Các chuyên gia còn lo ngại rằng, việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm và đồ uống này khiến mọi người có thể trở nên tự mãn cho rằng họ đã được bảo vệ mà phớt lờ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
“Mọi người đã nhận được thông tin sai lệch về việc những mặt hàng này có thể chữa khỏi COVID-19 hoặc ít nhất là ngăn mọi người bị nhiễm bệnh hoặc khắc phục một số triệu chứng”, tiến sĩ Siti Nadia Tarmizi, Giám đốc trung tâm Phòng chống và kiểm soát bệnh truyền nhiễm Indonesia, cho biết.
“Chưa có thử nghiệm lâm sàng nào cho thấy chúng hiệu quả trong việc ngăn ngừa chứ đừng nói đến việc chữa khỏi COVID-19”, bà Tarmizi cho biết thêm.
Bộ Y tế Indonesia đã nhiều lần cảnh báo công chúng về việc tích trữ những mặt hàng này, nhưng dường như thông điệp này đã bị phớt lờ. Theo các tạp chí y tế, uống quá nhiều sữa có thể gây ra nhiều vấn đề về tiêu hóa. Trong khi đó, tiêu thụ dừa với số lượng lớn có thể khiến nồng độ kali trong máu trở nên quá cao và có thể dẫn đến các vấn đề về thận.
Trong vài tuần qua, một số video quay cảnh người dân Indonesia chen lấn nhau để mua một nhãn hiệu sữa bò đã lan truyền. Hiện tượng này dường như xuất phát từ thông tin chưa được xác minh rằng nhãn hiệu sữa tiệt trùng này có thể tăng cường kháng thể, do đó sẽ ngăn ngừa nhiễm COVID-19. Với nhu cầu tăng đột biến, một số đại lý được cho là đã tăng giá lên tới 5 lần.
Điều tương tự cũng xảy ra với trái dừa xanh. Có người mua một lúc 4-5 quả, dù giá tăng gấp đôi. Ngoài ra, ở Indonesia hiện nay còn có những tin đồn ăn tỏi và uống mật ong Ấn Độ cũng giúp khỏi COVID-19.
Tiến sĩ Hermawan Saputra thuộc Hiệp hội Chuyên gia Y tế Công cộng Indonesia (IAKMI) cho biết mọi người ngày càng trở nên tuyệt vọng hơn trong việc tự bảo vệ mình khi số ca mắc COVID-19 tăng lên hàng ngày. Ông cho biết thêm: “Ở giai đoạn này, ngày càng nhiều người cảm thấy cần phải bảo vệ bản thân và gia đình. Thật không may cho một số người, họ tin vào bất cứ điều gì ”.
Ông nói: “Dự trữ những mặt hàng này là vô nghĩa. Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi nhiễm COVID-19 là tuân thủ các quy trình sức khỏe, đeo khẩu trang, tránh đám đông và rửa tay thường xuyên.”
Indonesia đã ghi nhận 2,8 triệu ca nhiễm COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu. Khoảng 350.000 người có kết quả dương tính trong một tuần qua. Từ 800 đến 1.200 người chết hằng ngày vì đại dịch trong bảy ngày qua, nâng số người chết vì COVID-19 của đất nước lên hơn 70.000 người.