So sánh thảm họa hạt nhân Fukushima và Chernobyl

So sánh thảm họa hạt nhân Fukushima và Chernobyl
TP - Sau khi Nhật Bản nâng độ nguy hiểm phóng xạ ở nhà máy điện nguyên tử Fukushima số 1 từ 5 lên 7 (cao nhất theo chuẩn quốc tế), bằng mức sự cố Chernobyl, người ta đưa ra số liệu so sánh giữa hai thảm họa hạt nhân này.
Bơm nước từ lò phản ứng hạt nhân số 4 của nhà máy Fukushima hôm 12-4 Ảnh: Tepco
Bơm nước từ lò phản ứng hạt nhân số 4 của nhà máy Fukushima hôm 12-4. Ảnh: Tepco.

Nhà máy Fukushima số 1 của Nhật Bản có tất cả 6 lò phản ứng hạt nhân, trong đó 3 lò bị sự cố. Tuy nhiên, tai nạn ở nhà máy còn do các bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng bị mất hệ thống làm lạnh. Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl (Ukraine) có tổng cộng 4 lò phản ứng nhưng chỉ có 1 lò bị sự cố và không có vấn đề về bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng.

Về nguyên nhân, tai nạn ở Fukushima xảy ra từ ngày 11-3 có nguyên nhân trực tiếp là trận động đất 9 độ Richter gây sóng thần đã làm hỏng hệ thống cấp điện cho nhà máy dẫn đến tê liệt thiết bị làm mát, kéo theo một số vụ nổ khí hydro.

Thảm họa hạt Chernobyl xảy ra ngày 26-4-1986 khi 1 lò phản ứng đang chạy để kiểm tra hệ thống bỗng công suất điện đầu ra tăng vọt, khiến vỏ lõi lò nứt toác, dẫn đến một loạt tiếng nổ và nhà máy cháy dữ dội trong suốt 10 ngày.

Về cấu tạo loại lò phản ứng, nhà máy Fukushima số 1 sử dụng công nghệ lò phản ứng nước sôi nhưng lõi lò không dùng chất than chì dễ cháy, lại được gia cố 1 lớp vỏ lò nên lớp vỏ này vẫn nguyên vẹn sau sự cố. Nhà máy Chernobyl cũng sử dụng công nghệ lò phản ứng hạt nhân nước sôi nhưng vỏ lõi được chế tạo từ chất mô phỏng than chì dễ cháy, bên ngoài lõi lò không được gia cố một lớp vỏ nào. Do vậy, khi vỏ lõi bị vỡ, không còn lớp nào khác ngăn bụi phóng xạ bốc lên không trung.

Về lượng bụi phóng xạ thoát ra ngoài, tính đến ngày 12-4, nhà máy Fukushima số 1 để thoát ra ngoài môi trường tổng cộng 370.000 terabecquerel. Với nhà máy Chernobyl, con số này là 5,2 triệu terabecquerel. Về phạm vi ô nhiễm, trong trường hợp nhà máy Fukushima số 1, tại các vị trí cách nhà máy hơn 60 km về phía tây bắc và khoảng 40 km về phía tây nam, mức phóng xạ đo được đều cao hơn mức giới hạn cho cả năm.

Với nhà máy Chernobyl, ô nhiễm phóng xạ lan xa đến 500 km. Tuy nhiên, ở Fukushima, phạm vi vùng dân phải sơ tán cách nhà máy bán kính từ 20 đến 30 km, trong khi tại Chernobyl, phạm vi sơ tán ấn định một mức cách nhà máy 30 km.

Tổng chi phí cho việc làm sạch, tái định cư và bồi thường nạn nhân vụ Chernobyl ước tính gần 200 tỷ USD Ảnh: Kalra
Tổng chi phí cho việc làm sạch, tái định cư và bồi thường nạn nhân vụ Chernobyl ước tính gần 200 tỷ USD. Ảnh: Kalra.

Về số người phải đi sơ tán, ở Fukushima và vùng lân cận là hàng chục ngàn người. Tại Chernobyl, năm 1986, Liên Xô cho sơ tán khoảng 115.000 người. Về số người chết, ở Fukushima chưa có người nào chết do nhiễm phóng xạ từ sự cố này. Trong vụ Chernobyl, tính đến năm 2008, có 64 người chết vì nhiễm phóng xạ.

Về ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người, tại Fukushima hiện chưa thể đánh giá được cụ thể. Tại Chernobyl, tính đến năm 2005, có hơn 6.000 ca mắc bệnh ung thư trong số người bị nhiễm bụi phóng xạ ở tuổi thanh thiếu niên khi vụ nổ hạt nhân xảy ra.

Về tình trạng nhà máy sau sự cố, các quan chức Nhật Bản cho biết, bụi phóng xạ từ nhà máy Fukushima số 1 vẫn tiếp tục thoát ra môi trường và được dự báo sẽ vượt mức bụi phóng xạ thoát ra từ nhà máy Chernobyl. Ưu tiên cao nhất tại Fukushima hiện nay là khôi phục hệ thống làm mát cho các bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng và thiết bị làm mát bên trong các lò phản ứng đã bị hỏng do động đất, sóng thần.

Tại Chernobyl, lò phản ứng gặp sự cố được trùm bằng một lớp bê tông dày. Các chuyên gia an toàn hạt nhân đang tạo thêm một lớp vỏ mới trùm lên ngôi mộ bê tông ở nhà máy Chernobyl nhằm ngăn chặn vĩnh viễn bụi phóng xạ thoát ra ngoài. Dự kiến lớp vỏ mới này được hoàn thành vào năm 2014.

Đại Phượng
Theo BBC

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG