Sao nỡ bóp nghẹt hy vọng của ngư dân?

TP - Hơn 1 năm triển khai Nghị định 67 của Chính phủ “chính sách phát triển thủy sản”, ngư  dân ven biển miền Tây hớn hở đăng ký, nhưng xét duyệt rất hạn chế và triển khai vướng mắc quá nhiều.

Ngư dân Cà Mau đăng ký đóng mới 103 tàu (29 tàu dịch vụ hậu cần, 74 tàu khai thác) và 34 tàu nâng cấp (2 tàu dịch vụ, 32 tàu khai thác). Trong đó, 17 dự án được triển khai gồm 4 tàu dịch vụ, 11 tàu khai thác và 2 tàu nâng cấp. 

Ông Từ Văn Hiền, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) nói: “Chúng tôi tiếp nhận hồ sơ đăng ký, chuyển lên cấp trên xem xét nhưng kết quả rất chậm, vướng mắc quá nhiều”.

Ngư dân Trần Văn Chiến cho biết, giá thành đóng tàu mới từ 8 đến 20 tỷ đồng/tàu, ngư dân không đủ vốn đối ứng, trả nợ 10 năm là rất khó khăn. “Tôi được duyệt đóng tàu vỏ sắt hậu cần nghề cá, công suất 1.000 CV nhưng tìm chỗ đóng tàu đã khó, tiếp cận vốn vay càng khó do quá nhiều thủ tục”, ông Chiến cho biết.

Ông Lương Ngọc Lân, GĐ Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho biết, giai đoạn 1 được phân bổ 15 chiếc nhưng mới triển khai được 1 chiếc, còn lại đang thẩm định. Rất đông ngư dân Bạc Liêu tìm cách tiếp cận nguồn vốn để đóng mới, nâng cấp đội tàu nhưng vướng nhiều thủ tục.

Ông Liên Văn Lợi là ngư dân may mắn được duyệt đóng tàu vỏ gỗ, làm hậu cần nghề cá, công suất 1.200 CV, cho hay: “Tôi bỏ vốn ra, đặt đóng tàu, sắp hoàn thiện nhưng ngân hàng chưa giải ngân”.

Tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… không có cơ sở đóng tàu vỏ sắt, chỉ vài cơ sở đóng tàu vỏ gỗ theo kinh nghiệm ngư dân ven biển Tây Nam. 

Tại Bạc Liêu có 9 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá nhưng chỉ có 1 cơ sở đủ điều kiện đóng mới tàu vỏ gỗ và Cà Mau có 1 cơ sở đủ điều kiện đóng tàu vỏ gỗ. Đây cũng là khó khăn đối với ngư dân muốn vay vốn theo NĐ 67.

MỚI - NÓNG