Phát biểu tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề cập đến việc tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp xã vào năm 2024 theo Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định |
Theo ông Định, dự kiến có 35 huyện và trên 1.000 xã trong 40 - 50 tỉnh thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập. Việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết, Bộ Chính trị đã có kết luận. Chính phủ cũng đã có nghị quyết, kế hoạch triển khai trên toàn quốc. Nhưng theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, hiện nay một số địa phương đang chậm tiến độ, cần phải đôn đốc, đẩy mạnh, có sự giám sát, quán triệt.
“Về phía Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cũng đã chỉ đạo, giao cho Ủy ban Pháp luật - cơ quan đầu mối và cùng với các bộ có liên quan là, Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ và các địa phương có yêu cầu", ông Định nói.
Tiến độ này cần được đẩy nhanh. “Quý I/2025 là Đại hội Đảng bộ cấp xã, quý II là cấp huyện, nếu không sắp xếp xong sẽ ảnh hưởng ngay đến công tác kiện toàn tổ chức bộ máy của nhiệm kỳ tới. Việc này là việc rất khẩn trương”, ông Định lưu ý.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành tổ chức một đợt giám sát theo yêu cầu của Quốc hội. Cụ thể là giám sát về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo ông, việc này rất lớn, trong thời gian tới và năm 2024, Chính phủ đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách đối đơn vị sự nghiệp công lập để phục vụ cho công tác giám sát và thực hiện theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương.
Quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp
Phó Chủ tịch Quốc hội viện dẫn báo cáo của Chính phủ, cho thấy, các cơ chế, chính sách đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ và nhiều văn bản hiện đang chậm.
Ví dụ như danh mục đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước, danh mục sự nghiệp công lập cơ bản thiết yếu theo ngành, lĩnh vực; hay định mức kinh tế kỹ thuật, khung giá đối với từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công; rồi quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công theo ngành, theo lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn như giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.
“Riêng giáo dục đào tạo có thể chiếm đến 70 - 75% các đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài ra còn y tế, các lĩnh vực khác; hướng dẫn vị trí việc làm và định mức biên chế sự nghiệp”, ông Định nói.
“Như vậy, mảng này còn rất nhiều, doanh nghiệp thì chúng ta đổi mới nhiều, bộ máy hành chính chúng ta đổi mới nhiều, những đơn vị sự nghiệp, chúng ta còn nhiều văn bản chưa ban hành đúng tiến độ và còn rất nhiều việc phải làm”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho hay.