Sống chậm với Thiền

Sống chậm với Thiền
TP - Giữa nhịp sống căng thẳng gấp gáp, nhiều người trẻ đang tìm đến một phương pháp Thiền để sống chậm và rũ bỏ sân si.

Sống chậm Myanmar
> Vào chùa sống chậm - Kỳ II: Giúp việc nơi cửa Phật

Họ đến với Thiền Minh Triết- phương pháp giúp cho con người khai mở trí tuệ và yêu thương, làm chủ đầu óc của mình, và mang lại những lợi lạc to lớn về sức khoẻ. Ngày càng có nhiều người trẻ đến với Thiền Minh Triết và không ít trong số đó có những thay đổi đến khó tin.

Bí mật trong đầu óc

“Giáo sư Phạm Đức Dương- Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa phương Đông cũng thực hành Thiền Minh Triết hơn 10 năm nay. Giáo sư Dương cho biết, TMT giúp đầu óc trở về trạng thái tự nhiên ban đầu và phát triển sự tập trung, phát triển ý chí quả cảm và lòng yêu thương”.

Phương pháp Thiền Minh Triết (TMT) do ông Duy Tuệ lập ra. Vốn là một doanh nhân thành đạt ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng ông không cảm thấy hài lòng, hạnh phúc với cuộc sống đầy đủ về vật chất mà luôn khiến đầu óc luôn bất an, có những nỗi buồn cứ đeo bám không sao thoát ra được. Một ngày kia, ông bỗng khám phá ra những bí mật ngay trong đầu óc của mình, mở ra một thế giới vô cùng vi tế.

Sau biến cố ấy, ông đi đây đó để tìm hiểu, khám phá về trạng thái mới của đầu óc mình. Ông sang tận Ấn Độ để tìm hiểu về vùng đất huyền bí nhưng lúc đến nơi đó, ông bỗng ngộ ra rằng: “Đừng uổng công tìm kiếm nữa, tất cả bí mật nằm ở trong cái đầu chứ không phải ở bên ngoài”.

Những trải nghiệm ấy đã giúp ông Duy Tuệ sáng tạo ra phương pháp TMT, một phương pháp dựa vào quan sát suy nghĩ, hơi thở, làm chủ đầu óc bản thân, khám phá những năng lượng tiềm ẩn trong con người. Đây hoàn toàn không phải một cách thực hành tâm linh của tôn giáo mà là phương pháp mang tính khoa học, giúp cho khả năng hiểu biết tác động thật tốt lên não, kích hoạt những khả năng tiềm ẩn, và khai mở những năng lượng “ngủ quên” trong cơ thể.

Sau khi hoàn thiện phương pháp của mình, ông Duy Tuệ và một số người cùng chí hướng, sáng lập Trung tâm Unessco nghiên cứu và ứng dụng Phật học Việt Nam (trực thuộc Liên hiệp các hội Unesco Việt Nam). Ông đã nguyện dành phần đời còn lại để đem TMT đến với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.

Hầu hết những người trẻ đến với TMT trong tình trạng đang gặp những bế tắc, trầm cảm, chán đời, suy nhược cả tinh thần lẫn sức khoẻ. Sau một thời gian thực hành TMT, đa số đều có những thay đổi tích cực, tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn, những năng lượng yêu thương và trí tuệ dường như được khai mở. Nhóm bạn trẻ đầu tiên thực hành TMT ấy đã thành lập câu lạc bộ “Trần Nhân Tông Tuổi trẻ Thăng Long”.

Kích hoạt yêu thương

Tôi đã dự nhiều buổi sinh hoạt của CLB Trần Nhân Tông Tuổi trẻ Thăng Long ở Hà Nội và nghe 8X, 9X chia sẻ những trải nghiệm của họ về TMT.

Đối với Đinh Trọng Phúc, một kiến trúc sư, điều đáng sợ nhất là cái chết và nói trước đám đông. Nhưng hôm ấy, Phúc buộc phải thuyết trình về đồ án kiến trúc của mình cho một đối tác ở Huế. Bình thường Phúc rất run nhưng từ khi thực hành TMT, anh không còn cảm thấy sợ hãi. Phúc đã thuyết trình như một nhà hùng biện để rồi sau đó hợp đồng được ký. P

hạm Hương Mai - cô gái xinh đẹp từng làm chủ một doanh nghiệp và cũng phải gánh chịu nhiều căng thẳng do công việc và chuyện gia đình. Nhưng từ khi thực hành TMT, Mai đã thay đổi hẳn: “TMT giúp em nhận ra khổ đau là do suy nghĩ của mình, nếu mình điều khiển được suy nghĩ, kích hoạt được những yêu thương tiềm ẩn thì tự nhiên hạnh phúc sẽ đến. Bây giờ em luôn thấy yêu mến những người xung quanh mình, không phán xét, không ghét bỏ ai, tắc đường cả tiếng cũng thấy vui”.

Cẩm Thanh - đang dạy ở Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, có một thời gian sang Mỹ du học, ở đó cô bị sốc văn hóa, khó hòa nhập bạn bè các nước. Nhưng khi thực hành thiền, “em thấy phương pháp này có thể giúp mỗi sinh viên VN, bằng lòng, yêu thương con người chân thật toát ra từ bên trong, gây được ấn tượng với bạn bè nước ngoài. Cách TMT giúp các cá nhân thay đổi trong trường hợp này sẽ từ chỗ có một lòng tốt theo kiểu sẵn lòng thông cảm, chia sẻ với người gặp khó khăn hoặc thân thiện cởi mở với người mới quen đến chỗ yêu thương, tôn trọng, quan tâm đến tất cả mọi người, dù là mới quen, với tình cảm như đối với người thân. Sức mạnh tình thương này sẽ toát ra từ ánh mắt, nụ cười, cách nói chuyện của mình và chiêu cảm người khác ngay cả trước khi mình có những hành động cụ thể giúp đỡ họ”.

Từ đó trải nghiệm đó, Cẩm Thanh đã đề nghị tổ chức cho những nghiên cứu sinh được học bổng Fulbright tiếp cận TMT trước khi sang Mỹ.

Ông Duy Tuệ cho hay: “TMT là phương pháp giúp con người thoát khỏi những ràng buộc đầu óc, những phân chia, giằng xé giữa các luồng tư tưởng để trở về trạng thái bình an ban đầu khi chưa tiếp xúc với sự việc, sự kiện bên ngoài, giúp ta nhận ra phản ứng của chính mình về sự kiện xảy ra cũng như nhận biết được những gì đang xảy ra xung quanh một cách tường tận, rõ ràng. TMT kích hoạt không gian tĩnh lặng vô tận của đầu óc để quan sát mọi dấu hiệu hay hiện tượng đang xảy ra và vận hành trong chính nó. Thường xuyên nhận biết các cảm xúc như lo lắng, bồn chồn, khó chịu, đau buồn, tức giận, thất vọng, tuyệt vọng… đang chạy trên cơ thể để qua đó chúng mất đi và đầu óc trở lại bình yên và sáng suốt trước mọi biến động của hoàn cảnh”.

Để đạt được trạng thái đó, cũng như các phương pháp thiền khác, quan trọng ở kiểm soát hơi thở và quan sát bên trong đầu óc.

Từ năm 2001 đến nay, ông Duy Tuệ đã viết 10 cuốn sách về TMT: “Hành trang vào đời”; “Tình thương là tài sản vô giá”; “Báu vật nhiệm màu”; “Sống Minh triết”...

Chàng trai tự khỏi HIV

Ở câu lạc bộ Trần Nhân Tông Tuổi trẻ Thăng Long, tôi đã chứng kiến những chuyện khó tin. Duy(*) sinh ra trong một gia đình khá giả ở Quảng Ninh, bố mẹ chiều chuộng. Cậu học ít, phá thì nhiều. Duy nghiện ma túy và nhiễm HIV. Bỏ lên Hà Nội, tình cờ, một người bạn thân giới thiệu cho Duy về TMT. Duy cười khẩy, nhưng cũng chiều ý bạn.

Được thầy Duy Tuệ giảng giải và trực tiếp hướng dẫn, Duy bắt đầu thực hành. Rồi Duy cai được ma tuý và dường như lột xác trở thành một con người khác hẳn! Duy tâm sự với thầy: “Từ đây trở đi, trong con thật bình yên và con thấy cuộc sống thật có ý nghĩa dù chỉ một ngày nhưng còn có ý nghĩa hơn nếu mình giúp được một ai đó”.

Khi thực hành TMT, một hạnh phúc bất ngờ khác đã đến với Duy. Tâm(*) - cô gái xinh đẹp người Hà Nội đã yêu Duy, ngay cả khi biết Duy từng nghiện hút 8 năm và đang có HIV. “Em muốn cưới anh”, lời đề nghị của Tâm khiến Duy không tin vào tai mình nữa.

Họ làm đám cưới trong khi bố mẹ cô dâu không hề biết chàng rể đã có HIV. Thực hành TMT đều đặn, từ một con nghiện gầy giơ xương, mặt lúc nào cũng tái xám, Duy trở nên khoẻ mạnh. Một ngày nọ, Duy đến Bệnh viện Bạch Mai xét nghiệm định kỳ thì nhận được kết quả: HIV âm tính. Duy tưởng mình nhìn nhầm. Xét nghiệm lại. Âm tính. Căn bệnh mà cả nhân loại đang bó tay đã bị đẩy ra khỏi cơ thế Duy theo cách mà y học không thể giải thích được.

Tâm đã sinh một bé trai kháu khỉnh. Hai vợ chồng đều đã có việc làm ổn định.

Bố mất sớm, nhà đông anh em, từ nhỏ Tuệ Lai đã phải đi ở nhà cô dì chú bác. Học giỏi, thi đậu đại học nhưng Tuệ Lai lặng lẽ xé giấy báo để vào Huế để đi tu, nhưng đúng lúc ấy cô biết đến Thiền Minh Triết. Bỏ ý định đi tu, học TMT. Thầy Duy Tuệ dạy Tuệ Lai: “Hãy tìm người mình ghét nhất để tập yêu thương”. Tuệ Lai cố gắng để tìm ra người mình ghét nhất, nhưng tìm mãi không ra. TMT đã khơi dậy những năng lượng yêu thương trong em cô, đến mức không thấy ghét ai được nữa.

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi. 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG