Soi đường bằng ánh sáng yêu thương và khát vọng

TP - Vũ Thị Hải Anh, sinh năm 2000, quê Nam Định, hiện đang học năm nhất tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Những nỗ lực của Hải Anh để đạt được các thành tích cho cá nhân và cả các dự án vì cộng đồng khiến những người nghe kinh ngạc...
Soi đường bằng ánh sáng yêu thương và khát vọng ảnh 1
Hải Anh trong lễ nhập học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn. Ảnh: NVCC

Chỉ ngủ 4 tiếng/ngày

Tôi tình cờ gặp Hải Anh trong một sự kiện thiện nguyện, làm quen rồi thường xuyên trò chuyện. Gần đây, tôi nhận gửi giúp em hồ sơ cho chương trình “Nâng bước thủ khoa”, chương trình tôn vinh, trao học bổng cho thủ khoa có hoàn cảnh khó khăn do báo Tiền Phong tổ chức. Em lập tức được chọn vì hồ sơ của em đạt yêu cầu và những thành tích của em đều rất đặc biệt.

Hải Anh luôn cười rạng rỡ và đúng giờ. Tôi hẹn cà phê với Hải Anh lúc 7 rưỡi tối ngày cuối năm, vẫn như thường lệ, Hải Anh đến sớm và tranh thủ ngồi làm việc trên chiếc laptop. “Em luôn sợ vì việc mình chậm vài phút sẽ đánh mất đi một cơ hội nào đó”, Hải Anh chia sẻ.

“Em biết, để trở thành nhà báo đối với người bình thường đã khó, đối với người khiếm thị càng khó khăn hơn. Nhưng chúng em có quyền hy vọng và em cũng không lẻ loi trên con đường đó. Thực tế, có những người khiếm thị mà em quen cũng đã trở thành những nhà báo thực thụ”.

Hải Anh

Một ngày của Hải Anh bắt đầu từ lúc 4 giờ sáng và kết thúc vào khoảng 11, 12 giờ đêm. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ đã lớn tuổi, sức khỏe suy yếu và anh trai mắc bệnh tuyến giáp nên không thể giúp đỡ cho em về mặt kinh tế. Vì vậy, ngoài giờ lên lớp, Hải Anh luôn tranh thủ làm thêm thu nhập bằng nhiều công việc như xoa bóp bấm huyệt, gỡ băng cho các trung tâm nghiên cứu. Ít ai nghĩ rằng, một người mù hoàn toàn như Hải Anh lại có thể làm “dẫn chương trình”, thế mà Hải Anh cũng có thể tăng thu nhập bằng nghề này.

Về thời gian, có những phần mềm trên điện thoại để hỗ trợ cho người khiếm thị, nhưng cách xem giờ của Hải Anh không đơn thuần là xem giờ. Đó là Hải Anh nhớ giờ qua lịch phát sóng của các chương trình truyền hình. “Em duy trì thói quen nghe phát thanh trong những thời gian rảnh từ lúc còn nhỏ. Nhờ đó, em nhớ giờ phát sóng và đó cũng là cách để em biết được giờ giấc”, Hải Anh nói.

Soi đường bằng ánh sáng yêu thương và khát vọng ảnh 2
Lễ trao giải Tỏa sáng Nghị lực Việt 2022. Ảnh: NVCC

Nghe nhiều chương trình phát thanh nên dần dà, ước mơ trở thành nhà báo dần nhen nhóm trong em. Ngày còn bé, việc được đi học với Hải Anh là mơ ước cao xa. “Có cô giáo nói “sẽ không có một ngôi trường nào đón nhận người mù”. Câu nói đó ám ảnh suốt tuổi thơ của em”, Hải Anh nói. Mẹ em đã giúp em vượt qua ám ảnh đó khi dạy chữ nổi Braille cho em lúc 8 tuổi. Năm năm sau, em vào học tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, ngôi trường dành cho người mù tại Hà Nội và giờ đã là một cô sinh viên đại học.

“Em biết, để trở thành nhà báo đối với người bình thường đã khó, đối với người khiếm thị càng khó khăn hơn. Nhưng chúng em có quyền hy vọng và em cũng không lẻ loi trên con đường đó. Thực tế, có những người khiếm thị mà em quen cũng đã trở thành những nhà báo thực thụ”, Hải Anh chia sẻ.

Vũ Thị Hải Anh đoạt được nhiều giải thưởng như: Giải đặc biệt cuộc thi viết thư UPU, giải nhì cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc toàn quốc cùng nhiều giải thưởng khác. Hải Anh cùng nhóm cũng tổ chức nhiều dự án dành cho cộng đồng người khuyết tật như dự án “The Eyes project” nhằm chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành giữa hai cộng đồng người khiếm thị và không khiếm thị; Dự án đào tạo kĩ năng nấu ăn cho người khiếm thị dưới sự bảo trợ của Trung ương Hội người mù Việt Nam và tài trợ bởi quỹ Abilis…

Bằng sự ghi nhận của cộng đồng và xã hội, Hải Anh là một trong 50 tấm gương thanh niên tiêu biểu toàn quốc được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng bằng khen và vinh danh tại chương trình Tỏa sáng Nghị lực Việt 2022. Mới đây, Hải Anh có mặt trong danh sách các học sinh có thành tích xuất sắc, được báo Tiền Phong hỗ trợ qua chương trình “Nâng bước thủ khoa 2023”.

Lo cho mình và lo cho cộng đồng

Có một ước mơ lớn hơn mà cô gái nhỏ bé này chia sẻ với tôi. Đó là mong muốn góp phần nhỏ của mình vào những dự án vì cộng đồng người khuyết tật, giúp họ học các kĩ năng để có thể tự lập.

Hải Anh say sưa kể về dự án mới nhất của mình, là dự án hỗ trợ người khuyết tật khiếm thị và khuyết tật vận động về hành chính công trực tuyến. Dự án này xuất phát từ những khó khăn, bất cập mà chính Hải Anh trải qua khi phải đi làm thủ tục hành chính trực tiếp. Sau 2 năm kêu gọi, Hải Anh cùng nhóm của mình được quỹ các dự án cộng đồng của người yếu thế trên toàn thế giới của Phần Lan chấp thuận tài trợ 5.000 Euro để thực hiện.

Dự án triển khai 3 giai đoạn, gồm: Hội thảo chuyên môn; đề tài nghiên cứu để đưa ra các con số chính xác về mức độ khó khăn khi người khuyết tật làm thủ tục hành chính công trực tiếp; cuối cùng là lớp học hướng dẫn cho cả người khuyết tật khiếm thị, khuyết tật vận động.

“Em cảm thấy, người khuyết tật hoàn toàn có thể tự làm được hầu hết các công việc, nếu có quyết tâm, được hướng dẫn”, Hải Anh vừa nói, vừa xoay chiếc laptop hướng về phía tôi và nói.

Laptop của Hải Anh không khác gì một chiếc máy bình thường, chỉ có thêm phần mềm trình đọc màn hình có tên NVDA dành cho người khiếm thị. Khi em gõ trên bàn phím, các dòng chữ nổi lên màn hình cũng phát ra âm thanh. Vì thế, hiện nay, em đã có thể dựng phóng sự phát thanh, dựng bài tập và những thứ khác.

Soi đường bằng ánh sáng yêu thương và khát vọng ảnh 3
Hải Anh cùng chiếc laptop của mình.

Ngay từ lúc nhỏ, vì bố mẹ vẫn phải đi làm nên những việc sinh hoạt hàng ngày như nấu cơm, nhặt rau, xách nước… em vẫn phải làm. Khi bước chân vào đại học, cuộc sống của em cũng không bị đảo lộn quá nhiều. Điều khó khăn nhất là em không thể đi xe nên hàng ngày em phải bỏ chi phí đi xe ôm công nghệ và học tập qua giáo trình trên slide, không hỗ trợ cho người khuyết tật.

“Thầy cô và các bạn cũng sẵn sàng hỗ trợ trong việc học tập của em. Trường luôn chú trọng sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như việc hỗ trợ đi siêu thị không đồng, tổ chức thi vấn đáp… Em chỉ có một niềm tin duy nhất. Đó là tin vào lòng can đảm và sự tử tế trong mỗi con người”, Hải Anh nói. Mải say mê vào câu chuyện của em, đôi lúc, tôi quên mất Hải Anh là một người khiếm thị hoàn toàn.

MỚI - NÓNG