Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa phát thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy về công tác chuẩn bị đầu tư dự án tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ. Do đây là dự án lớn, ông Huy yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng và đánh giá đầy đủ các yếu tố theo quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
Theo đó, ông Huy yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt (đơn vị được giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) làm rõ nhu cầu vận tải trên hành lang TPHCM - Cần Thơ; đảm bảo tính khoa học, thống nhất số liệu để xác định sự cần thiết, thời điểm, quy mô đầu tư, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính của dự án.
Bộ GTVT đặt mục tiêu trong tháng này sẽ xong dự thảo báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ để gửi lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương. |
Ban Quản lý dự án đường sắt, đơn vị tư vấn lập báo cáo cũng có trách nhiệm phân tích ưu, nhược điểm cho việc lựa chọn công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật, tốc độ thiết kế, đảm bảo đồng bộ với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong tương lai, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt xuyên Á…
Ông Huy cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt rà soát các chi phí trong tổng mức đầu tư, phương án tài chính dự án theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, trích dẫn nguồn số liệu cụ thể, tính toán trong cùng mặt bằng so sánh; bổ sung phương án tổ chức, vận hành khai thác; cơ chế chính sách đặc thù để thực hiện dự án; tiến độ thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư…
Ban Quản lý dự án đường sắt được giao chỉ đạo tư vấn thiết kế hoàn thiện Hồ sơ chủ trương đầu tư dự án, trình Bộ GTVT trong tháng 3 này để lấy ý kiến các địa phương, cơ quan có liên quan.
Trước đó, Ban Quản lý dự án đường sắt đã báo cáo Bộ GTVT về kết quả khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ. Theo nghiên cứu sơ bộ, tổng vốn đầu tư dự án khoảng 9 tỷ USD (tương ứng trên 213.900 tỷ đồng), để làm đường sắt đôi khổ 1435mm, điện khí hóa.
Tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ dự kiến bắt đầu từ Bình Dương (ga An Bình) đến Cần Thơ (ga Cần Thơ), đi qua 6 tỉnh thành với tổng chiều dài hơn 174km. Tuyến đường sắt bố trí 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa... Tốc độ khai thác chạy tàu khách 190km/h, tốc độ tàu hàng dưới 120km/h.
Đơn vị tư vấn nghiên cứu dự án đề xuất đầu tư dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ theo phương thức đối tác công - tư, hợp đồng BTL (Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ). Trong đó, nhà nước chi trả tiền giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư huy động vốn xây dựng hạ tầng, thử nghiệm và bàn giao lại cho nhà nước thực hiện cho thuê vận hành thuê khai thác trong vòng 30 năm.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt này có chiều dài khoảng 174km, đường đôi, khổ 1.435mm, dự kiến nghiên cứu đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030.