Theo đó, văn bản gửi Thành uỷ TPHCM, UBND TPHCM, Cục Thuế TPHCM, Trung tâm Phát triển quỹ đất TPHCM và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TPHCM, Công ty Bất động sản Ngôi Sao Việt thừa nhận đây là bài học kinh nghiệm đắt giá của doanh nghiệp khi tham gia đấu giá về sau và sẽ tuân thủ các chế tài theo quy định.
“Là doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi thấy rõ trách nhiệm của mình, luôn đặt lợi ích của đất nước lên trên lợi ích của doanh nghiệp. Khi thấy việc đấu giá sẽ dẫn đến những hệ lụy không tốt, chúng tôi sẵn sàng từ bỏ số tiền cọc gần 600 tỷ đồng nhằm đảm bảo một phần sự ổn định của thị trường bất động sản”, văn bản nêu.
Trong khi đó, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TPHCM xác nhận, đã nhận được văn bản từ Công ty Ngôi Sao Việt và báo cáo UBND TPHCM để xử lý theo quy trình.
Theo luật sư Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TPHCM, sau khi Công ty Bất động sản Ngôi Sao Việt có văn bản chính thức, các cơ quan có liên quan sẽ trình hồ sơ lên UBND TPHCM để ban hành quyết định hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá trước đây.
Tập đoàn Tân Hoàng Minh chính thức bỏ cọc đất Thủ Thiêm. |
Về quyền sử dụng lô đất 3-12 nếu hợp đồng mua bán bị chấm dứt, theo Điều 73 Luật Đấu giá tài sản, các bên sẽ khôi phục lại tình trạng ban đầu. Như vậy, quyền sử dụng lô đất sẽ được trao trả về Trung tâm Quỹ đất TP HCM quản lý, chứ không phải doanh nghiệp trả giá cao thứ hai có quyền mua. Việc có tổ chức đấu giá lại lô đất này hay không sẽ phụ thuộc vào quyết định của UBND TPHCM.
Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa kiến nghị Thường vụ Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất sau màn trả giá cao kỷ lục rồi bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm của Tân Hoàng Minh vừa qua.
HoREA cho biết, qua các cuộc đấu giá 4 lô đất thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm ngày 10/12/2021 đã cho thấy rõ các bất cập và sự cần thiết phải sớm sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và các pháp luật liên quan. Mục đích sửa đổi, bổ sung luật nhằm xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bất động sản, không làm thất thu ngân sách nhà nước; đồng thời không để xảy ra lợi dụng đấu giá để trục lợi bất chính.
Theo quan điểm của HoREA, đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị hoàn toàn khác biệt với đấu giá từng nền nhà, từng căn hộ hoặc đấu giá một bức tranh, một món đồ cổ, hay đấu giá tài sản thanh lý. Do vậy, nhà nước cần phải kiểm soát, quản lý 3 nguyên tắc quan trọng đối với đấu giá đất.
Đầu tiên là đánh giá chất lượng dự án đầu tư theo đề xuất của nhà đầu tư, hiện nay Luật Đấu giá tài sản 2016 chưa có quy định này. Kế đến đánh giá năng lực của nhà đầu tư, trước hết là có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư (hiện Luật Đấu giá tài sản 2016 chưa có quy định này). Bên cạnh đó cũng cần ngăn ngừa việc lợi dụng đấu giá để thổi giá đất, tạo mặt bằng giá ảo để đầu cơ đất đai làm nhiễu loạn thị trường, trục lợi bất chính.
Từ 3 nguyên tắc trên, HoREA liệt kê 6 nội dung cần sửa đổi bổ sung vào Luật đấu giá năm 2016 cho phù hợp với diễn biến thực tế của thị trường bất động sản giai đoạn 2022 trở về sau, gồm sàng lọc tư cách và tiềm lực nhà đầu tư tham gia, siết quy định đặt cọc, chọn phương pháp định giá đất hợp lý, tăng thời gian chuẩn bị hồ sơ đấu giá lên 35 ngày, thu hồi trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng, chỉ xem giá trúng đấu giá đất là cá biệt để tham khảo.