Sáp nhập huyện, xã: 'Làm tốt tư tưởng, mọi việc diễn ra bình thường'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Để thực hiện tốt công tác cán bộ, chúng tôi đã có thêm chính sách hỗ trợ, khi họ nghỉ sẽ nhận được một khoản hỗ trợ thỏa đáng, như thế người ta cũng vui vẻ và đi tìm việc khác”, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy chia sẻ.

Sau khi hoàn tất sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 – 2021, tới đây các địa phương sẽ tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2023 – 2030.

Tại Kỳ họp quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, qua tổng rà soát, cả nước có 33 huyện, 1.327 xã thuộc 58 tỉnh, thành trong diện sắp xếp, thời gian từ nay đến tháng 10/2024 kết thúc, để tổ chức đại hội cấp cơ sở.

Tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất nhận thức trong xã hội, nhất là những địa bàn sắp xếp là một trong những giải pháp quan trọng, được người đứng đầu ngành nội vụ lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện.

Sáp nhập huyện, xã: 'Làm tốt tư tưởng, mọi việc diễn ra bình thường' ảnh 1

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy

Giải pháp quan trọng khác, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, là vấn đề nguồn lực để thực hiện, bởi đây là việc khó, phức tạp, nhạy cảm, nên cần chú ý đến đối tượng bị tác động, nhất là những cán bộ dôi dư, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, cấp xã.

Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong về kinh nghiệm triển khai trong quá trình sáp nhập huyện, xã, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, công tác tư tưởng của cán bộ, công chức thực hiện hiệu quả ra sao là do cách làm của mỗi địa phương. Do vậy, cần có sự chuẩn bị thật tốt khi triển khai việc này.

Ông Đỗ Đức Duy cho biết, khi thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019 – 2021, thì ngay từ năm 2019 – 2020, tỉnh Yên Bái đã giải quyết xong hết tất cả số cán bộ dôi dư.

“Để thực hiện tốt công tác cán bộ, chúng tôi đã có thêm chính sách hỗ trợ của địa phương. Ví dụ, khi họ nghỉ thì sẽ nhận được một khoản hỗ trợ thỏa đáng, như thế người ta cũng vui vẻ tìm việc khác. Làm tốt công tác tư tưởng, mọi việc diễn ra bình thường”, ông Duy chia sẻ.

Không đẩy cái khó cho dân

Bên cạnh việc giải quyết cán bộ dôi dư, việc lựa chọn trụ sở mới sau sáp nhập cũng là vấn đề đặt ra. Theo Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, tỉnh sẽ lựa chọn trụ sở thuận lợi nhất cho người dân trong hai trụ sở cũ. Việc lựa chọn trụ sở mới sau sáp nhập tùy thuộc vào khoảng cách, mức độ hiện đại hóa của trụ sở.

“Chẳng hạn, trụ sở nào đã được đầu tư khang trang thì nên ưu tiên sử dụng. Còn việc đi lại của người dân, mình cũng phải tạo điều kiện thuận lợi hơn. Nếu đường sá chưa tốt thì phải đầu tư làm cho tốt hơn", ông Duy nói.

"Thực tế phải vận hành như thế mới thuyết phục được người dân, còn cứ lấy cái dễ về cho Nhà nước, đẩy cái khó cho người dân, thì người dân sẽ không ủng hộ, hoặc ủng hộ không cao, thậm chí còn phản đối”, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái bày tỏ.

Về việc xử lý trụ sở dôi dư, cũng tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin, hiện cả nước đã xử lý được khoảng 90%. Như vậy, hiện còn khoảng 10% với gần 1 nghìn tài sản công chưa được xử lý sau sáp nhập huyện, xã, trong đó có khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, gây lãng phí.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, việc xử lý trụ sở dôi dư gặp những khó khăn trong việc chuyển đổi công năng sử dụng, như nơi nào có thể làm văn hóa, hay làm những công việc phù hợp khác, nhưng có những nơi lại không có nhu cầu…

“Bộ trưởng Tài chính nói sẽ có cơ chế chuyển đổi, địa phương phải chờ hướng dẫn rồi triển khai”, ông Đỗ Đức Duy nói.

MỚI - NÓNG