Sở Y tế TPHCM nêu nguyên nhân khiến hàng chục người ngộ độc sau khi ăn bánh su kem

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sở Y tế TPHCM cho rằng, có trường hợp không dự tiệc Trung thu do Ban quản lý chung cư Palm Heights tổ chức nhưng vẫn bị ngộ độc và có cùng triệu chứng sau khi ăn bánh có cùng nhãn hiệu, cùng địa chỉ nơi mua bánh. Như vậy, loại trừ khả năng bánh su kem mới bị nhiễm khuẩn tại nơi tổ chức tiệc Trung thu, mà đã bị nhiễm khuẩn trước đó.

Sáng ngày 4/10, Sở Y tế TPHCM tổ chức cuộc họp khẩn liên quan vụ việc ngộ độc thực phẩm sau tiệc Trung thu tại chung cư Palm Heights.

Tại cuộc họp, tổ công tác báo cáo lại kết quả điều tra các trường hợp có triệu chứng ngộ độc thực phẩm sau khi dự tiệc Trung thu tại chung cư Palm Heights. Về việc thu dung, điều trị các bệnh viện cũng đã báo cáo cập nhật tình hình những trường hợp ngộ độc thực phẩm.

Dựa trên những thông tin chi tiết của việc điều tra dịch tễ liên quan, các chuyên gia về ngộ độc thực phẩm đã thống nhất với nhận định, đây là trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt. Vụ việc có diễn biến phức tạp và khó nhận biết hơn so với các trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt trước đây, thường xảy ra tại các trường học (nhà trẻ, mẫu giáo).

Sở Y tế TPHCM nêu nguyên nhân khiến hàng chục người ngộ độc sau khi ăn bánh su kem ảnh 1

Bệnh viện Lê Văn Thịnh nơi tiếp nhận trường hợp bệnh nhi đến cấp cứu nhưng đã tử vong trước nhập viện

Về loại thực phẩm nào gây ra ngộ độc trong trường hợp này, khả năng cao là từ bánh su kem (loại trừ xúc xích nướng, nước uống cũng được dùng trong tiệc Trung thu).

Về nguyên nhân gây ra ngộ độc sau ăn bánh su kem, các chuyên gia cho rằng khả năng cao là bánh đã bị nhiễm khuẩn. Thực tế cho thấy, tất cả trường hợp ngộ độc đều có triệu chứng giống nhau liên quan đến nhiễm khuẩn thức ăn như sốt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, bạch cầu máu tăng cao, CRP tăng cao (xét nghiệm máu giúp nhận biết cơ thể bị nhiễm vi khuẩn).

Tuy nhiên, có trường hợp không dự tiệc Trung thu do Ban quản lý chung cư Palm Heights tổ chức nhưng vẫn bị ngộ độc và có cùng triệu chứng sau khi ăn bánh su kem có cùng nhãn hiệu, cùng địa chỉ nơi mua bánh. Như vậy, loại trừ khả năng bánh su kem mới bị nhiễm khuẩn tại nơi tổ chức tiệc Trung thu, mà đã bị nhiễm khuẩn trước đó.

Về tác nhân gây ra nhiễm khuẩn, các chuyên gia đề nghị cần chờ kết quả phân lập vi khuẩn. Kết quả này đang được Viện vệ sinh Y tế Công cộng TPHCM xử lý.

Người có kinh nghiệm hàng chục năm trong công tác cấp cứu ngộ độc hàng loạt ở trẻ em, BS Bạch Văn Cam - cố vấn chuyên môn của BV Nhi Đồng 1 cho biết, có hai nhóm tác nhân thường gặp gây ra ngộ độc thực phẩm. Trường hợp các triệu chứng ngộ độc xuất hiện sớm trước 6 giờ (sau khi ăn) thì thường là do độc tố enterotoxin của vi khuẩn tụ cầu. Trường hợp các triệu chứng xuất hiện muộn, thường do cơ thể bị nhiễm khuẩn do tác nhân salmonella spp gây ra.

Đến sáng 4/10 đang còn 17 trẻ đang nằm điều trị tại các bệnh viện (Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Lê Văn Thịnh, Nhân dân Gia Định), sức khoẻ đều ổn định. Tổng số trường hợp có biểu hiện ngộ độc đến nay ghi nhận khoảng 50 trường hợp, trong đó có bé gái 6 tuổi tử vong trước khi chuyển đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh.

MỚI - NÓNG