Số ca COVID-19 tăng chóng mặt, Indonesia cạn kiệt oxy

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh hoạ: Reuters
Ảnh minh hoạ: Reuters
TPO - Người đứng đầu cơ quan y tế Indonesia cho biết đảo Bali đang cạn kiệt oxy do số bệnh nhân mắc COVID-19 gia tăng chóng mặt.

Bali cùng đảo Java và 15 khu vực khác ở Indonesia hiện đang được áp đặt các biện pháp hạn chế phòng COVID-19. Lệnh hạn chế sẽ hết hạn vào Chủ nhật, 25/7, nhưng chính phủ đang thảo luận về việc có nên gia hạn hay không.

Ketut Suarjaya, người đứng đầu cơ quan y tế Bali cho biết khu vực này bị thiếu oxy từ ngày 14/7. “Và tình trạng đang trở nên nghiêm trọng hơn do số ca mắc mới tăng vọt. Có một cuộc khủng hoảng oxy ở Bali.”

Hôm thứ Năm, Suarjaya cho biết các bệnh nhân ở Bali cần tới 113,3 tấn oxy, trong khi các bệnh viện chỉ có 40,5 tấn.

Tình trạng thiếu oxy cũng đã được ghi nhận ở Java, buộc chính quyền Indonesia phải nhập khẩu oxy từ các nước như Mỹ và Trung Quốc.

Số ca COVID-19 tăng chóng mặt, Indonesia cạn kiệt oxy ảnh 1

Lực lượng an ninh canh gác một cơ sở sang chiết bình dưỡng khí ở Bali. Ảnh: Reuters

Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới, đã ghi nhận hơn 3 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 80.500 ca tử vong theo số liệu chính thức. Tốc độ lây lan của dịch bệnh đến nay không có dấu hiệu chậm lại. Java và Bali chiếm hơn 60% tổng số ca bệnh ở Indonesia. Mỗi ngày, quốc gia này ghi nhận khoảng 40.000-50.000 ca mắc COVID-19 mới.

Trong một diễn biến liên quan, lượng vắc xin COVID-19 sẵn có ở Indonesia đang vơi đi nhanh chóng, chỉ còn khoảng 15 triệu liều, khiến nước này không đạt được mục tiêu một triệu mũi tiêm/ngày trong tuần qua.

Trước đó, Indonesia đạt năng suất tiêm mỗi ngày một triệu mũi trong ít nhất bảy ngày đầu tháng Bảy, và một ngày cuối tháng Sáu. Nhưng tỉ lệ đã giảm xuống dưới một triệu liều trong bảy ngày qua, theo dữ liệu của chính phủ. Chỉ có khoảng 700.000 liều vắc xin được tiêm vào thứ Bảy (24/7).

Indonesia đã mua được 480 triệu liều vắc xin COVID-19 từ các nhãn hiệu khác nhau và gần một phần ba trong số này đã được chuyển giao.

Tình trạng của Indonesia nhấn mạnh sự mất cân bằng giữa các quốc gia giàu có và các nền kinh tế mới nổi trong việc tiếp cận vắc xin. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhiều lần cảnh báo việc phân phối vắc xin không công bằng là thách thức lớn nhất đối với việc chấm dứt đại dịch.

Chính phủ Indonesia hy vọng sẽ đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng bằng cách tiêm chủng cho 2/3 dân số 270 triệu người vào cuối năm nay.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG