dần bị mai một. Việc tổ chức các hội thi là một việc làm thiết thực.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần du lịch cộng đồng Kô Tam cho biết: Đây là lần đầu tiên công ty tổ chức hội thi tạc tượng với quy mô lớn, thu hút được đông đảo du khách tham quan, chiêm ngưỡng. “Trong những năm tới, Công ty sẽ tiếp tục mời các nghệ nhân về tranh tài tạc tượng dân gian, để các nghệ nhân ở khắp mọi nơi có dịp giao lưu, trao đổi nghề tạc tượng dân gian của các tộc người Tây Nguyên. Đã có nghệ nhân nói rằng sau cuộc thi sẽ cùng các nghệ nhân khác mở lớp dạy tạc tượng cho lớp thanh niên trẻ tuổi, khôi phục nghề bản sắc văn hóa dân tộc mình”, bà Ngọc Anh tự hào.
Nghệ nhân Lý Văn Phương, chủ nhân của tác phẩm “Cha con lên rẫy” đoạt giải ba, cho biết: “Tôi được tiếp xúc với nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên, khi tham gia lớp học tạc tượng tại Trường Cao đẳng nghề thanh niên dân tộc tỉnh Đắk Lắk. Đây là lần đầu tôi tham gia hội thi có quy mô lớn, việc đoạt giải đã thôi thúc tôi tiếp tục con đường sáng tác nghệ thuật dân gian Tây Nguyên”.
Ngày nay, tượng gỗ Tây Nguyên không còn bó hẹp trong không gian nhà mồ nữa mà nó được xem là một cuộc trưng bày tác phẩm nghệ thuật dân gian ngoài trời để các nghệ nhân gửi gắm cảm xúc, thể hiện khả năng tư duy sáng tạo của mình, giới thiệu bản sắc dân tộc của mình đến các dân tộc anh em cũng chiêm ngưỡng.
Tuy nhiên, gần đây nhiều tác phẩm tượng tạc ra không còn xù xì, gồ ghề, lồi lõm mà láng bóng do chịu sự chi phối giữa tác phẩm dân gian với sản phẩm mỹ nghệ nên tượng không còn có thần sắc và cảm xúc.
Ông Y Kô Niê, Phó phòng nghiệp vụ văn hóa, Sở VHTT&DL tỉnh Đắk Lắk nhận xét: Việc đưa công cụ hiện đại vào tạc tượng dân gian Tây Nguyên làm mất “tính dân gian”, khiến cho tác phẩm không có hồn của tượng gỗ Tây Nguyên. Hình tượng vẫn là hình tượng dân gian nhưng không còn cảm xúc dân gian.
Tuy nhiên để duy trì nghề tạc tượng này nhưng không bị lệch lạc còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bởi qua các cuộc thi cho thấy các nghệ nhân đã bị ảnh hưởng của công nghệ khá nhiều. Hiện tại, Sở chưa có một đề án hay lớp dạy nghề về loại hình nghệ thuật điêu khắc dân gian này.