Người bỏ cọc, kẻ chưa nộp tiền
Ngày 8/2, Cục Thuế TPHCM xác nhận, đến nay vẫn chưa nhận được lệ phí trước bạ và 50% tiền sử dụng đất của các doanh nghiệp trúng đấu giá đất Khu đô thị mới Thủ Thiêm tại phiên đấu giá ngày 10/12/2021, dù đã quá thời hạn nộp tiền.
Trước đó, ngày 6/1, Cục Thuế TPHCM ban hành 8 thông báo đóng tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ cho 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm tại phiên đấu giá ngày 10/12/2021. Thời hạn bắt đầu được tính từ ngày 7/1.
Sau đó, Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt trúng đấu giá lô đất số 3-12 (diện tích 10.059m2) đã có văn bản chính thức xin bỏ cọc. Để trúng đấu giá khu đất này, thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã bỏ giá 24.500 tỷ đồng (tương đương 2,4 tỷ đồng/m2) cao hơn tới 700 tỷ đồng so với CTCP Capital One Financial, pháp nhân có mối liên hệ với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Tương tự, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh cũng có văn bản xin bỏ cọc lô đất 3-9. Hôm 10/12/2021, doanh nghiệp này đã vượt qua 140 lượt gọi giá với 13 doanh nghiệp khác để trúng đấu giá lô đất 3-9 với số tiền 5.026 tỷ đồng, gấp 6,9 lần so với giá khởi điểm.
Còn trụ lại là Công ty CP Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3-5 (diện tích 6.446m2) đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng lệ phí trước bạ đối với diện tích thực hiện chức năng thương mại dịch vụ. Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 (diện tích 8.568,1m2) đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, được miễn nộp lệ phí trước bạ theo hướng dẫn về lệ phí trước bạ đối với diện tích đất ở.
Thế nhưng tính đến hết ngày 7/2 đã hết hạn 30 ngày để các công ty đóng tiền đợt 1 nhưng Cục Thuế TPHCM vẫn chưa nhận được tiền. Theo quy định, nếu quá thời hạn thanh toán các đợt 1, đợt 2 thì doanh nghiệp trúng đấu giá phải nộp tiền chậm nộp theo quy định pháp luật về quản lý thuế.
Quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký thông báo thuế mà người trúng đấu giá không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá sẽ bị xem là vi phạm hợp đồng mua bán. Khi đó, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TPHCM sẽ thông báo về việc không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá để Trung tâm Phát triển quỹ đất báo cáo Sở Tài nguyên Môi trường trình UBND TPHCM hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá.
Người trúng đấu giá không nộp hoặc không nộp đủ tiền trúng đấu giá theo thời gian trên sẽ không được nhận lại tiền đặt trước. Tiền đặt trước này sẽ nộp vào ngân sách nhà nước.
Luật còn lỏng lẻo
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, Luật Đấu giá 2016 quy định DN tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước với mức tối đa 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá.
Tuy nhiên, luật không quy định nhà đầu tư phải nộp thêm tiền đặt trước, hoặc phải có văn bản cam kết nộp bổ sung tiền đặt trước, hoặc phải có văn bản bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng trong trường hợp nhà đầu tư trả giá tài sản đấu giá cao hơn rất nhiều lần so với giá khởi điểm của tài sản đấu giá.
“Đối với cuộc đấu giá tài sản có giá trị rất lớn như trường hợp đấu giá 4 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, việc chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư, để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán giá trị tài sản trúng đấu giá của nhà đầu tư là rất quan trọng”, ông Châu nói.
Khu đất ở Thủ Thiêm được mang ra đấu giá |
Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn thiếu các quy định pháp luật về điều kiện tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là điều kiện chứng minh nhà đầu tư không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất để thực hiện dự án đầu tư khác...
Trung tâm Dịch vụ Đấu giá Tài sản thuộc Sở Tư pháp TP.HCM đã ban hành “Quy chế cuộc đấu giá tài sản” yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện cam kết bằng văn bản, trong đó có cam kết không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất để thực hiện dự án đầu tư khác và các cam kết để chứng minh năng lực tài chính.
Tuy nhiên, ông Châu cho rằng, việc yêu cầu nhà đầu tư có văn bản cam kết để chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư vẫn còn mang tính hình thức và lỏng lẻo.