Số người mắc COVID-19 vẫn tăng mạnh ở nhiều nước

Một nhân viên y tế diệt khuẩn trên các quan tài đặt trong nhà thờ San Giuseppe ở Seriate, Italyảnh: Carlo Cozzoli
Một nhân viên y tế diệt khuẩn trên các quan tài đặt trong nhà thờ San Giuseppe ở Seriate, Italyảnh: Carlo Cozzoli
TP - Dịch COVID-19 vẫn diễn biến nghiêm trọng ở các điểm nóng trên thế giới, bất chấp nỗ lực phong toả và hạn chế đi lại mà các chính phủ áp dụng để hãm đà lây lan.

Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump vừa từ chối phong toả New York dù thành phố này đang là tâm dịch COVID-19 của Mỹ. Ông Trump nói sẽ đưa ra khuyến cáo đi lại đối với New York thay vì cô lập hoàn toàn nơi này. Thông báo được đưa ra khi số ca tử vong vì COVID-19 ở Mỹ đã vượt 2.100 (tính đến ngày 28/3), gần gấp đôi con số của 2 ngày trước. Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm, với khoảng 122.000 trường hợp.

Công tác xét nghiệm để đánh giá toàn bộ quy mô dịch bệnh vẫn gặp khó khăn do thiếu nguồn cung thiết bị, dù Nhà Trắng nhiều lần hứa sẽ sớm đáp ứng đầy đủ nhu cầu. 

Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa gửi thư đến 30 triệu gia đình của nước này để nhắn nhủ rằng tình hình sẽ còn tồi tệ hơn rồi mới khá lên. Anh đến nay có 17.089 ca nhiễm và 1.019 trường hợp tử vong. Giới chức nước này dự báo đỉnh dịch sẽ tới sau vài tuần nữa.

Thứ trưởng Y tế Italy, ông Pierpaolo Sileria, phát biểu trên truyền hình rằng nước này đã gần đến đỉnh dịch. Ông nói “tối đa 10 ngày nữa” Italy sẽ thấy số ca nhiễm giảm dần. Italy đến nay có 92.472 ca nhiễm và 10.023 người tử vong.

Hôm 28/3, tám bệnh nhân Pháp và Italy mắc COVID-19 được chuyển bằng máy bay đến các bệnh viện ở Đức.  “Những người bạn ở Italy đang rất cần sự đoàn kết của chúng ta trong những ngày này. Với sự đồng ý của các bệnh nhân, chúng tôi muốn gửi đi thông điệp: Các bạn không đơn độc”, Thủ hiến vùng Bắc Rhine-Westphalia (Đức), ông Armin Laschet, nói. 

Các bang khác của Đức cũng khẳng định sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân từ Pháp và Italy, trong bối cảnh hệ thống bệnh viện của hai quốc gia này đang quá tải. Thủ tướng Albania cho biết nước này vừa cử 30 bác sĩ và y tá đến Italy hỗ trợ chống dịch.

Hôm qua, Tây Ban Nha bước sang tuần thứ 3 của giai đoạn phong toả, nhưng vẫn có thêm 838 ca tử vong chỉ sau 1 ngày, nâng tổng số người chết vì đại dịch lên 6.528. Đây là mức tử vong cao thứ hai thế giới sau Italy. Cùng ngày, số ca nhiễm ở Tây Ban Nha tăng từ 72.248 lên 78.797. Trước tình hình đó, Thủ tướng Pedro Sanchez tối 28/3 thông báo trên truyền hình về việc hạn chế đi lại, trong đó có quy định tất cả những người làm công việc không cần thiết phải ở nhà cho đến ngày 9/4.

Công chúa Tây Ban Nha Maria Teresa vừa trở thành thành viên hoàng gia đầu tiên trên thế giới qua đời vì COVID-19. Công chúa 86 tuổi là chị họ của Nhà vua Tây Ban Nha Felipe VI.

Bộ Y tế Philippines hôm qua báo cáo có thêm 343 ca mắc COVID-19, mức tăng lớn nhất theo ngày mà nước này từng ghi nhận. Philippines cũng có thêm 3 trường hợp tử vong, nâng tổng số người chết và mắc COVID-19 ở nước này lên tương ứng là 71 và 1.418.

Cùng ngày, nước láng giềng Malaysia ghi nhận 150 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 ở nước này lên 2.470, mức cao nhất ở Đông Nam Á. Malaysia có thêm 7 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng vì dịch bệnh lên 34.

WHO thử nghiệm các loại thuốc

Các bệnh nhân ở Na Uy sẽ trở thành những người đầu tiên tham gia một nghiên cứu quốc tế quy mô lớn để tìm ra phương pháp điều trị COVID-19 hữu hiệu nhất, được khởi xướng bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nghiên cứu sẽ được triển khai đầu tiên tại Bệnh viện ĐH Oslo, CNN dẫn thông báo của chính phủ Na Uy. Nghiên cứu này sẽ được dẫn dắt bởi ông John-Arne Rettingen, Giám đốc Viện Nghiên cứu Na Uy.

Kế hoạch của dự án là sẽ mở rộng quy mô nghiên cứu ra 22 bệnh viện trên khắp Na Uy. Các loại thuốc được sử dụng trong thử nghiệm này là thuốc sốt rét hydroxychloroquine/plaquenil, thuốc điều trị Ebola remdesivir và thuốc dành cho người nhiễm HIV (lopinavir/ritonavir). Chúng có thể được sử dụng riêng biệt hoặc kết hợp với thuốc viêm gan (interferon-β1a).  

MỚI - NÓNG