Sau tuyên bố của P5, Trung Quốc nói sẽ tiếp tục hiện đại hoá vũ khí hạt nhân

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 4/1, Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục “hiện đại hoá” kho vũ khí hạt nhân của mình, đồng thời kêu gọi Mỹ và Nga giảm số đầu đạn hạt nhân của họ. Tuyên bố được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi nhóm P5 cam kết ngăn chặn mở rộng loại vũ khí nguy hiểm này.

Trong một tuyên bố thể hiện quan điểm chung sau những căng thẳng Đông – Tây, nhóm các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh và Pháp đã tái khẳng định mục tiêu xây dựng một thế giới không có vũ khí nguyên tử và tránh xung đột hạt nhân.

Nhóm P5 cũng cam kết từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trong tương lai, sau khi loại vũ khí này bị Mỹ sử dụng một lần ở Nhật Bản vào cuối Thế chiến 2.

Nhưng việc thống nhất tuyên bố đó với thực tế sẽ không dễ dàng, khi cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gay gắt.

Hiện có nhiều lo ngại về quá trình hiện đại hoá quân sự của Trung Quốc, nhất là sau khi lực lượng vũ trang nước này thông báo rằng họ đã phát triển thành công vũ khí siêu thanh, có thể bay nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh.

Mỹ cũng khẳng định Trung Quốc đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân lên 700 đầu đạn vào năm 2027 và có lên tới 1.000 vào năm 2030.

Ngày 4/1, Trung Quốc bảo vệ chính sách hạt nhân của mình, đồng thời cho rằng Nga và Mỹ - hai quốc gia sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân nhất thế giới hiện nay – nên từ bỏ vũ khí trước tiên.

“Mỹ và Nga vẫn sở hữu 90% số đầu đạn hạt nhân trên Trái Đất. Họ phải giảm kho vũ khí hạt nhân của mình theo cách có ràng buộc về pháp lý và không thể đảo ngược”, Fu Cong, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói với báo chí.

Quan chức này cũng đáp trả cáo buộc của Washington. “Về những khẳng định mà Mỹ đưa ra rằng Trung Quốc đang tăng mạnh năng lực hạt nhân là không đúng sự thật. Trung Quốc luôn tuân thủ chính sách không sử dụng trước và chúng tôi duy trì năng lực hạt nhân ở mức tối thiểu để phục vụ an ninh quốc gia”, ông Fu nói.

“Trung Quốc sẽ tiếp tục hiện đại hoá vũ khí hạt nhân về độ tin cậy và an toàn”, ông Fu tuyên bố.

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang căng thẳng vì hàng loạt vấn đề, trong đó có ý định của Trung Quốc về việc thống nhất đảo Đài Loan, có thể bằng vũ lực.

Ông Fu phủ nhận suy đoán về khả năng Trung Quốc đưa vũ khí hạt nhân ra gần eo biển Đài Loan.

“Vũ khí hạt nhân là biện pháp răn đe tối thượng, không phải để mang ra chiến đấu hay giao tranh”, ông Fu nói.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.